Thứ Ba, 03/01/2017, 15:37 (GMT+7)
.

Hạt gạo tìm chỗ đứng trên sân nhà

Sự kiện Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood) công bố 5 thương hiệu gạo an toàn gần đây một lần nữa khẳng định các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu (XK) lương thực đang bắt đầu chuyển hướng kinh doanh một cách mạnh mẽ, nhất là tập trung khai thác thị trường tiêu thụ nội địa.

Điều này phù hợp với xu thế hiện nay do thị trường XK ngày càng bị thu hẹp, chưa kể mặt hàng gạo còn chịu nhiều rào cản về an toàn thực phẩm, buộc lòng các DN trong ngành phải tính toán lại chiến lược kinh doanh phù hợp. Khai thác thị trường tiêu thụ nội địa, vốn đã bị bỏ ngỏ một thời gian dài, là một trong những bước đi mang tính sống còn của các DN trong ngành lương thực, không chỉ đối với Tigifood, mà còn đối với các đơn vị khác và cả Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2). Điều này được chứng minh từ thực tiễn XK gạo những năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2016. Đánh giá trên bình diện tổng thể, ông Lê Minh Trượng, Phó Tổng Giám đốc Vinafood 2 cho biết, trong năm 2016 Vinafood 2 thu mua nhập kho được hơn 1,035 triệu tấn gạo, chỉ đạt 52% so với kế hoạch; sản lượng bán ra đạt 965.000 tấn, đạt 51,7% so kế hoạch; kim ngạch XK đạt 192 triệu USD, với doanh thu là 10.750 tỷ đồng.

Tigifood đang chuyển hướng mạnh mẽ để khai thác thị trường nội địa.
Tigifood đang chuyển hướng mạnh mẽ để khai thác thị trường nội địa.

Các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh của Vinafood 2 đạt thấp là do trong năm 2016 tình hình kinh tế trong nước và ngoài nước còn nhiều khó khăn, đặc biệt đối với ngành lương thực có diễn biến khó lường; thời tiết diễn biến phức tạp, tác động của El nino ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, gây nên hạn hán, xâm nhập mặn làm cho chất lượng và sản lượng lúa gạo cả vụ đông xuân và hè thu giảm sút, sức cạnh tranh gạo của Việt Nam trên thị trường quốc tế bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, thị trường XK gạo gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh gay gắt từ việc xả gạo tồn kho của Thái Lan, việc gia tăng sản lượng và nguồn cung, với chủng loại đa dạng, giá cả cạnh tranh từ các nước XK như: Myanmar, Pakistan, Ấn Độ. Trong khi đó, các nước có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn tiếp tục thực hiện chính sách tự túc lương thực và bước đầu đạt hiệu quả. Thực tế là, giao dịch hóa các hợp đồng XK gạo năm 2016 chủ yếu là từ năm 2015 chuyển sang và không có nhiều hợp đồng tập trung được ký mới. Nếu tính hết tháng 11 của năm 2016, số lượng gạo XK của cả nước chỉ đạt 4,5 triệu tấn, giảm 25% về số lượng, giảm 20% về giá trị so với năm 2015. Đồng thời, gạo Việt Nam có nguy cơ mất thị trường ở Mỹ vì có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cũng đã cảnh báo các DN cần hạn chế XK gạo sang thị trường Mỹ nhằm củng cố lại các vùng nguyên liệu trong nước để tạo ra sản phẩm tốt hơn.

Thị trường XK gạo trầm lắng nên việc mua bán gạo ở thị trường nội địa được các DN tập trung, tạo ra sự cạnh tranh và rất nhiều chủng loại, mặt hàng xuất hiện nhiều hơn trên thị trường nội địa. Các công ty lương thực thuộc Vinafood 2 cũng bắt đầu chuyển hướng xây dựng “nền móng” ở thị trường tiêu thụ nội địa. Theo xu thế này, hiện nay Vinafood 2 có 7 đơn vị kinh doanh gạo có đăng ký nhãn hiệu, 12 đơn vị kinh doanh gạo đóng túi dạng 2 kg, 5 kg và 10 kg. Cụ thể là các DN: Công ty Lương thực Long An, Tigifood, Công ty TNHH MTV Lương thực TP. Hồ Chí Minh, Công ty Lương thực Đồng Tháp... Thực tế cũng cho thấy, theo đánh giá của Vinafood 2, việc khai thác thị trường tiêu thụ nội địa bước đầu đạt được kết quả, với sản lượng tiêu thụ được trong năm 2016 đạt trên 60.000 tấn, tăng 50% so với năm 2015, doanh thu đạt gần 500 tỷ đồng, tăng 45%.

Tất nhiên, chiến lược chuyển hướng kinh doanh, khai thác thị trường nội địa của các DN XK lương thực không phải theo dạng truyền thống, mà đã chú trọng đến chất lượng, thương hiệu, mẫu mã, bao bì đóng gói và an toàn thực phẩm, phù hợp với từng phân khúc thị trường và dựa trên việc xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn, mang tính ổn định. Tuy nhiên, để cụ thể hóa từng bước đi này cũng không phải là điều đơn giản. Ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, thương hiệu gạo bắt đầu từ một sản phẩm và mỗi sản phẩm bắt đầu từ nguyên liệu. Để có một thương hiệu gạo nổi tiếng, nguyên liệu phải thật tốt và áp dụng quy trình công nghệ chế biến tối ưu. Điều này nói lên tầm quan trọng của sự kết hợp chặt chẽ giữa người làm ra nguyên liệu là nông dân và người chế biến tiêu thụ sản phẩm gạo là công ty. Từ đó, nông dân phải liên kết lại và tự nguyện mở rộng vùng liên kết để có quy mô sản phẩm đủ lớn, đảm bảo chất lượng theo thương hiệu đăng ký, đáp ứng yêu cầu theo đơn đặt hàng của công ty. Do đó, sự liên kết, hợp tác giữa công ty và đại diện nông dân cần bền chặt. Trong mối liên kết này, công ty lương thực giữ vai trò trung tâm, là đầu tàu xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn hạt gạo gồm quy cách, phẩm chất, an toàn thực phẩm để nông dân làm theo.

Ông Lê Minh Trượng cũng cho rằng, các DN kinh doanh lương thực cần tích cực phát triển hệ thống phân phối gạo nội địa để bù đắp phần XK giảm sút, giảm giá thành trên mỗi đơn vị sản phẩm và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Đồng thời, mỗi DN phải tổ chức được một hệ thống phân phối gạo ở thị trường nội địa đảm bảo các tiêu chí: Hệ thống cửa hàng bán lẻ, đại lý với mật độ phù hợp với từng loại sản phẩm gạo; hệ thống vận chuyển khoa học; phương thức mua bán hợp lý, hài hòa lợi ích; hệ thống nhận diện thương hiệu tại các cửa hàng thống nhất và tạo ấn tượng mạnh đối với người tiêu dùng; nhân viên bán hàng phải được đào tạo chính quy, am hiểu sản phẩm, tâm lý người mua...

PHƯƠNG ANH

Tigifood tập trung xây dựng vùng nguyên liệu gạo an toàn

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Tiền Giang cùng với các tỉnh, thành trong cả nước tổ chức triển khai Quyết định 62/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, góp phần thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn và Quyết định 706/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu đến năm 2020 có 20% sản lượng gạo XK mang thương hiệu gạo Việt Nam và tham gia trực tiếp vào chuỗi toàn cầu; đến năm 2030 tỷ lệ này tăng lên 50%, trong đó 30% tổng lượng gạo XK là gạo thơm, gạo đặc sản. Trong thời gian qua, Tigifood luôn là đơn vị tiên phong trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện các mô hình liên kết tiêu thụ lúa gạo. Năm 2015, Tigifood xây dựng Phương án cánh đồng lớn giai đoạn 2015 - 2020, đã được UBND tỉnh phê duyệt với mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu đến năm 2020 là 66.200 ha, với sản lượng ước đạt là 397.000 tấn, theo hướng tạo ra sản phẩm gạo an toàn. Tigifood cũng là một trong những công ty XK gạo hàng đầu của Việt Nam, với số lượng XK hàng năm từ 200.000 - 250.000 tấn gạo các loại. Trong giai đoạn 2010 - 2015, tổng sản lượng bán ra và XK của Tigifood đạt mốc trên 1 triệu tấn gạo.

 

.
.
.