Chủ Nhật, 29/01/2017, 20:47 (GMT+7)
.
Sau 10 năm gia nhập WTO: Thành tựu và những tác động

Kỳ 2: Sức bật từ ngành Công thương

Kỳ 1: Tiền Giang đón nhận nhiều cơ hội mới
Kỳ 2: Sức bật từ ngành Công thương
Kỳ cuối: Sẵn sàng ứng phó

Dấu son sau 10 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO là kinh tế - xã hội của tỉnh có mức phát triển vượt bậc, trong đó có sự đóng góp đáng kể của lĩnh vực Công thương.

Thủy sản là một trong những nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh.
Thủy sản là một trong những nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

Lý do của việc phát triển trong lĩnh vực Công thương có thể được giải thích bởi hai khía cạnh chính. Một là xu thế của sự phát triển, nhu cầu càng tăng kéo theo sản xuất tăng và ngược lại; từ đó hình thành chuỗi mắt xích liên kết và phát triển. Hai là những tác động của việc Việt Nam gia nhập WTO, thị trường mở rộng hơn, sức ép từ bên ngoài buộc các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh phải cạnh tranh. Đồng thời, Tiền Giang cũng đón nhận những luồng đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực công nghiệp, thương mại.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở Công thương, giai đoạn 2006 - 2016 giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng bình quân 22,5%/năm, chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng cao nhất từ 94,9% năm 2005 tăng lên 99% năm 2016, tập trung ở các ngành như chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống, thủy sản, rau quả, thức ăn chăn nuôi, hàng tiêu dùng, may mặc, hóa chất, cơ khí; trong đó ngành chế biến lương thực thực phẩm, thủy sản, thức ăn chăn nuôi... được xem là những ngành chủ lực của tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội giai đoạn 2006 - 2016 tăng bình quân 19%/năm. Trong 10 năm qua, các thành phần kinh tế đóng góp ngày càng tăng trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội của tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa giai đoạn 2006 - 2016 tăng bình quân 28,8%/năm. Thị trường XK được mở rộng, đến nay tỉnh đã XK sang hơn 145 quốc gia, vùng lãnh thổ; đa dạng về cơ cấu mặt hàng XK. Ban đầu, các DN trên địa bàn tỉnh chỉ XK hàng nông sản chế biến, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp. Đến nay, tỉnh đã có hơn 7 mặt hàng XK chủ yếu mang lại kim ngạch XK cao cho tỉnh như: Hàng may mặc, giày, túi xách, ống đồng…

Nhằm nâng cao năng lực quản lý của DN để góp phần phát triển bền vững ngành Công thương trong thời gian qua, Sở Công thương đã tổ chức khoảng 80 lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng (có trên 8.000 người tham dự) bồi dưỡng kiến thức về cam kết của Việt Nam với WTO đối với ngành Thủy sản và đối với việc mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ; bồi dưỡng chuyên đề về WTO; tuyên truyền về WTO cho nông dân tiêu biểu tại 11 huyện, thị, thành; thương mại điện tử thực hành trên máy theo chương trình nâng cao; kỹ năng khai thác thông tin trên hệ thống các website của Bộ Công thương; nâng cao năng lực xúc tiến thương mại; kỹ năng xây dựng và phát triển thương hiệu; các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ cho DN vừa và nhỏ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; tiếp cận các mạng lưới phân phối, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm và nâng cao năng lực quản lý trong sản xuất; nâng cao kỹ năng quản trị DN; bồi dưỡng kiến thức về dịch vụ Logistics…

Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư cũng tăng trưởng đáng kể, từ đó hạ tầng khu công nghiệp của tỉnh ngày càng phát triển, góp phần thu hút thêm các dự án sản xuất, XK đầu tư trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, tỉnh có 4 khu công nghiệp: Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang và Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp, đã thu hút được 77 dự án đầu tư (51 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký khoảng 1,38 tỷ USD và 3.983,56 tỷ đồng. Diện tích đất của các DN đã thuê đạt trên 381,3 ha, đạt 51,7% diện tích đất công nghiệp của 4 khu công nghiệp; tạo việc làm cho khoảng 70.000 lao động (chiếm khoảng 50,8% tổng số lao động ngành Công nghiệp của tỉnh). Tỉnh có 4 cụm công nghiệp đã quy hoạch chi tiết, triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng và đang hoạt động. Tổng số dự án tại 4 cụm công nghiệp là 86 dự án (7 dự án FDI) với diện tích thuê đất là 77,5 ha và tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.120,9 tỷ đồng. Hiện tại lao động làm việc trong các cụm công nghiệp có khoảng 13.470 người, chiếm khoảng 9,8% lao động công nghiệp toàn tỉnh.

Theo đánh giá chung, những kết quả mà ngành Công thương đạt được trong giai đoạn 2006 - 2016 là khá khả quan. Tuy nhiên, ngành Công thương vẫn còn gặp một số khó khăn và hạn chế nhất định, ngoài chế biến thủy sản, thức ăn chăn nuôi, may mặc, chế biến lương thực, rau quả và một số sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường, các sản phẩm khác có sức cạnh tranh thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập; phần lớn các DN có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp, hiệu quả sản xuất - kinh doanh chưa cao, chưa hình thành được các ngành công nghiệp hỗ trợ. Thương mại - dịch vụ tuy có bước phát triển khá nhưng còn nhỏ lẻ, tính tổ chức, hệ thống chưa cao; phần lớn các chợ được đầu tư nâng cấp đã lâu, cần được xây dựng lại. XK tuy đạt tốc độ tăng trưởng khá cao nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, sản phẩm XK chủ yếu chỉ mới qua sơ chế. Thị trường XK được mở rộng nhưng tỷ trọng lại có sự đảo chiều mạnh mẽ. Châu Âu vốn là thị trường lớn của tỉnh giờ giảm mạnh do XK hàng nông - thủy sản giảm, thay vào đó thị trường châu Mỹ lên ngôi với các mặt hàng công nghiệp. Thêm vào đó, các ngành sản xuất hàng công nghiệp chủ yếu nhập khẩu nguyên vật liệu, đẩy kim ngạch nhập khẩu của tỉnh tăng bình quân 44,2%/năm (2006 - 2016).

Hệ thống bán lẻ trên địa bàn tỉnh ngày càng sôi động. Ảnh: Minh Thành
Hệ thống bán lẻ trên địa bàn tỉnh ngày càng sôi động. Ảnh: Minh Thành

Theo ông Nguyễn Văn Công, trong thời gian tới, ngành Công thương đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cốt lõi hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, năng lực hội nhập. Theo đó, ngành sẽ tham gia xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo khung pháp lý cho việc thực hiện phát triển nhanh và bền vững ngành Công thương theo Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao tính minh bạch trong quản lý Nhà nước của ngành. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương đồng thời hỗ trợ DN, cá nhân, tổ chức kinh doanh. Song song đó, ngành Công thương tiếp tục hỗ trợ, nghiên cứu đề xuất phát triển các sản phẩm công nghiệp thân thiện với môi trường, tiết kiệm nguyên vật liệu và năng lượng, chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ thân thiện môi trường; hỗ trợ DN đẩy mạnh đầu tư công nghiệp chế biến, nhất là chế biến sản phẩm nông sản và tiếp tục xây dựng, thực hiện các nội dung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của ngành Công thương về công tác hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và gia nhập WTO nói riêng.

PHƯƠNG ANH

Về văn hóa đối ngoại, Tiền Giang cũng đã từng bước hội nhập với khu vực và thế giới qua việc tổ chức các hoạt động giao lưu biểu diễn nghệ thuật với các đoàn nghệ thuật đến từ các nước như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Về các đoàn nước ngoài đến tỉnh làm việc, so với giai đoạn trước, tần suất ngày càng nhiều và trong đó có những đoàn cấp cao của nguyên thủ các nước, người đứng đầu các tỉnh, thành và các cơ quan đại diện các nước ở Việt Nam như: Đoàn của Hoàng Thái tử Nhật Bản, Tổng thống Hungary, Tổng thống Ireland, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Lào, Thủ tướng Mozambique, Phó Thủ tướng Angola, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông (Trung Quốc), Tỉnh trưởng tỉnh Pursat  (Campuchia), Tỉnh trưởng tỉnh Khăm Muộn (Lào), Tỉnh trưởng tỉnh Maputo (Mozambique), Đại sứ và Tổng Lãnh sự các nước Mỹ, Nauy, Anh, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Mozambique, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia…

 

.
.
.