Chủ Nhật, 29/01/2017, 06:28 (GMT+7)
.
Sau 10 năm gia nhập WTO: Thành tựu và những tác động

Kỳ 1: Tiền Giang đón nhận nhiều cơ hội mới

Kỳ 1: Tiền Giang đón nhận nhiều cơ hội mới
Kỳ 2: Sức bật từ ngành Công thương
Kỳ cuối: Sẵn sàng ứng phó

Hội nhập quốc tế là một trong những nhân tố đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt sau 10 năm Việt Nam chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, sau 10 năm Việt Nam là thành viên của WTO đã mang lại cho địa phương không ít thành tựu nhưng cũng tác động không nhỏ đến từng ngành, lĩnh vực. Khi bàn về những tác động của WTO, ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Ngoại vụ nhận định:

Kể từ sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO vào ngày 11-1-2007, cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong nước, Tiền Giang đón nhận nhiều cơ hội mới và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), viện trợ ODA, viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng phi nông nghiệp và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.

Ông Lưu Văn Phi (trái), Giám đốc Sở Ngoại vụ và ông Đặng Thanh Liêm, Bí thư Thành ủy Mỹ Tho  tham quan dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Công nghiệp và Thiết bị chiếu sáng Duhal.
Ông Lưu Văn Phi (trái), Giám đốc Sở Ngoại vụ và ông Đặng Thanh Liêm, Bí thư Thành ủy Mỹ Tho tham quan dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Công nghiệp và Thiết bị chiếu sáng Duhal.

Những năm qua, đặc biệt là năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhờ chủ động nắm bắt thời cơ và kiên trì vượt qua các thách thức nên tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thuộc tốp đầu trong khu vực. GDP tăng bình quân của cả giai đoạn từ 2010  - 2015 là 11%. Riêng năm 2016, GRDP (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 52.430 tỷ đồng, tương đương 2,38 tỷ USD, tăng 8,5% so với năm 2015, đạt kế hoạch đề ra. GRDP bình quân đầu người đạt 39,1 triệu đồng, tương đương khoảng 1.773 USD; trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng cao nhất với tốc độ 16,9%.

Sản xuất công nghiệp là ngành tăng trưởng cao nhất trong tất cả các ngành kinh tế của tỉnh. Năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 79.899 tỷ đồng, tương đương 3,6 tỷ USD, tăng 19,3% so với năm 2015. Lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,116 tỷ USD, tăng 5,5% so thực hiện 2015; lượng khách du lịch ước trên 1,59 triệu lượt, tăng 7,7%. Sức mua tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 52.600 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2015. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 26.929 tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm 2015.

Về nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tuy chịu nhiều tác động tiêu cực từ tình hình thời tiết bất lợi trong những tháng đầu năm, nhưng nhờ chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng, chống hạn mặn có hiệu quả nên đã giảm nhiều thiệt hại so với dự báo. Tiền Giang là 1 trong 4 tỉnh, thành có mức tăng trưởng dương, trong khi cả nước và nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng trưởng âm. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,6%, không đạt kế hoạch đề ra, nhưng đây là sự phấn đấu rất lớn của toàn ngành Nông nghiệp. Về xây dựng nông thôn mới tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 24 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, tăng 12 xã so cùng kỳ năm 2015.

* Phóng viên (PV): Lĩnh vực nào chịu tác động nhiều nhất từ WTO?

* Ông Lưu Văn Phi: Ở góc độ địa phương chưa đủ cơ sở để đánh giá một cách chính xác lĩnh vực nào chịu ảnh hưởng nhiều nhất kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Hơn nữa, trong tiến trình hội nhập quốc tế, mỗi lĩnh vực đều trực tiếp hoặc gián tiếp chịu tác động từ tình hình chính trị - kinh tế thế giới và các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương giữa Việt Nam với các nước. Qua quá trình quan sát thực tế và theo ý kiến của các chuyên gia, khu vực nông nghiệp đang chịu nhiều tác động nhất, thuận lợi có, khó khăn, thách thức cũng không ít, nhất là xuất khẩu các mặt hàng lúa gạo, trái cây, thủy sản… Mặt khác, để cạnh tranh thu hút đầu tư, áp lực về đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội, cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển là những nút thắt quan trọng không chỉ riêng Tiền Giang, mà cả nước cần phải tập trung tháo gỡ.

* PV: Đâu là rào cản lớn nhất ảnh hưởng đến mức độ hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh, thưa ông?

* Ông Lưu Văn Phi: Tuy đạt được những kết quả tích cực nêu trên nhưng mức độ hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua vẫn còn chịu ảnh hưởng của không ít rào cản.

Trước hết, về mặt nhận thức, một bộ phận cán bộ, công chức và nhân dân vẫn chưa thấy hết tầm quan trọng của công tác hội nhập nên dẫn đến sự thiếu nhiệt tình, thiếu chủ động, thiếu quyết tâm và đôi lúc bị lúng túng trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ có liên quan. Công tác chuẩn bị hội nhập của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh theo đánh giá của các chuyên gia vẫn chưa tốt, chưa hoạch định được cụ thể sắp tới phải làm gì. Các cải tiến liên quan đến hội nhập thường được tiến hành chậm, chưa thật sự mang tính đột phá để kịp thời khắc phục điểm yếu và phát huy các thế mạnh nội tại của nền kinh tế của tỉnh.

Thứ hai, mức độ quyết tâm hội nhập để phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành chưa cao dẫn đến việc tổ chức thực hiện công tác hội nhập chưa đồng bộ, cơ chế phối hợp chưa nhịp nhàng, phân công và phân nhiệm giữa một số cơ quan, đơn vị còn chồng chéo.

Thứ ba, các sở, ngành còn chậm trong công tác xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo lộ trình hội nhập gặp nhiều khó khăn do phải rà soát lại toàn bộ hệ thống các văn bản đã ban hành.

Thư tư, công tác đào tạo nhân lực làm nhiệm vụ hội nhập, cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu cấp bách của quá trình hội nhập; xúc tiến đầu tư, thương mại, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng… cũng còn hạn chế, chưa bắt kịp yêu cầu hội nhập.

Mặt khác, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế ngoài quốc doanh nhìn chung còn ở quy mô nhỏ, thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, năng lực cạnh tranh yếu nên gặp khó khăn trong quá trình hội nhập. Nhận thức và công tác chuẩn bị của một số doanh nghiệp chưa tích cực, còn xem hội nhập như là việc của Nhà nước, chưa chủ động nắm bắt cơ hội cũng như chưa tìm hiểu các thách thức, chưa quản trị tốt rủi ro do quá trình hội nhập mang lại...

* PV: Xin cảm ơn ông!

THẾ ANH (thực hiện)

Về tổng quan, Tiền Giang cũng như một số tỉnh, thành khác trong cả nước đã có quá trình hội nhập quốc tế khá sớm, ngay từ những năm đầu của thập niên 90 của thế kỷ trước, khi lần đầu tiên từ một quốc gia thiếu lương thực, Việt Nam đã xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, giai đoạn đó, chủ yếu là hội nhập về kinh tế, Tiền Giang chưa có quan hệ hợp tác về chính trị với các nước và các hoạt động ngoại giao về văn hóa, an ninh - quốc phòng, thông tin đối ngoại... cũng chưa được đặt ra.

Những năm qua, về mặt chính trị đối ngoại, Tiền Giang đã thiết lập quan hệ hợp tác với một số tỉnh, thành của các nước như: Bang Quensland (Úc), tỉnh Pursat  (Vương quốc Campuchia), tỉnh Maputo (Mozambique), thành phố Changwon (Hàn Quốc), tỉnh Khăm Muộn (Lào)… Ngoài ra, tỉnh cũng đã duy trì và tăng cường thường xuyên các cuộc tiếp xúc với các cơ quan Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán các nước cũng như các tổ chức quốc tế và phi Chính phủ nước ngoài như: WB, ADB, UNICEF, JICA, KOICA, JETRO, AUSAID, USAID, AFD, Oxfam, Norwegian Mission Alliance - Nauy (NMA), Room To Read (Hoa Kỳ), Saigon Children Charity - Anh Quốc (SCC), Save the Children - Anh Quốc (SC)… để mở rộng hợp tác và thu hút đầu tư vào các dự án hạ tầng kỹ thuật và xã hội của tỉnh cũng như các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, thích ứng biến đổi khí hậu toàn cầu, xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học, tín dụng cho phụ nữ nghèo…

 

.
.
.