Thứ Tư, 29/06/2016, 09:54 (GMT+7)
.

Từ anh nông dân trở thành ông chủ lò sấy lúa

Đó là ông Nguyễn Văn Quận, ngụ xã Mỹ Phước Tây, TX. Cai Lậy. Từ anh nông dân nghèo khó, ông Quận đã trở thành ông chủ lò sấy lúa, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục lao động có thu nhập ổn định.

Vốn xuất thân từ gia đình có truyền thống sản xuất nông nghiệp chuyên trồng lúa, mỗi năm sản xuất 2 - 3 vụ nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Không riêng gia đình ông Quận mà nhiều gia đình trồng lúa khác cũng gặp khó khăn khi thu hoạch lúa trúng đợt mưa dầm, lúa không phơi được, bị ẩm mốc, thương lái ép giá gây khó khăn cho người trồng lúa.

Ông Quận kiểm tra việc vận chuyển lúa từ ghe lên lò sấy.
Ông Quận kiểm tra việc vận chuyển lúa từ ghe lên lò sấy.

Trước thực tế đó, ông suy nghĩ tìm cách tự “cứu” chính bản thân mình và để người nông dân có thể sống được trên chính mảnh ruộng của mình, vì đa phần người dân ở xã Mỹ Phước Tây đều sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp, gắn bó với cây lúa là chính. Ông bàn với gia đình gom góp vốn, xây dựng lò và mua máy sấy lúa về sấy cho gia đình và cho bà con nông dân để có thể dự trữ lúa với thời gian lâu hơn và có thể bán khi giá lúa tăng cao, không phải lệ thuộc hay bị thương lái ép giá.

Lúc đầu, gia đình chỉ có đủ tiền mua 2 cặp máy và chỉ làm với quy mô gia đình, các con cùng giúp đỡ. Việc làm ăn có hiệu quả, nhiều người trong vùng đến thuê sấy lúa, làm cả ngày lẫn đêm vẫn không kịp. Ông cùng với gia đình quyết định đầu tư và mua thêm 2 cặp máy sấy; đồng thời thuê 10 thanh niên trong xã vào làm với mức thu nhập ổn định.

Trước đây, các khâu vận chuyển lúa đều làm bằng thủ công, sức người là chính, dần dần áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào công việc, đến nay việc sấy lúa của gia đình ông Quận chỉ làm bằng máy thay thế sức lao động và nhân công chủ yếu điều chỉnh máy, năng suất cũng như chất lượng tăng lên đáng kể.

Bình quân mỗi tấn lúa sấy với giá 100.000 đồng; trong đó thuê nhân công lên xuống với giá 18.000 đồng và sau khi trừ các chi phí ông Quận kiếm lời 30.000 đồng/tấn. Trung bình mỗi ngày lò sấy lúa của ông Quận sấy khoảng 350 tấn lúa, lúc cao điểm lên đến 400 tấn.

Ông Quận cho biết: “Vào mùa thu hoạch lúa, lò hoạt động liên tục, thuê thêm nhân công để làm luôn cả ban đêm nhưng cơ sở sấy lúa vẫn luôn trong tình trạng quá tải. Lò sấy của mình làm đúng quy trình, kỹ thuật như doanh nghiệp lắp ráp lò hướng dẫn nên lúa đạt ẩm độ đúng yêu cầu, bà con nông dân cũng như thương lái xay gạo đạt nên họ tin tưởng chọn mình, không bỏ đi nơi khác. Lúc đầu, số người thuê sấy chủ yếu ở trong tỉnh, vài năm trở lại đây có cả người ở ngoài tỉnh cũng đến thuê gia đình tôi sấy lúa”.

Ông Quận cho biết thêm: Làm nghề sấy lúa chỉ cần có vốn để đầu tư máy móc, không phải sợ giá lúa lên xuống như người trồng lúa. Nhờ làm ăn có uy tín, cứ đến mùa lúa là thương lái điện thoại thuê gia đình ông sấy. Hễ ghe này xuống lúa đầy, vừa xuất bến thì ghe khác lắp vào. Lúa lên, lúa xuống hối hả cả ngày và đêm. Nhân công thì khỏe hơn trước đây rất nhiều, chỉ cực những lúc lên, xuống lúa; mỗi ngày thu nhập của anh em nhân công có thể từ 400.000 - 500.000 đồng, tùy theo thời điểm.

Với quá trình phấn đấu trên thửa ruộng, cùng với việc kinh doanh lò sấy lúa thuê, từ trong nghèo khó, đến nay kinh tế gia đình ông Quận trở nên khá giả, xây dựng được nhà cửa khang trang, các con học hành đến nơi đến chốn, có việc làm ổn định. Nhiều năm liền, gia đình ông Quận được tuyên dương Gia đình Văn hóa tiêu biểu, nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

MINH TOÀN

.
.
.