Thứ Hai, 16/05/2016, 15:12 (GMT+7)
.

Khoan giếng tầng nông phải xin phép

Tình hình hạn, mặn trong thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất cũng như nhu cầu sinh hoạt của nhiều hộ dân. Một số xã bị ảnh hưởng hạn, mặn thuộc TP. Mỹ Tho và huyện Châu Thành đã tự khoan giếng tầng nông với số lượng khá lớn để tìm kiếm nguồn nước ngọt.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thương Tý, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết, theo thống kê sơ bộ, huyện Châu Thành đã phát sinh hơn 200 giếng tầng nông ở 6 xã, nhiều nhất là xã Tam Hiệp với hơn 100 giếng; tại TP. Mỹ Tho phát sinh 17 giếng tầng nông ở xã Đạo Thạnh.

* Phóng viên (PV): Thưa ông! Thời gian qua, tình hình khoan giếng tầng nông diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương. Sở TN-MT đánh giá như thế nào về vấn đề này?

* Ông Phạm Thương Tý: Việc thiếu nước sản xuất trong thời gian xảy ra hạn, mặn đã gây nhiều khó khăn cho các hộ dân. Trước nhu cầu cấp thiết của nông dân trong việc duy trì sản xuất, tránh thiệt hại lớn đối với nhiều vườn, rẫy, nhiều nông dân đã tự phát khoan giếng tầng nông, nhiều truờng hợp gặp nuớc xấu như bị mặn, nhiễm phèn thì bỏ giếng mà không thực hiện việc trám lấp các giếng theo đúng quy trình quy định.

* PV: Ông có thể cho biết, việc khoan giếng tầng nông được quy định như thế nào?

* Ông Phạm Thương Tý: Qua thống kê trên địa bàn tỉnh, các giếng khai thác nước tầng nông đều có độ sâu trên 20 m. Theo quy định tại Điều 4, Thông tư 27/2014/TT-BTNMT ngày 30-5-2014 của Bộ TN-MT quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước thì các giếng khai thác nước tầng nông nêu trên đều thuộc trường hợp phải đăng ký hoặc phải xin cấp phép nếu có quy mô khai thác trên 10 m3/ngày đêm.

Đối với các trường hợp phải xin phép khai thác nước dưới đất, thì UBND đã công bố thủ tục hành chính thực hiện rồi, người dân căn cứ vào đó mà thực hiện cho đúng quy định.

Đối với trường hợp phải đăng ký khai thác nước dưới đất thì căn cứ Khoản 2, Điều 17, Nghị định 201/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“UBND cấp tỉnh tổ chức khoanh định, công bố vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất; quy định cụ thể thẩm quyền tổ chức việc đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn”. Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở TN-MT thực hiện dự án khoanh định khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất, dự kiến hoàn thành trong tháng 8-2016.

Một giếng tầng nông đang được nông dân khoan để sử dụng. Ảnh: Minh Thành
Một giếng tầng nông đang được nông dân khoan để sử dụng. Ảnh: Minh Thành

* PV: Việc nhiều hộ đã tự ý khoan giếng tầng nông trong mùa hạn, mặn, Sở TN-MT xử lý như thế nào?

* Ông Phạm Thương Tý: Trong thời gian chờ kết quả khoanh định khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất, Sở TN-MT đã báo cáo UBND tỉnh tình hình khoan giếng tầng nông lấy nước sử dụng trong đợt hạn, mặn và đề xuất tạm thời cho nhân dân đăng ký khai thác nước tầng nông để lấy nước ngọt chống hạn, mặn cho sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, chúng tôi yêu cầu người có nhu cầu khai thác nước tầng nông phải đăng ký với UBND huyện (do Phòng TN-MT trực tiếp thực hiện). Khi tiếp nhận đăng ký của người dân, Phòng TN-MT sẽ giải thích về tình hình chất lượng nước ngầm tầng nông tại khu vực mà người dân đăng ký khai thác để khuyến cáo người dân là chất lượng nước không ổn định, khả năng gặp mặn, phèn không sử dụng được là rất cao. Khi không sử dụng được, họ phải trám lấp đúng quy định.

Đồng thời, người đăng ký khai thác nước tầng nông phải cam kết nếu gặp nguồn nước không bảo đảm chất lượng cho sản xuất, không sử dụng được thì phải báo cáo UBND xã và thực hiện trám lấp ngay theo quy định của Nhà nước dưới sự giám sát của UBND xã và cán bộ nghiệp vụ Phòng TN-MT.

UBND tỉnh đã giao UBND xã quản lý, theo dõi việc khoan giếng, sau khi được Phòng TN-MT xác nhận đã đăng ký (việc khoan giếng phải do tổ chức, cá nhân có giấy phép hành nghề thực hiện); khi hoàn thành việc khoan giếng nếu chất lượng nước không đáp ứng yêu cầu sử dụng, không khai thác sử dụng được thì phải báo cáo Phòng TN-MT phối hợp kiểm tra, chứng kiến chủ giếng thực hiện trám lấp ngay theo quy định.

Giao UBND huyện chỉ đạo Ngành TN-MT, ngành Nông nghiệp và UBND các xã tập trung tuyên truyền cho người dân về quy định phải đăng ký, phải xin phép trong thăm dò, khai thác nước dưới đất và các quy định về quản lý, khai thác, trám lấp giếng nếu không sử dụng. Trong đó, tập trung chủ yếu vào giếng tầng nông.

UBND tỉnh cũng giao Sở TN-MT hướng dẫn cho Phòng TN-MT xác định các khu vực có tầng nước chất lượng tốt, mở sổ đăng ký khai thác nước tầng nông đối với các trường hợp có nhu cầu khai thác không vượt quá 10 m3/ngày đêm.

Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh giao Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam thực hiện Dự án “Điều tra, đánh giá, xác định khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”, với thời gian thực hiện 6 tháng.

Qua dự án này, chúng ta sẽ có danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được UBND tỉnh phê duyệt, làm cơ sở pháp lý cho việc tổ chức đăng ký, khai thác, đưa vào quản lý các giếng khoan có quy mô không vượt quá 10m3/ngày đêm hiện đang khai thác chưa được quản lý; đồng thời đối với các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu khai thác nước dưới đất phải thực hiện đăng ký trước khi thi công giếng khoan.

* PV: Xin cảm ơn ông!

SĨ NGUYÊN (thực hiện)

.
.
.