Thứ Bảy, 02/07/2016, 05:53 (GMT+7)
.

Phát triển doanh nghiệp không chấp nhận việc đánh đổi môi trường

Đó là một trong những quan điểm rất rõ ràng được Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng đưa ra tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp (DN) do UBND tỉnh tổ chức vào ngày 29-6.

Mở đầu cuộc đối thoại, ông Lê Văn Hưởng đã đánh giá cao những đóng góp của khối DN trên địa bàn tỉnh, nhất là khối DN tư nhân. Bởi theo số liệu thống kê, hiện nay khối DN tư nhân đã đóng góp vào ngân sách của tỉnh khoảng 1.000 tỷ đồng, chưa kể đã tạo ra khối lượng lớn việc làm và tham gia tích cực trong việc thực hiện mục tiêu Quốc gia về tăng chỉ tiêu xuất khẩu, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Ông Lê Văn Hưởng cũng cho rằng, chủ trương của tỉnh là nhìn thẳng vào sự thật, song khi DN cần đề đạt vấn đề gì cũng cần nghiên cứu các quy định của pháp luật và phát huy tinh thần văn hóa DN. Chủ trương của tỉnh là chuyển dần từ quản lý DN sang hỗ trợ DN và xem đối thoại DN là công việc thường xuyên.

Lần đầu tiên UBND tỉnh tổ chức đối thoại với DN.
Lần đầu tiên UBND tỉnh tổ chức đối thoại với DN.

Trên tinh thần trao đổi, cởi mở, nhiều ý kiến của DN đã được đặt ra đối với lãnh đạo các sở, ngành và UBND tỉnh tại buổi đối thoại. Trước khi kết luận từng vấn đề, ông Lê Văn Hưởng đã yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành có liên quan có ý kiến đối với từng kiến nghị của DN.

Trả lời chung với các DN, ông Lê Văn Hưởng cho rằng, DN muốn đầu tư phát triển thế nào, ở đâu cũng phải tuân thủ theo quy hoạch. Trong quá trình phát triển cũng có thể điều chỉnh quy hoạch, tuy nhiên việc điều chỉnh phải dựa trên cơ sở hợp lý, theo đúng quy trình và bao giờ việc điều chỉnh phải tốt hơn quy hoạch trước đó.

Ông Lê Văn Hưởng cho biết, DN hiện có tâm lý là muốn đầu tư ở bên ngoài khu công nghiệp (KCN), vì ở đó quản lý dễ chịu hơn. Theo ông Lê Văn Hưởng, mặc dù DN cảm thấy khó chịu khi đầu tư vào các KCN, cụm công nghiệp (CCN) do quản lý chặt chẽ hơn nhưng dẫu sao vẫn tốt hơn là đầu tư ở bên ngoài. Nhà nước đầu tư các KCN, CCN nhằm lo cho cơ sở hạ tầng, xử lý môi trường, an ninh trật tự và hàng loạt vấn đề khác nên đương nhiên là chi phí cao hơn.

Chủ trương là tỉnh vẫn ủng hộ các DN đầu tư bên ngoài các KCN, CCN nhưng phải đúng quy hoạch, đảm bảo các điều kiện. “Nếu DN đầu tư bên ngoài các KCN, CCN làm cho môi trường khó khăn thì điều này không đánh đổi, dù cho DN có xuất khẩu, nộp thuế nhiều đi chăng nữa” - ông Lê Văn Hưởng khẳng định với DN.

Đi vào các trường hợp cụ thể, đối với ý kiến về thủ tục liên quan đến dự án đầu tư của DNTN SD, ông Lê Văn Hưởng thừa nhận là chậm, đề nghị TP. Mỹ Tho rút kinh nghiệm và đề nghị các sở, ngành có liên quan trong vòng 3 tuần phải giải quyết xong thủ tục cho DNTN SD. Liên quan đến vấn đề về cải cách thủ tục hành chính, vấn đề “một cửa”, ông Lê Văn Hưởng đã ghi nhận những ý kiến của DN và hứa sẽ từng bước cải tiến.

Đại diện Công ty TNHH Túi xách Semon Việt Nam (KCN Tân Hương) phản ánh tình hình bán hàng rong ở KCN Tân Hương còn diễn biến phức tạp có khả năng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người lao động đang làm việc cho công ty cũng như trật tự an toàn giao thông và tình hình cung cấp điện.

Liên quan đến tình hình cung cấp điện, theo ông Lưu Thanh Nam, Giám đốc Công ty Điện lực Tiền Giang, trước hết công ty xin lỗi Công ty TNHH Túi xách Semon Việt Nam vì trong 6 tháng đầu năm 2016 có đến 12 lần gián đoạn điện; trong đó có 5 lần ngắt điện có lịch trước, các lần ngắt điện còn lại là do sự cố về điện.

Ông Lưu Thanh Nam cũng hứa sẽ thực hiện nhiều giải pháp cụ thể để việc cung ứng điện trong thời gian tới tốt hơn. Còn đối với tình trạng bán hàng rong, lấn chiếm lề đường ở KCN Tân Hương, ông Cao Minh Tâm, Trưởng Ban Quản lý các KCN cho biết, phản ảnh của Công ty TNHH Túi xách Semon Việt Nam là có thật.

Tình hình này đã diễn ra trong thời gian dài, lãnh đạo tỉnh cũng trực tiếp đến kiểm tra. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng đề án xây dựng chợ ở khu tái định cư Tân Hương để di dời các chợ bán hàng rong.

Đến nay, chợ ở tái định cư Tân Hương đã xây dựng xong và UBND huyện Châu Thành cũng đã tổ chức họp với các ngành, phối hợp với xã Tân Hương mời các hộ bán hàng rong thông báo các tiêu chí để đăng ký vào chợ mua bán. Đến nay, đã có 70 hộ mua bán đăng ký và UBND huyện Châu Thành tiếp tục phối hợp với xã Tân Hương tổ chức cho các hộ mua bán đăng ký di dời.

Đối với kiến nghị của Công ty THNHH Hansae Tiền Giang (KCN Tân Hương) về tình trạng mùi hôi của Công ty Tongwei vẫn còn, bà Nguyễn Hồng Thủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho rằng, sở đã yêu cầu Công ty Tongwei lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó có việc xử lý mùi hôi và công ty đã xây dựng 3 hệ thống xử lý mùi hôi thông qua 4 bộ phận lọc, còn việc có vận hành hệ thống xử lý hay không phải qua khảo sát mới phát hiện.

Sở cũng đã yêu cầu công ty lập kế hoạch chi tiết về quá trình bảo trì vận hành hệ thống xử lý để làm cơ sở giám sát và hạn chót nộp kế hoạch về sở là ngày 31-7. Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường theo dõi theo cam kết của Công ty Tongwei và phải khẳng định với các DN xung quanh đến lúc nào thì giảm thiểu mùi hôi của Công ty Tongwei...

THẾ ANH

Lần đầu tiên UBND tỉnh đối thoại với doanh nghiệp

Buổi đối thoại do ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, diễn ra vào ngày 29-6. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và đại diện DN trên địa bàn tỉnh. Đây là lần đầu tiên UBND tỉnh tổ chức đối thoại với DN, đáp ứng được mong mỏi của cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là sau khi Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 của Chính phủ ra đời.

Có rất nhiều ý kiến, kiến nghị của DN được đưa ra tại buổi đối thoại. Chẳng hạn, DNTN SD nêu ý kiến về: Thủ tục đầu tư quá lâu, thủ tục xác nhận nguồn gốc gỗ cho hàng hóa có sử dụng gỗ nhập khẩu nhiêu khê, việc bán hàng nội địa còn gặp nhiều khó khăn.

Đại diện Công ty cổ phần cơ khí Tiền Giang đặt ra vấn đề: Đất thuê của tỉnh đóng tiền hàng năm, DN xây dựng nhà xưởng, cơ sở hạ tầng cho thuê tài sản gắn liền với đất có được không?; về quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với công ty. HTX Tiêu thụ Điện Tân Thanh nêu ý kiến về việc mua bán điện chồng chéo giữa HTX và Công ty Điện lực Tiền Giang. Công ty Xăng dầu Tiền Giang cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh...

Phát biểu kết luận buổi đối thoại, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh đã kết luận một số ý kiến, kiến nghị của DN. Các vấn đề còn lại liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao cụ thể cho các sở, ngành có liên quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan giải quyết gắn với từng mốc thời gian cụ thể và báo cáo kết quả giải quyết về UBND tỉnh.

 

.
.
.