Thứ Hai, 25/07/2016, 14:14 (GMT+7)
.

Loại trái cây độc đáo và các món ăn đặc sản làm từ khóm

Khóm phụng, khóm son được biết là loại trái cây độc đáo của huyện Tân Phước, là loại khóm kiểng được thị trường Tết ưa chuộng để chưng trên mâm ngũ quả. Bên cạnh, khóm còn được sử dụng để làm ra món ăn rất thơm ngon, đó là kẹo khóm, nước màu khóm.

Để có trái khóm phụng đẹp bán Tết được giá cao, ngay từ đầu tuần tháng 8 (âm lịch), người trồng  bắt đầu xử lý cho khóm ra trái.
Để có trái khóm phụng đẹp bán Tết được giá cao, ngay từ đầu tuần tháng 8 (âm lịch), người trồng bắt đầu xử lý cho khóm ra trái.

ĐỘC ĐÁO KHÓM PHỤNG - KHÓM SON

Khóm phụng có hình chim phượng hoàng (chim phụng) đang xòe cánh. Còn trái khóm son có màu sắc rực rỡ như màu son nên cũng được nhiều người ưa chuộng. Khóm phụng, khóm son chủ yếu được trồng ở xã Thạnh Mỹ, với diện tích vài chục ha.

Ông Hà Văn Bảy ở ấp Mỹ Lộc, xã Thạnh Mỹ cho biết: “Trồng khóm phụng, khóm son tuy không tốn nhiều công chăm sóc, nhưng khó xử lý cho trái có hình dáng đẹp như mong muốn”.

Theo các nhà vườn có nhiều năm kinh nghiệm, trồng 1.000 cây khóm phụng, chỉ có hơn 200 trái đẹp (giá dao động từ 150 - 200 ngàn đồng/trái), số còn lại thì bán giá từ 20 - 30 ngàn đồng/trái. Một trái khóm phụng đạt tiêu chuẩn và có giá phải nặng từ 4 - 6 kg, có hình dáng đẹp, trên đầu có mào rực rỡ, xung quanh trái mẹ phải có nhiều trái con có hình dáng tương tự trái mẹ.

Tết năm nào gia đình ông Đỗ Đức Phối cũng dành vài công đất để trồng khóm son, ông Phối cho biết: “Mỗi năm ông thu lợi từ khóm son trên 10 triệu đồng. Khóm son giá không cao như khóm phụng, nhưng dễ chăm sóc và cho trái đẹp”.

NGỌT THƠM KẸO KHÓM - NƯỚC MÀU

Tận dụng những trái khóm nhỏ, người dân Tân Phước đã sáng tạo ra món kẹo khóm, nước màu khóm thơm ngon nổi tiếng khắp nơi. Đi dọc các tỉnh lộ, huyện lộ trên địa bàn huyện Tân Phước, mọi người sẽ dễ dàng mua được 2 món đặc sản này.

Xã Mỹ Phước hiện có hơn 20 gia đình kinh doanh kẹo khóm, nước màu, làm bán quanh năm. Ngoài ra, còn hàng trăm hộ dân Tân Phước làm kẹo khóm vào các dịp lễ, tết, dùng trong gia đình. Bà Lê Thị Vui (tên thường gọi là bà Tám Vui), ấp Mỹ Thành, xã Mỹ Phước, với hơn 10 năm làm kẹo khóm, kể:

“Nhà có hơn 2 ha đất trồng khóm. Trước đây, tới mùa thu hoạch, thương lái chỉ mua khóm loại 1, loại 2. Còn khóm nhỏ phải đem ra chợ ngồi bán. Có khi bán không hết phải đổ bỏ. Lúc ấy, thấy tiếc nên bản thân thử tận dụng những trái khóm đó làm kẹo cho con cháu và tặng bà con vào dịp Tết. Hiện tại, gia đình làm bán quanh năm, ngày thường từ 5 - 10 kg; ngày tết thì tăng lên 30 - 40kg/ngày”.

Nước màu khóm cũng ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Với màu vàng sánh tự nhiên, không phẩm màu, nước màu khóm được dùng trong chế biến các loại cá kho, thịt kho. Từ đó, nước màu khóm làm tăng hương vị thơm ngon cho món ăn.

PHƯƠNG MAI

.
.
.