Thứ Hai, 02/05/2016, 08:47 (GMT+7)
.

Lương Hòa Lạc: Khai thác thế mạnh thương mại&nghề thủ công truyền thống

Cách TP. Mỹ Tho khoảng 7 km, giao thông thuận tiện, lại có chợ hình thành lâu đời với hoạt động mua bán nhộn nhịp bậc nhất khu vực… là điều kiện thuận lợi cho xã Lương Hòa Lạc (huyện Chợ Gạo) phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM).

THẾ MẠNH THƯƠNG MẠI VÀ LÀNG NGHỀ THỦ CÔNG

Do địa bàn giáp với TP. Mỹ Tho, có đường tỉnh 879 (nối với Quốc lộ 50 và đường cao tốc Trung Lương - TP. Hồ Chí Minh) và đường huyện 28 đi qua,  Lương Hòa Lạc thuận lợi trong việc giao thương hàng hóa với các khu vực trong và ngoài tỉnh.

Mặt khác, trên địa bàn còn có chợ Bến Tranh được hình thành rất lâu đời, hoạt động buôn bán tại chợ sôi động bật nhất khu vực. Chính vì thế Lương Hòa Lạc phát triển khá mạnh về hoạt động thương mại, dịch vụ. Theo thống kê, hiện trên địa bàn xã có 267 điểm buôn bán, kinh doanh; 49 cơ sở chế biến và 5 điểm kinh doanh trong lĩnh vực giải trí. Riêng khu vực chợ Bến Tranh có 147 tiểu thương buôn bán.

Tổ hợp tác thanh long Lương Phú (ấp Lương Phú C) đang được củng cố, nâng chất để phát huy lợi thế cây ăn trái đặc sản thanh long trên địa bàn.
Tổ hợp tác thanh long Lương Phú (ấp Lương Phú C) đang được củng cố, nâng chất để phát huy lợi thế cây ăn trái đặc sản thanh long trên địa bàn.

Xã còn có làng nghề truyền thống chạm khắc gỗ hình thành cách nay hàng chục năm. Đây là đặc trưng, lợi thế mà các xã khác không có được. Anh Nguyễn Hữu Hòa, cán bộ phụ trách Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM xã cho biết, làng nghề có 9 cơ sở kinh doanh với 188 lao động làm việc thường xuyên.

Cũng theo anh Hòa, nghề chạm khắc gỗ có từ rất lâu đời, thậm chí có từ trước giải phóng. Những năm gần đây, nghề này phát triển mạnh do phong trào sử dụng gỗ làm vật dụng trong gia đình thịnh hành. Theo ước tính, thu nhập của lao động làm việc trong làng nghề từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề chạm khắc gỗ cùng với hoạt động thương mại, dịch vụ khá phát triển trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của xã. Cụ thể, chỉ riêng lĩnh vực thương mại, dịch vụ đã chiếm đến gần 30%, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chiếm trên 16% trong cơ cấu kinh tế của xã, qua đó đã giúp giải quyết việc làm tại chỗ cho một lực lượng không nhỏ lao động trong vùng, góp phần ổn định đời sống của hộ dân, nâng thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn.

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG CHẤT LƯỢNG

Cũng theo anh Nguyễn Hữu Hòa, dù có nhiều thuận lợi phát triển thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và các lĩnh vực này chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu kinh tế của xã, nhưng nông nghiệp vẫn giữ vị trí quan trọng đối với xã (chiếm trên 51% trong cơ cấu kinh tế của xã). Trong đó, nông nghiệp của xã chủ yếu là chăn nuôi và trồng trọt.

Theo đó, chăn nuôi có điều kiện thuận lợi phát triển do hoạt động kinh doanh, dịch vụ thú y và thức ăn chăn nuôi phát triển khá mạnh; số lượng doanh nghiệp, cơ sở tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn cũng khá đông.

Theo thống kê, trên địa bàn xã hiện có đàn gia cầm 640.000 con, 10.000 con heo, 1.300 con bò. Trong trồng trọt (chủ yếu diện tích vườn), xã có nhiều chủng loại cây trồng nhưng quan trọng là bưởi da xanh, dừa, thanh long, mận và rau màu...

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM xã Lương Hòa Lạc, đến nay xã đã có 13 tiêu chí đạt yêu cầu của Bộ Tiêu chí và đang xúc tiến các thủ tục, hồ sơ theo quy định đề nghị ngành huyện, tỉnh thẩm định, công nhận kết quả.

Trong đó, có những tiêu chí quan trọng mà xã đã đạt như Thu nhập đạt trên 34 triệu đồng/người/năm; Hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 3%.

Đến nay có 6 tiêu chí đã được ngành huyện thẩm định và đang trình sở, ngành tỉnh có liên quan (có 2 tiêu chí là Bưu điện, Thu nhập đã được sở, ngành tỉnh công nhận).

Còn 6 tiêu chí chưa đạt gồm Giao thông, Điện, Cơ sở vật chất văn hóa, Chợ nông thôn, Môi trường, Hệ thống tổ chức chính trị xã hội.

Với tỷ lệ đạt hiện nay của các tiêu chí này cùng với sự hỗ trợ tích cực của các ngành, các cấp và sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị xã, Lương Hòa Lạc đang phấn đấu ra mắt xã NTM vào cuối năm nay.

Thế nhưng, do dân đông, diện tích đất sản xuất không nhiều nên diện tích đất canh tác trên hộ gia đình thấp. Do đó, việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún khó tránh khỏi và cũng là trở ngại, hạn chế trong việc phát triển nông nghiệp của xã.

Từ đó, để phát triển nông nghiệp ổn định, cải thiện đời sống nông dân, xã khuyến khích nông dân đẩy mạnh phát triển các chủng loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; chuyển dịch cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyên canh, thâm canh cao.

Đặc biệt, Lương Hòa Lạc đã được quy hoạch nằm trong vùng phát triển thanh long của huyện Chợ Gạo là điều kiện tốt cho xã phát triển chuyên canh cây đặc sản này.

Qua thời gian khuyến khích phát triển theo hướng trên, đến nay xã có 70 ha trồng thanh long, 25 ha bưởi da xanh, rau màu hàng năm khoảng 177 ha... theo hướng thâm canh, chuyên canh, luân canh. Hướng tới, xã sẽ tiếp tục mở rộng diện tích thanh long lên 150 ha, 50 ha bưởi da xanh.

Bên cạnh đó, xã cũng định hướng người dân sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Võ Văn Thảo, Chủ tịch UBND xã cho biết, thực hiện phát triển nông nghiệp theo hướng này, hàng năm xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp đào tạo nghề, hội thảo, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cây ăn trái, chăn nuôi theo các tiêu chuẩn an toàn, GAP, bảo vệ môi trường; vận động người dân tham gia vào các mô hình hợp tác.

Đến nay, xã có 1 tổ hợp tác sản xuất thanh long ở ấp Lương Phú C đã tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 1 tổ hợp tác sản xuất rau an toàn. Theo đánh giá, hoạt động của các tổ hợp tác này đã đạt được nhiều kết quả về kinh tế, xã hội.

Trên cơ sở này, xã đang tiếp tục củng cố, nâng chất các mô hình hợp tác này để nhân rộng ra các địa bàn khác trong xã, giúp tăng thu nhập cho nông dân, tạo việc làm cho lao động địa phương.

NGÔ VĂN

.
.
.