Thứ Ba, 06/12/2016, 20:59 (GMT+7)
.

Tận dụng lợi thế để phát triển công nghiệp

Nếu xét ở thời điểm hiện tại, giá trị trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thị xã Gò Công thực sự không lớn so với các huyện, thành, thị khác trên địa bàn tỉnh. Song, với những lợi thế đã và đang mang lại, thị xã Gò Công đang kỳ vọng sẽ mở ra một trang mới trong phát triển công nghiệp.

Một thời gian dài, công nghiệp trên địa bàn thị xã Gò Công gần như là con số không. Khai phá trên lĩnh vực này có lẽ bắt đầu từ Công ty cổ phần May Công Tiến, một dự án nằm trong chương trình hợp tác kinh tế giữa Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, trên lĩnh vực kinh tế hợp tác thị xã cũng chỉ duy trì hoạt động của một số Hợp tác xã: Tủ thờ truyền thống Gò Công, Chăn nuôi thủy sản Gò Công, Rau an toàn Gò Công, thành lập và đưa vào hoạt động Quỹ tín dụng nhân dân Mùa xuân và Hợp tác xã Yến sào Gò Công...

Sau gần 10 năm chính thức đi vào hoạt động, Công ty cổ phần May Công tiến đã góp phần lớn trong sự gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp và tạo động lực để thị xã Gò Công thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới. Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Giám đốc Công ty cho biết, đến nay với 35 chuyền sản xuất, doanh thu sản xuất - kinh doanh của công ty tăng đều qua các năm. Nếu như năm 2012, công ty đạt doanh thu là 124 tỷ đồng, đến năm 2015 đạt khoảng 220 tỷ đồng. Từ năm 2012 đến nay, công ty đóng góp cho ngân sách địa phương trên 53,4 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 2.700 lao động.

Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần May Công Tiến.
Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần May Công Tiến.

Một điều chắc chắn rằng, tới đây trên địa bàn thị xã Gò Công không chỉ có Công ty cổ phần May Công Tiến nhờ vào những lợi thế đã và đang mang lại cho thị xã Gò Công. Điểm nhấn trong những năm gần đây liên quan đến thị xã Gò Công là việc triển khai thực hiện dự án Quốc lộ 50 giai đoạn 2, dự án đầu tư công trình cầu Mỹ Lợi, dự án đầu tư mạng lưới đường ống tiếp nhận nước sạch từ hệ thống cấp nước Đồng Tâm phân phối cho thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông giai đoạn 1, công trình đường tỉnh 871B phục vụ phát triển các khu công nghiệp phía Đông của tỉnh... đã rộng cửa đón chào các nhà đầu tư đến làm việc, đăng ký đầu tư các dự án trên địa bàn, tạo môi trường đầu tư và sản xuất - kinh doanh của thị xã thêm khởi sắc và nhiều cơ hội phát triển.

Công bằng mà nói rằng, cầu Mỹ Lợi là một công trình có ý nghĩa rất to lớn về kinh tế - xã hội không chỉ cho thị xã Gò Công mà cho các huyện phía Đông và cả tỉnh. Đó cũng là niềm mơ ước từ bao đời của người dân Gò Công để đoạn đường đi từ Gò Công đến Long An, TP. Hồ Chí Minh được thông suốt, rút ngắn được thời gian đi lại. Ngày 29/8/2015, ước mơ từ bao đời của người dân Gò Công đã trở thành sự thật với cây cầu Mỹ Lợi được xây xong và đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gian, chi phí vận chuyển giữa Gò Công với các tỉnh lân cận. Cầu Mỹ Lợi, cả Quốc lộ 50 sẽ chính thức nối nhịp để các nhà đầu tư tìm đến Tiền Giang, trong đó có thị xã Gò Công.

Hơn lúc nào hết xã Bình Đông, nơi một thời phần lớn diện tích đất được mệnh danh là “sa mạc giữa vùng ngọt hóa” mới thực sự được xem là cửa ngõ quan trọng của các huyện khu vực phía Đông của tỉnh. Điều này là không sai. Ông Nguyễn Hồng Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho rằng, tất nhiên sau khi khánh thành cầu Mỹ Lợi, cơ hội mới sẽ mở ra cho Bình Đông, nhất là cơ hội phát triển về công nghiệp.

Từ lợi thế đó, trên địa bàn xã cũng đã quy hoạch 1 khu công nghiệp và 3 cụm công nghiệp. Theo chỉ đạo của UBND thị xã Gò Công, xã đã kết hợp với Phòng Kinh tế, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành cắm mốc cụm công nghiệp số 3, với diện tích 50 ha, bao gồm ấp Năm Châu và một phần diện tích của ấp Lạc Hòa. Khi khu công nghiệp, cụm công nghiệp hình thành thu hút được nhiều nhà đầu tư, Bình Đông sẽ vực dậy tiềm năng kinh tế. “Từ một xã thuần nông nghiệp, sản xuất gặp nhiều khó khăn, trước cơ hội mới, nhất là từ khi cầu Mỹ Lợi đi vào khai thác, Bình Đông sẽ từng bước tận dụng lợi thế, chuyển dịch dần cơ cấu kinh tế sang hướng công nghiệp đối với các khu vực đã được quy hoạch”- ông Nguyễn Hồng Sang cho biết.

Cầu Mỹ Lợi sẽ mở ra nhiều cơ hội để thị xã Gò Công phát triển công nghiệp.
Cầu Mỹ Lợi sẽ mở ra nhiều cơ hội để thị xã Gò Công phát triển công nghiệp.

Phát triển công nghiệp cũng là vấn đề mà lãnh đạo thị xã Gò Công rất quan tâm trong thời gian gần đây. Theo lãnh đạo thị xã Gò Công, trong thời gian tới thị xã sẽ tranh thủ mời gọi đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Ông Nguyễn Hữu Lợi, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Gò Công cho biết, ngoài việc tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án: Đường tỉnh 871B, dự án BOO Đồng Tâm giai đoạn 2, dự án đầu tư quản lý giảm nhẹ rủi ro hạn hán và lũ lụt tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, dự án Trường mầm non Gò Công...

Lãnh đạo thị xã cũng đã mời gọi đầu tư với các dự án: Dự án đường Nguyễn Trãi nối dài và khu dân cư hai bên đường tại phường 3 và xã Long Hưng, với quy mô diện tích đầu tư dự kiến là 81.500 m2, có tổng vốn đầu tư khoảng 120 tỷ đồng; dự án đường Nguyễn Trọng Dân nối dài và khu dân cư hai bên đường tại phường 4 và xã Long Chánh với quy mô diện tích đầu tư khoảng 7,23 ha, tổng mức đầu tư dự kiến là 95 tỷ đồng; dự án Công viên Nghĩa trang nhân dân....

Ngoài những dự án trọng điểm thị xã dự kiến sẽ tập trung mời gọi đầu tư trong thời gian tới như: Dự án Khu Công nghiệp Bình Đông với diện tích 212 ha, tổng mức đầu tư dự kiến là 700 tỷ đồng tại xã Bình Đông; dự án khu xây dựng nhà ở xã hội với diện tích 2.414 m2, tổng mức đầu tư dự kiến là 28 tỷ đồng, tại khu phố 3, phường 5; dự án khu tái định cư xã Bình Đông với diện tích 60 ha, tổng mức đầu tư dự kiến là 100 tỷ đồng, tại xã Bình Đông... Đồng thời, thị xã sẽ tạo điều kiện thuận lợi để khởi công và đưa vào hoạt động nhà máy may mặc trên địa bàn xã Long Hưng nhằm giải quyết vệc làm cho con em trên địa bàn thị xã và các huyện lân cận...

ANH PHƯƠNG

.
.
.