Thứ Bảy, 22/10/2016, 08:29 (GMT+7)
.

ĐBSCL: Mỗi năm lún thêm gần 3cm

Sự suy giảm dòng chảy do sự phát triển thủy điện phát triển ở phía thượng lưu và các tác động hệ lụy do việc khai thác quá mức làm nguồn nước ngầm cạn kiệt, dẫn đến đất ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) lún với mức độ 1,4cm - 2,8 cm mỗi năm.

Thông tin trên được GS-TS Tăng Đức Thắng, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đưa ra tại Hội thảo Năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL thích ứng với biến đối khí hậu.

GS-TS Tăng Đức Thắng trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: N.Hiệp
GS-TS Tăng Đức Thắng trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: N.Hiệp

Theo kịch bản quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam, với kịch bản đường phân bố nồng độ khí nhà kính dại diện RCP4.5 thì đến cuối thế kỉ, khu vực ĐBSCL có nhiệt độ trung bình có thể tăng 1,7 - 1,9 độ C, mưa có thể tăng 5-15% với nước biển dâng từ 32-78 cm. Với kịch bản RCP8,5 thì đến cuối thế kỉ, khu vực ĐBSCL có nhiệt độ trung bình có thể tăng 3,0-3,5 độ C, mưa có thể tăng 20% và nước biển dâng từ 48-106cm. Nước biển dâng 1 m có thể làm 38,9% diện tích ở ĐBSCL có nguy cơ bị ngập, 35% dân số ở ĐBCSLC bị ảnh hưởng.

GS Tăng Đức Thắng nhấn mạnh: “Do ảnh hưởng của thiên tại hạn mặn, tổng diện tích canh tác bị ảnh hưởng trên đồng bằng lên tới hơn 635.000 ha, trong đó hơn 405.000 ha lúa, hơn 8.000 ha hoa màu, hơn 28.000 ha cây trái và hơn 194.000 ha thủy sản”.

Bàn về giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, GS Tăng Đức Thắng đề xuất: “Trong điều kiện các tác động bất lợi đến 2 vụ lúa chính trên đồng bằng đã thấy rõ và suy thoái lũ, mất phù sa, rất cần thiết nghiên cứu các giải pháp thay đổi thời vụ cho các vùng nhằm giảm tập trung nước cho các tháng đầu mùa mưa và đầu mùa khô kết hợp với giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất mùa lũ hay cần rà soát lại quy hoạch sử dụng đất vùng ĐBSCL trong điều kiện có xét đến suy giảm cả lũ và phù sa”.

PGS - TS Lê Tất Khương, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ KH&CN) đưa ra kiến nghị để phát triển bền vững lúa gạo ở vùng ĐBSCL: “Cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và cơ cấu giống lúa theo hướng tạo ra giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đối khí hậu: Nghiên cứu để có thể chuyển đối một tỷ lệ nhất định diện tích đất lúa sang các cây trồng khác, hoặc nuôi trồng thủy sản. Xác định bộ lúa giống tiêu chuẩn cho vùng, theo hướng chuyển từ số lượng sáng chất lượng, giống có khả năng chống chịu (chịu mặn, chịu úng)”.

“Cần nghiên cứu các bộ giống cho nông nghiệp, thủy sản theo hướng có thể thích nghi với độ mặn cao hơn, ngắn ngày. Riêng thủy sản cần có thêm khả năng chịu sốc nhiệt, độ mặn cao”- GS Tăng Đức Thắng bổ sung.

(Theo khoahocphattrien.vn)

.
.
.