Thứ Năm, 27/10/2016, 07:18 (GMT+7)
.
Hệ thống các đê huyện, thị phía đông:

Quản lý lỏng lẻo, vi phạm khó xử lý

Hệ thống đê khu vực phía Đông của tỉnh (đê biển, đê cửa sông, đê sông) có chức năng ngăn mặn, ngăn triều cường, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh. Thời gian qua, hệ thống đê ở khu vực này thường xuyên bị xâm hại bởi tự nhiên và con người gây mất ổn định và an toàn công trình. Từ đó, công tác quản lý, bảo vệ đê điều nơi đây trở nên bức bách trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.

VI PHẠM NHIỀU, XỬ LÝ KHÓ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hệ thống đê ngăn mặn, triều cường ở các huyện, thị phía Đông có tổng chiều dài gần 170 km (đê biển dài trên 21 km, đê cửa sông trên 47 km và đê sông trên 100 km) chịu được các cơn bão có sức gió từ cấp 9 trở xuống. Những năm qua, tình hình vi phạm đến phạm vi bảo vệ đê diễn ra ngày càng nghiêm trọng cả về hành vi lẫn số vụ, có những trường hợp vi phạm trên mái đê gây mất an toàn cho đê với các hành vi vi phạm chủ yếu như đào ao nuôi tôm, xây chuồng trại, xây dựng nhà ở, đào đặt ống nước qua đê… Ông Trần Minh Hoàng, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TX. Gò Công cho biết, dù những năm qua, TX. Gò Công thường xuyên phối hợp với Hạt Quản lý đê tuyên truyền các văn bản pháp luật về đê điều kết hợp với phòng, chống lụt bão, triều cường ở các xã có đê nhưng việc vi phạm của các hộ dân đến công trình đê vẫn diễn ra phức tạp, có trường hợp vi phạm gây mất an toàn đê. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã lập biên bản 223 trường hợp vi phạm, trong đó đã xử lý 106 trường hợp.

Hiện nay, nhiều đầm tôm nằm sát với đê.
Hiện nay, nhiều đầm tôm nằm sát với đê.

Còn ông Nguyễn Văn Quí, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông cho hay, bên cạnh chịu tác động từ tự nhiên gây xói lở, làm mất an toàn đê biển, hệ thống đê trên địa bàn cũng chịu tác động từ con người rất phổ biến và khó xử lý. “222 trường hợp vi phạm, trong đó xử lý 60 trường hợp, 162 trường hợp chưa xử lý cho thấy việc xử lý hành vi vi phạm trên còn nhiều hạn chế, làm cho tình hình quản lý, bảo vệ đê điều trên địa bàn có chiều hướng phức tạp” - ông Quí chia sẻ.

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi, những năm qua, Hạt Quản lý đê đã phối hợp với cơ quan chức năng, địa phương tiến hành tuần tra, kiểm tra đê và đã phát hiện lập biên bản 902 trường hợp vi phạm, trong đó các ngành chức năng đã xử lý 242 trường hợp, còn 660 trường hợp tồn đọng chưa xử lý.

Nguyên nhân là việc cắm mốc ranh giới phạm vi bảo vệ đê gặp khó khăn do nhiều địa phương cấp quyền sử dụng đất đến sát chân đê (có nơi đê và vùng phụ cận là đất của dân); xe quá tải lưu thông gây hư hỏng mặt đê diễn ra ở nhiều nơi nhưng chưa được chính quyền địa phương quan tâm ngăn chặn, xử lý. Mặt khác, đê trên địa bàn được đầu tư từ nhiều nguồn kinh phí với nhiều phương thức (phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm khá phổ biến với chủ yếu do người dân hiến đất). Do đó, ở nhiều nơi, công trình nhà ở, chuồng trại của người dân… có trước khi công trình đê hình thành.

Mặt khác, người dân chỉ hiến đất để xây dựng công trình đê, không hiến đất trong phạm vi bảo vệ công trình nên các công trình của người dân vẫn còn nằm trong phạm vi bảo vệ đê. Đặc biệt, những nơi không vận động được dân hiến đất, những đoạn đê nơi đó không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về quy mô công trình, thiếu lưu không, thiếu hệ số mái,… dẫn đến hậu quả sau nhiều năm sử dụng xảy ra tình trạng sạt lở đê nghiêm trọng.

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỐI HỢP

Theo phản ảnh của các địa phương, hệ thống đê trong vùng nhiều nơi đang bị xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn gây khó khăn cho sinh hoạt, đi lại của người dân. Ngoài yếu tố tự nhiên gây mất an toàn đê biển (đang tìm nguyên nhân và giải pháp xử lý), đối với đê sông, đê cửa sông nguyên nhân xuống cấp, mất an toàn đê chủ yếu là do hoạt động của con người. Ông Đinh Tấn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây cho rằng, việc vi phạm hành lang bảo vệ đê, xe quá tải hoạt động trên đê làm xuống cấp, giảm tuổi thọ công trình đê, ảnh hưởng đến quá trình đi lại của người dân. Thế nhưng, những vi phạm hành lang bảo vệ đê của người dân rất khó xử lý, việc quản lý các phương tiện vận tải đi trên đê chưa tốt. Nguyên nhân là do sự phối hợp giữa cơ quan chuyên ngành với địa phương trong quản lý, bảo vệ đê chưa chặt chẽ.

Do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực, thời gian qua, tỉnh đã cấp phép cho 32 tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và tải trọng cho phép vận chuyển vật tư trên đê không quá 10 tấn.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, cho biết các quy định về quản lý, bảo vệ, xử phạt hành vi vi phạm an toàn đê đã được ban hành. Cùng với đó, từ năm 2011, Sở NN&PTNT và các huyện, thị phía Đông cũng đã ký quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ đê điều, rừng phòng hộ khu vực này. Thế nhưng, đến nay tình tình vẫn chưa chuyển biến đáng kể. Trước tình hình vi phạm phạm vi bảo vệ đê diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, ông Pháp đề nghị thời gian tới, cơ quan chuyên ngành và các địa phương phối hợp chặt chẽ để quản lý, bảo vệ tốt hệ thống đê trên địa bàn. Trong đó, những công việc ưu tiên làm trước là tăng cường công tác tuyên truyền; tiến hành cắm mốc ranh giới phạm vi bảo vệ đê, trước mắt ở những nơi bức xúc; dặm vá những nơi mặt đê bị xuống cấp. “Tới đây, chúng tôi sẽ có buổi làm việc với các xã, huyện bàn về xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ đê; đồng thời đề nghị các địa phương tăng cường xử lý các phương tiện vượt quá tải trọng trên đê. Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng đang đề nghị bàn giao mặt đê cho Sở Giao thông - Vận tải quản lý (thực hiện chức năng giao thông), còn ngành Nông nghiệp chỉ quản lý phạm vi bảo vệ đê, cao trình đê phục vụ chống lụt bão và triều cường” - ông Pháp  cho biết.

NGÔ VĂN

.
.
.