Thứ Ba, 10/05/2016, 05:50 (GMT+7)
.

Tân Phú Đông: Từng bước khẳng định vị thế kinh tế biển

Nhờ vào địa thế cù lao giáp biển, Tân Phú Đông có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, tiềm năng ấy đến nay vẫn chưa được khai thác, phát huy đúng mức. Thời gian tới, cần có những phá làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện “đảo”.

Tân Phú Đông là 1 trong 2 địa phương trong tỉnh có nghề nuôi, khai thác nghêu phát triển.
Tân Phú Đông là 1 trong 2 địa phương trong tỉnh có nghề nuôi, khai thác nghêu phát triển.

1. Tân Phú Đông có khoảng 7 km tiếp giáp Biển Đông cùng với diện tích cồn bãi ven biển khá rộng là nơi trú ngụ của nhiều chủng loại động, thực vật. Theo thống kê của cơ quan chức năng huyện, Tân Phú Đông có tổng diện tích mặt nước biển gần 6.000 ha, trong đó vùng nghêu, sò sinh sống khoảng 1.300 ha (53 ha nuôi, còn lại khai thác tự nhiên).

Khu vực ven biển của huyện còn có hệ thống rừng ngập mặn góp phần làm phong phú cho hệ thực vật ven biển; đồng thời giữ vai trò rất quan trọng trong việc phòng chắn gió, bão, bảo vệ sản xuất, người dân khu vực phía Đông của huyện.

Nhưng điểm nhấn quan trọng nhất trong tiềm năng phát triển kinh tế biển nơi đây phải kể đến là hệ thống cồn bãi rộng lớn tiềm năng và giá trị kinh tế cao, như khu đất bãi bồi phía Đông ấp Cồn Cống (xã Phú Tân) - Cồn Ngang có diện tích nổi trên mặt nước khoảng 167 ha cùng với diện tích bãi bồi ngập nước lên đến trên 1.000 ha đang có tiềm năng phát triển nuôi trồng và du lịch sinh thái.

Xa hơn về phía Đông, huyện còn có khu bãi bồi rộng lớn khác - Cồn Vượt nằm giữa sông Cửa Đại và Cửa Tiểu. Tuy cồn chỉ là bãi bồi chưa nổi lên mặt nước (một phần đất nổi lên mặt nước khi nước xuống thấp) nhưng đây là nơi có điều kiện tốt cho con nghêu sinh sống và phát triển.

Ông Nguyễn Trung Hòa, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, do địa bàn cù lao giáp biển nên huyện có điều kiện tự nhiên thuộc vùng mặn lợ. Xác định đặc điểm của từng vùng sinh thái theo thời gian nhiễm mặn, khu vực phía Tây nhiễm mặn từ 5 - 6 tháng, khu vực Phú Thạnh, Tân Phú nhiễm mặn từ 7 - 9 tháng và khu vực phía Đông có thời gian nhiễm mặn gần như quanh năm.

Qua đó cho thấy, Tân Phú Đông có tiềm năng phát triển thủy sản mặn, lợ rất lớn, nhất là khu vực ven biển của huyện thích hợp phát triển các loài thủy sản nhuyễn thể như nghêu, sò. Không chỉ thế, bên cạnh nuôi và khai thác nghêu, sò thương phẩm, một số nơi khu vực ven biển còn là nơi sinh sản nghêu giống. Cùng với đó, hệ thống rừng phòng hộ ven biển trải dài hàng cây số cũng là nơi trú ngụ, ẩn náu, sinh sản của nhiều loài thủy sản.

Song song với phát triển nghề nuôi trồng thủy sản ven biển, Tân Phú Đông cũng là một trong những huyện có điều kiện phát triển mạnh nghề đánh bắt hải sản xa bờ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên những năm qua phương tiện đánh bắt hải sản xa bờ trên địa bàn huyện có xu hướng giảm, còn 24 phương tiện với tổng công suất trên 3.000 CV.

Song, đây vẫn là nghề có nhiều tiềm năng và đang được huyện khuyến khích phát triển. Thống kê cho thấy, từ năm 2011 - 2015, sản lượng thủy, hải sản từ khai thác biển tăng liên tục qua từng năm. Năm 2011, sản lượng khai thác biển 600 tấn, đến năm 2015 sản lượng khai thác biển tăng lên 900 tấn.

2. Dù có nhiều thuận lợi nhưng việc phát triển kinh tế biển ở Tân Phú Đông cũng gặp không ít thách thức, như khu vực ven biển đang sạt lở nghiêm trọng với diện tích lên đến trên 100 ha, ảnh hưởng đến sản xuất của nhiều hộ dân sinh sống ven biển. Hiện nay, tình hình sạt lở đang tiếp tục.

Thời gian gần đây, thời tiết diễn biến ngày càng bất thường, nguồn lợi thủy sản ngày càng có dấu hiệu suy giảm, nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu khai thác hải sản xa bờ ngày càng khó khăn về số lượng lẫn chất lượng; công nghệ khai thác chậm đổi mới… dẫn đến hiệu quả hoạt động khai thác thủy, hải sản chưa cao nên chưa tạo sức hút lớn đối với người dân.

Qua nhận diện những thuận lợi và thách thức, huyện đã đề ra định hướng, giải pháp để khai thác, phát triển kinh tế biển của địa phương. Đó là huyện sẽ tập trung quản lý và sử dụng hiệu quả hệ thống rừng phòng hộ ven biển, trong đó đã có kế hoạch trồng mới 350 ha rừng để đến năm 2020 toàn huyện có trên 1.260 ha rừng phòng hộ nhằm đảm bảo chắn sóng gió, hạn chế tác hại khi có bão.

Huyện tập trung phát triển kinh tế biển gắn với phát triển du lịch sinh thái Cồn Ngang, Cồn Cống, gắn với đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ vùng biển. Đối với khai thác bãi bồi ven biển, huyện sẽ chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác có hiệu quả vùng nuôi nghêu, sò khu vực Cồn Ngang, Cồn Vượt, bảo tồn nghêu giống sinh sản; đồng thời chú trọng phát triển nghề đánh bắt xa bờ.

Cụ thể định hướng trên, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch UBND huyện cho biết, ngoài bãi bồi ven biển, huyện còn có Cồn Ngang và Cồn Vượt. Phát huy lợi thế này, huyện đang nỗ lực phát triển du lịch sinh thái biển thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.

Hiện thực hóa hướng đi này, huyện đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Cồn Ngang - Cồn Cống, kết hợp với phát triển du lịch Di tích Lũy Pháo Đài ở xã Phú Tân. Hiện nay, đã có doanh nghiệp đến tìm hiểu tiềm năng phát triển du lịch ở Cồn Ngang.

Huyện cũng từng bước mở rộng diện tích nuôi nghêu, sò thương phẩm ở khu vực Cồn Ngang, Cồn Vượt trên cơ sở thực hiện chính sách đất đai hợp lý đối với các thành phần kinh tế và áp dụng các mô hình quản lý, mô hình nuôi thích hợp, đa dạng hóa các giống loài; khuyến khích phát triển đánh bắt thủy, hải sản theo hướng chất lượng, hiệu quả nhằm tăng tỷ trọng đánh bắt xa bờ kết hợp với bảo vệ an ninh Quốc gia trên biển.

Từ xác định hướng đi như thế, huyện đang từng bước khai thác hiệu quả các lợi thế của khu vực ven biển và biển để làm động lực thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

TÂN PHÚ

.
.
.