Thứ Tư, 30/11/2016, 21:42 (GMT+7)
.

Đường đến thương hiệu của các HTX ở Tiền Giang

Từ khi thực hiện Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 được đưa vào áp dụng. Kinh tế hợp tác ở Tiền Giang đã có những bước chuyển biến rõ rệt theo chiều hướng tích cực, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Sau một thời gian dài đi tìm thương hiệu, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều HTX khẳng định được chính mình trên thị trường không chỉ trong nước mà còn vươn ra nước ngoài.

HTX Thanh long Mỹ Tịnh An thu mua sản phẩm của TV.
HTX Thanh long Mỹ Tịnh An thu mua sản phẩm của TV.

Có được những HTX kiểu mới hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích như ngày hôm nay, các HTX ở tỉnh Tiền Giang đã có một giai đoạn chỉ dừng lại ở mức độ duy trì chứ không phát triển, thậm chí đứng trước bờ vực của sự phá sản… Điều này xuất phát từ khó khăn của chính các HTX, mà để thoát ra khỏi không phải là điều dễ dàng, bởi chất lượng đội ngũ cán bộ trong các HTX rất thấp, độ tuổi cao chiếm đa số. Thành viên (TV), người lao động trong HTX có tay nghề thấp; điều kiện để tiếp cận vốn không đảm bảo; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật yếu kém, thiếu, lạc hậu, chất lượng sản phẩm không cao, chưa được thị trường chú ý...

Từ “cái chết” của nền kinh tế tập thể ấy, năm 2012 tỉnh Tiền Giang khuyến khích, kêu gọi các HTX chuyển sang hoạt động theo luật HTX kiểu mới dưới sự trợ giúp của Liên minh HTX tỉnh. Sau một thời gian chuyển đổi và dần thích nghi, đến nay hiệu quả hoạt động của mô hình HTX kiểu mới đã và đang từng bước được khẳng định. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 94 HTX, đã có hơn 80% HTX chuyển theo hình thức HTX kiểu mới và hơn 60% HTX kiểu mới hoạt động đạt hiệu quả cao, nhiều HTX đã tạo được thương hiệu, uy tín trên thị trường bởi chất lượng cũng như những tín hiệu khả quan do sản phẩm của HTX mang lại.

Với phương châm lấy lợi ích của TV làm trung tâm và giám đốc HTX do các TV bầu ra, không “mặc định” như hình thức kinh tế tập thể trước đây, vì vậy trình độ, năng lực, nhiệt huyết của những người làm công tác “đầu tàu” lèo lái con thuyền HTX vươn xa hơn và các HTX được phát huy quyền bình đẳng, tự chủ, tự góp vốn về tài chính, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh, tự quyết định khả năng tồn tại của chính “đứa con tinh thần”, tích cực tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần mang lại lợi ích chung cho tập thể.

Theo kinh nghiệm của những HTX ở Tiền Giang, muốn tồn tại, muốn TV gắn bó với HTX trước tiên phải cho từng TV thấy được những hiệu quả tích cực trước mắt, từ bao tiêu sản phẩm, giá cả sản phẩm sản xuất ra phải đảm bảo cao hơn hoặc bằng giá thị trường. TV phải được hướng dẫn kỹ thuật, được vay vốn từ HTX với lãi suất thấp, thủ tục nhanh gọn hay được mua nguyên liệu sản xuất với giá thấp hơn so với trước khi vào HTX. Đặc biệt là việc HTX đứng ra làm người đại diện cho các TV để giải quyết các vấn đề như xây dựng thương hiệu, đàm phán, gia nhập thị trường, tổ chức lại sản xuất hiệu quả, góp phần hỗ trợ tốt hơn cho cá nhân, hộ gia đình yên tâm sản xuất và “lợi ích”, đóng góp của từng TV phải được nhìn nhận và trả công xứng đáng.

Từ thực tế ấy, HTX có thể chủ động tìm các doanh nghiệp khác để đàm phán và ký kết hợp đồng cung cấp đầu vào và tiêu thụ sản phẩm, hoặc thậm chí có thể ký hợp đồng xuất khẩu trực tiếp, đem lại lợi ích lớn không chỉ cho nông dân, còn đem lại lợi ích cho Nhà nước - giảm chi phí và nâng cao hiệu quả của bộ máy Nhà nước, lợi ích cho doanh nghiệp và ngân hàng - giảm chi phí, giảm rủi ro và lợi ích cho các nước nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các HTX ở Tiền Giang từng bước đầu tư, tích lũy để hình thành nên những vùng sản xuất quy mô lớn và đồng bộ kết cấu hạ tầng, cũng như áp dụng khoa học - kỹ thuật vào thâm canh, sản xuất, xây dựng, phát triển thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Sản phẩm đã tìm được đối tác, tìm được đầu ra ổn định ở thị trường trong và ngoài nước. Nhiều HTX kiểu mới ở Tiền Giang cũng đã áp dụng các quy trình sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP… để có thể xuất sang thị trường khó tính, nâng cao chất lượng sản phẩm và dần khẳng định thương hiệu HTX kiểu mới.

Chính sự đa dạng của hình thức kinh tế tập thể, người dân sẽ mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi, xóa bỏ hình thức sản xuất đại trà theo kiểu truyền thống, chuyển sang hình thức sản xuất tập thể với đúng các quy trình, hình thức của HTX đề ra, góp phần khẳng định thương hiệu của các HTX ở Tiền Giang. Nhiều sản phẩm của các HTX đã đi đến các hội chợ triển lãm, điểm trình diễn, đứng ngang hàng với các sản phẩm danh tiếng từ lâu đời trên thị trường; đi vào hệ thống Co.op Mart, Mêtro, các điểm bán lẻ và được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao sản phẩm bởi thương hiệu và sự an toàn, dù giá có cao hơn các loại sản phẩm cùng chủng loại trôi nổi trên thị trường, trong thời kỳ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp như hiện nay. Ngoài ra, với sự đồng sức, đồng lòng và làm hậu thuẫn của các ngành chức năng thì HTX kiểu mới ở Tiền Giang sẽ tiếp tục đi trên con đường hội nhập, mang trên mình những thương hiệu không thể lẫn vào bất cứ sản phẩm của vùng, miền nào. Chính những định hướng đúng đắn ấy, mỗi HTX ở Tiền Giang đã dần lớn mạnh về thương hiệu, số lượng và có sự đa dạng về hình thức sản xuất với các sản phẩm gắn với thương hiệu như: HTX Gà ta Gò Công, HTX Thanh long Mỹ Tịnh An, HTX Rau an toàn Gò Công, HTX Nông nghiệp - Kinh doanh tổng hợp Bình Tây, HTX chế biến thức ăn chăn nuôi Bình Minh, HTX Hòa Lộc, HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, HTX nông nghiệp Quyết Thắng, HTX thương mại - dịch vụ phường 1 (TP. Mỹ Tho), HTX Rạch Gầm, HTX Quang Minh…

Tiền Giang có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Kinh tế HTX phát triển sẽ tạo bước đột phá mới trong nông nghiệp - nông thôn, hình thành chuỗi giá trị sản xuất, quyền lợi của nông dân và doanh nghiệp được bảo đảm hài hòa. Một thực tế không thể phủ nhận, quy luật phát triển của kinh tế hợp tác: Không phủ định, không thay thế kinh tế hộ mà làm cho kinh tế hộ có sức cạnh tranh tốt hơn và thu nhập cao hơn trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu như hiện nay.

CAO NGUYÊN

.
.
.