Thứ Hai, 05/12/2016, 20:39 (GMT+7)
.

Điều tạo nên sự khác biệt cho du lịch Tiền Giang

Với lợi thế nằm ở 3 vùng sinh thái tự nhiên: Vùng sinh thái nước ngọt (dọc theo dòng sông Tiền), vùng sinh thái ngập mặn (biển Gò Công) và vùng sinh thái ngập phèn (huyện Tân Phước),  Tiền Giang có nhiều thuận lợi khi dựa vào tài nguyên thiên nhiên kết hợp bản sắc văn hóa địa phương để phát triển du lịch.

Tham quan Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười.
Tham quan Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười.

Là địa phương đi đầu trong việc khai thác sản phẩm du lịch sinh thái phục vụ du lịch, năm 2015 Tiền Giang thu hút 1.525.000 lượt khách, trong đó có 517.000 lượt khách quốc tế đến Tiền Giang tham quan du lịch. Tuy nhiên, hiện nay không chỉ Tiền Giang, mà nhiều tỉnh bạn cũng tập trung khai thác sản phẩm du lịch sinh thái, làm cho sản phẩm du lịch thường bị trùng lắp, gây tâm lý nhàm chán đối với du khách.

Chính vì vậy, để tạo sự khác biệt, mang nét đặc trưng địa phương và quan trọng hơn là hạn chế tính trùng lắp nhằm thu hút khách du lịch, Tiền Giang đang tổ chức khai thác sản phẩm du lịch mới, đó là du lịch sinh thái - tâm linh. Theo đó, tỉnh tập trung khai thác Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười gắn với Khu tâm linh Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (có quy mô 30 ha), mở ra tuyến du lịch với sản phẩm mới, vừa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, vừa đáp ứng nhu cầu tham quan của nhân dân và du khách trong, ngoài nước. Đây sẽ là điểm nhấn mang nét đặc trưng riêng, kết hợp giữa chốn tôn nghiêm thanh tịnh với vùng sinh thái dân dã, thanh bình của vùng rừng ngập nước.

Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước, cách TP. Mỹ Tho khoảng 30 km về hướng Tây Bắc, được thành lập vào năm 2000, với khu trung tâm là 107 ha rừng tràm và vùng đệm xung quanh có diện tích 1.800 ha, chủ yếu là rừng tràm. Khu bảo tồn đã dẫn dụ và bảo tồn được các loài động, thực vật quý mang tính đặc thù của vùng sinh thái ngập phèn cũng như của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gồm 70 loài thực vật và 85 loài động vật; có đàn động vật hoang dã ước khoảng 12.000 con, gồm nhiều loài chim, thú quý như: Già đẫy Java, giang sen, cò ốc, rùa, kỳ đà hoa, trăn đất... Trung bình mỗi năm, ở đây còn có thêm khoảng 1.000 chim, thú sinh sôi và được dẫn dụ từ các nơi khác về, nhiều nhất là các loài cò, cồng cộc, vạc, cúm núm... Xung quanh Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười còn có nhiều điểm để tham quan như: Nông trường khóm Tân Lập, di tích Chiến thắng Ấp Bắc, đình Long Hưng, làng nghề dệt chiếu Long Định…

Chánh điện Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác.
Chánh điện Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác.

Với phong cảnh rừng tràm, cánh đồng khóm mênh mông, thanh bình, không khí trong lành và người dân chân chất, mộc mạc, cùng cuộc sống thiên nhiên dân dã, các món ăn đồng quê như: Cá lóc nướng trui, canh chua bông súng, đến các món ăn chế biến từ đặc sản quê nhà (gà, vịt, cá, tép, bầu, bí…), du khách sẽ được dịp tận hưởng hương vị đậm đà của sản vật miền quê. Bên cạnh là Thiền viện Trúc Lâm Chánh giác vừa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, vừa đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch,  giúp khách du lịch cảm nhận sự thanh bình của thiên nhiên và tình cảm chân chất của người dân vùng ĐBSCL.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, để trở thành điểm thu hút du khách, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển du lịch, trong thời gian tới cần quy hoạch Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười phát triển theo hướng du lịch sinh thái - tâm linh, phát triển các dịch vụ du lịch phù hợp và thân thiện với môi trường sinh thái vùng rừng ngập nước, với sự tham gia của người dân địa phương; đồng thời thiết kế các tour tham quan, trải nghiệm Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười gắn Thiền viện Trúc Lâm Chánh giác.

Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Kinh Tây từ huyện Tân Phước vào đến Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (hiện tỉnh chỉ mới đầu tư đường Tràm Mù đi vào Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười), trồng thêm cây xanh dọc theo tuyến đường để tạo cảnh quan, môi trường du lịch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá nhằm giới thiệu sản phẩm và hình ảnh đặc trưng của du lịch vùng Đồng Tháp Mười của Tiền Giang. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch, chấn chỉnh các hoạt động cò mồi, chèo kéo du khách và đảm bảo vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch..., nhằm tạo môi trường du lịch văn minh, lịch sự, an toàn và thân thiện…

Tin rằng, với sự nỗ lực của ngành chức năng, Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, Thiền viện Trúc Lâm Chánh giác sẽ trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách trong hành trình đến với du lịch sông nước, miệt vườn Tiền Giang.

TẤN PHONG

.
.
.