Thứ Tư, 24/08/2016, 15:09 (GMT+7)
.

Du lịch Thới Sơn: "Nan giải" với vấn nạn "cò mồi"

“Cò” du lịch móc nối với các công ty, điểm du lịch nhà dân và các điểm bán hàng lưu niệm ở cù lao Thới Sơn để “xẻ” tiền khách du lịch đang trở thành chuyện bức xúc của du khách khi đặt chân tới đây. Mặc dù ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng “cò mồi” vẫn còn xuất hiện.

Xe ôm kiêm “cò” du lịch

Từ khi cầu Rạch Miễu đưa vào sử dụng, lượng khách các nơi đổ về Khu du lịch Thới Sơn nhiều hơn. Đây cũng là lúc nạn “cò” du lịch xuất hiện. Ban đầu, họ ra ngay dưới dốc cầu Rạch Miễu, nhánh rẽ vào Khu du lịch Thới Sơn để chặn bắt khách và chèo kéo khách du lịch.

Sau một thời gian, ngành chức năng kiểm tra và xử lý rất nghiêm ngặt nên tình trạng “cò” chèo kéo không còn nhiều, mà chuyển hướng sang chạy xe ôm kiêm hướng dẫn khách. Những người này thành lập nghiệp đoàn (NĐ) xe ôm, không chở khách du lịch mà túc trực ngay sau trạm thu phí để khi xe nào vào thì hướng dẫn đến công ty để được hưởng tiền hoa hồng từ phía công ty.

Hướng dẫn viên (bên phải) hướng dẫn khách du lịch tại khu du lịch Thới Sơn.
Hướng dẫn viên (bên phải) hướng dẫn khách du lịch tại khu du lịch Thới Sơn.

Ngày 9-8, chiếc xe 7 chỗ biển số 51F… vừa dừng lại trạm thu phí thì những người trong NĐ xe ôm nhốn nháo, người thì ra coi có khoảng bao nhiêu người trong xe, người thì lấy sổ ra ghi. Khi nghe nói có người trong xe, người tên T. nói: “Tới tài bà đó H., bào nó đi”. Rồi bà H. chạy theo chiếc xe 7 chỗ nói trên.

Ngày 11-8, chiếc ô tô mang biển số 51F59… vừa qua khỏi trạm thu phí ở cù lao Thới Sơn thì có một người trong NĐ xe ôm nói: “Tới ai, tới ai, tới K. đó”. Người tên K. luýnh quýnh chạy theo mà không kịp đội nón bảo hiểm, cũng như mặc áo mưa. Một lúc sau, K. quay lại nói: “Tao bào được 80.000 đồng”.

Ngày 19-8, xe 30 chỗ mang biển số 51B 153… vừa qua trạm thu phí, một người trong NĐ xe ôm này cũng chạy theo. Khoảng 20 phút sau, một đoàn xe máy 5 - 6 chiếc mang biển số Vĩnh Long, Cần Thơ chạy vào, ngay tức khắc một người trong NĐ xe ôm nhảy lên xe định chạy theo. Nghe tiếng bóp còi xe tin tin, người này quay trở lại quán cafe chửi thề và nói “cò” M. theo bào rồi, hay thiệt.

Trong nhiều ngày có mặt tại nơi đây, chúng tôi chứng kiến các người trong NĐ xe ôm này khi thấy xe nào biển số lạ, bất kể ô tô hay mô tô đi vào hướng khu du lịch thì họ chạy theo, chèo kéo xuống công ty du lịch…

Còn chiếc nào họ theo không kịp thì trực tiếp điện thoại xuống Công ty TNHH du lịch Mê Kông Thới Sơn để báo và nhận tiền hoa hồng là khách của mình. Những người trong NĐ xe ôm này đa số là nữ, họ mặc áo bà ba, đội nón lá… Khi khách quen điện thoại thì những người này tình nguyện làm hướng dẫn viên và ra giá với khách đi cả tour luôn.  

Ông Nguyễn Tấn Phong cho biết, cù lao Thới Sơn đã được quy hoạch với quy mô 30,98 ha, với 4 khu: Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, Khu du lịch thể thao dưới nước, Khu đón tiếp du lịch dường bộ và Khu du lịch nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe.

Do đặc thù vùng sông nước, các doanh nghiệp du lịch chủ yếu liên kết các hộ nhà vườn đầu tư để khai thác trên 4 điểm du lịch: Thới Sơn 1, Thới Sơn 3, Thới Sơn 4 và Thới Sơn 5.

Trong quá trình tiếp xúc với NĐ xe ôm, với vai trò chờ người thân từ TP. Hồ Chí Minh xuống tham quan miền sông nước, chúng tôi tiếp xúc với người tên H. trong NĐ xe ôm và nhờ người này hướng dẫn.

H. nói: “Anh đi 7 người, em lấy giá 100.000 đồng/người thôi. Em sẽ dẫn các anh tham quan trên sông, ghé khu làm kẹo, ăn trái cây, uống mật ong, nghe đờn ca tài tử… còn muốn tát mương bắt cá thì anh phải trả thêm tiền cho công ty nhe!”. 

Cách nơi “đóng quân” của NĐ xe ôm chừng 50 m là Phòng Hỗ trợ khách du lịch thuộc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư  - Thương mại và Du lịch luôn “cửa đóng, then cài”.

Hơn 6 lần chúng tôi có mặt ở khu vực này, Phòng Hỗ trợ khách du lịch này chưa bao giờ mở cửa. Phía trước phòng cũng không thấy bóng dáng một ai để sẵn sàng hướng dẫn khi khách du lịch cần. Được biết, phòng này thành lập cách nay gần 1 năm và thuê một căn nhà của hộ dân với giá 1 triệu đồng/tháng để phục vụ khách khi có nhu cầu.

Sẽ chấn chỉnh lại

Trao đổi về vấn đề “cò mồi” khách du lịch tại cù lao Thới Sơn, ông Nguyễn Phong Lưu, cán bộ phụ trách du lịch xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho cho biết, hiện nay tình trạng “cò mồi”, chèo kéo khách du lịch không còn nhiều.

Khu du lịch xã Thới Sơn có NĐ xe ôm được đặt tại quán cà phê, phía sau trạm thu phí hướng vào các khu du lịch xã Thới Sơn. NĐ xe ôm này hiện nay có 42 người. Những thành viên này chia tài ra và đưa khách vào Công ty TNHH du lịch Mê Kông Thới Sơn, khi công ty bán được tour thì sẽ chia hoa hồng cho những người này từ 10.000 - 15.000 đồng/khách du lịch.

Tình trạng “cò mồi”, chèo kéo khách du lịch đã xuất hiện sau khi cầu Rạch Miễu đưa vào sử dụng. “Họ đón khách tại dốc cầu, phía đường hướng vào khu du lịch Thới Sơn, sau đó chèo kéo khách vào các công ty để được hưởng hoa hồng. Hoặc họ tự thuê đò, tự kêu xe ngựa… để đưa khách tham quan và lấy 150.000 đồng/người.

Ngoài ra, họ dẫn khách đến các quầy lưu niệm và nháy mắt với các chủ quầy để chủ quầy nâng giá khi khách mua hàng và hưởng hoa hồng 20.000 - 25.000 đồng/món đồ. Tình trạng hướng dẫn viên “chui” cũng có xuất hiện và ngành chức năng cũng đã có xử lý” - ông Lưu nói.

Để giải quyết thực trạng chèo kéo khách du lịch của “cò mồi”, ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng: “Trước đây, tình trạng “cò” du lịch xuất hiện nhiều, sở đã phối hợp với các ngành chức năng chấn chỉnh mạnh mẽ. Hiện nay, tình trạng này đã giảm đi rất nhiều nhưng nó vẫn còn, chứ chưa hết hẳn. “Cò mồi” chủ yếu ở cù lao Thới Sơn.

Những người này chủ yếu đón, dẫn khách đến các công ty, điểm du lịch, nhà dân… để được hưởng hoa hồng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý tình trạng “cò mồi” khách du lịch”.

Một trong những thách thức đang được đặt ra đối với TP. Mỹ Tho trong việc phát triển du lịch chính là hạn chế về mức sống và nhận thức. Chính điều này đã tạo nên tình trạng “cò mồi”, chèo kéo khách du lịch tại các điểm tham quan du lịch.

Trong thời gian tới, ngành chức năng cần tăng cường xử lý mạnh mẽ hơn nữa, dẹp những người chèo kéo, “cò mồi” thì khách du lịch các nơi mới có thiện cảm đến Khu du lịch Thới Sơn, cũng như các điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh.

SĨ NGUYÊN

Giải thích lý do vì sao Phòng Hỗ trợ khách du lịch luôn đóng cửa, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch cho biết, ngày nào anh em mà chẳng có trực. Họ trực từ 9 - 15 giờ hàng ngày, kể cả ngày thứ 7 và chủ nhật.

Khi chúng tôi nói: Hơn 6 lần có mặt nơi đây, tụi em có thấy phòng mở cửa đâu và có ai trực phía trước đâu? Ông Cường trả lời: “Chắc tụi nó thấy không có khách nên xuống các công ty khảo sát tình hình đó. Đây là quy định của Trung tâm. Nếu khi nào em qua bên đó thấy phòng đóng cửa thì báo cho anh hay để anh chấn chỉnh lại”.

 

.
.
.