Thứ Ba, 14/02/2017, 16:35 (GMT+7)
.

Gặp gỡ 2 nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ở huyện Cai Lậy

Năm 2016, huyện Cai Lậy bình chọn trên 16.000 nông dân sản xuất - kinh doanh (SX-KD) giỏi các cấp. Nhiều điển hình là tấm gương vượt khó tiêu biểu, không ngừng học hỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KH-KT) vào sản xuất để tăng lợi nhuận trên mảnh vườn, thửa ruộng. Cùng gặp gỡ 2 điển hình nông dân SX- KD giỏi ở huyện Cai Lậy để vui với thành công trong năm qua, nghe họ chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và ước vọng trong năm mới Đinh Dậu 2017.

Anh Nguyễn Văn Phương: Ham học hỏi và nhạy bén trong sản xuất

Chuyên canh cây sầu riêng đã 20 năm, với anh Nguyễn Văn Phương (ấp Bình Hòa A, xã Tam Bình) là chặng đường nỗ lực học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để vườn cây luôn tươi tốt, cho năng suất, thu nhập cao.

Anh Nguyễn Văn Phương chăm sóc vườn sầu riêng sau thu hoạch.
Anh Nguyễn Văn Phương chăm sóc vườn sầu riêng sau thu hoạch.

Năm 1997, anh Phương chuyển đổi 7 công đất ruộng sang vườn và chọn giống sầu riêng khổ qua xanh để chuyên canh. 5 năm sau, khi cây đang giai đoạn cho trái ổn định, giá sầu riêng khổ qua xanh xuống khá thấp trong khi thị trường các giống sầu riêng cơm vàng hạt lép lại hút hàng. Qua tìm hiểu về cây giống và vùng đất canh tác, anh Phương mạnh dạn cải tạo vườn, lần lượt chuyển đổi sang các giống RI6, Mongthong và Chuồng bò. Bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm, thời gian đầu anh gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc. Vừa nghiên cứu tài liệu, học hỏi những nông dân đi trước, anh Phương đều đặn tham dự các lớp chuyển giao KH-KT để tích lũy kinh nghiệm, đặc biệt là phương pháp xử lý cho cây ra hoa nghịch vụ. Tinh thần ham học hỏi và nhạy bén đã giúp anh thành công. Hằng năm, đầu tháng 4 âm lịch, anh Phương tiến hành siết nước, kích thích cây ra hoa, đậu trái và thu hoạch vào cuối tháng 10. Hơn 10 năm thành công trong việc xử lý sầu riêng nghịch vụ đã giúp gia đình anh Phương có cuộc sống sung túc.

Hiện anh đã mở rộng diện tích canh tác hơn 1,4 ha với 380 gốc sầu riêng RI6, Mongthong, Chuồng bò. Trung bình mỗi năm, vườn cây cho thu hoạch từ 26 - 27 tấn trái, trừ chi phí, anh thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Riêng năm 2016, do ảnh hưởng của tình trạng xâm nhập mặn, anh linh động xử lý nghịch vụ một nửa diện tích, thu hoạch hơn 14 tấn trái, lợi nhuận trên 600 triệu đồng.

Nhiều năm liền, anh Nguyễn Văn Phương được bình chọn là nông dân SX-KD giỏi cấp tỉnh với mô hình chuyên canh sầu riêng hiệu quả. Anh nhận xét: “So với các loại cây ăn trái khác, sầu riêng đang chiếm ưu thế trên đất vườn Tam Bình và được xem là cây trồng chủ lực. Nếu chúng ta nắm vững kỹ thuật canh tác, nhạy bén chọn thời điểm cho thu hoạch phù hợp thì cây sầu riêng cho hiệu quả kinh tế rất cao. Năm 2016 được xem là năm thử thách đối với nông dân khi ảnh hưởng của tình hình xâm nhập mặn, nhiều diện tích bị bệnh cháy lá. Đúc kết kinh nghiệm của năm qua, tôi sẽ tích cực chăm sóc vườn cây sau thu hoạch, chủ động trong việc trữ nước tưới tiêu, giữ ẩm cho cây trong mùa khô hạn, hy vọng thị trường tiêu thụ ổn định để nông dân có lợi nhuận cao”.

Ông Thái Văn Hiềm: Gắn bó với cây lúa ở vùng đất thuần nông

Ông Thái Văn Hiềm tích cực thăm đồng trong những ngày đón tết.
Ông Thái Văn Hiềm tích cực thăm đồng trong những ngày đón tết.

Bên cánh đồng lúa vụ đông xuân ở ấp 4, xã Thạnh Lộc, ông Thái Văn Hiềm - một điển hình nông dân SX-KD giỏi cấp huyện kể về chuyện vượt khó của gia đình. Lập nghiệp với 3 công đất được cha mẹ cho khi lập gia đình, vợ chồng ông có thời gian vất vả khi kinh tế gia đình rơi vào khó khăn vì sâu bệnh, mùa màng thất bát. Quyết tâm gắn bó với cây lúa ở vùng đất thuần nông, ông Hiềm xác định phải không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Sự cần cù, chịu khó và nỗ lực trong lao động của vợ chồng ông đã gặt hái thành quả xứng đáng bằng những vụ mùa thành công, kinh tế gia đình dần ổn định. Sau thời gian vừa tập trung sản xuất vừa tích lũy, đến năm 2005 ông Hiềm mở rộng diện tích canh tác lên 3 ha. Nhờ ứng dụng theo đúng quy trình kỹ thuật, mấy năm gần đây diện tích canh tác của ông luôn đạt năng suất, chi phí đầu tư giảm 30% so với trước kia, lợi nhuận tăng cao... Qua 3 vụ sản xuất lúa trong năm, ông thu lãi gần 300 triệu đồng. Bằng tấm lòng chân thành, vui vẻ, ông luôn sẵn lòng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho bà con. Ông tâm niệm: “Canh tác lúa muốn mang lại hiệu quả cao nông dân phải nắm vững kỹ thuật. Từ lý thuyết tiếp thu, phải tìm hiểu, so sánh, đối chiếu qua thực tiễn rồi bắt tay vào thực hành mới đạt kết quả cao... Khi ứng dụng những phương pháp hay cách làm mới, tôi thử nghiệm trên vài công đất, sau đó nhân rộng toàn bộ diện tích”. Chia sẻ về ước vọng năm Đinh Dậu 2017, ông Hiềm nói: “Nghề nông lúc nào cũng có những khó khăn do giá cả, thời tiết, đặc biệt năm nay đầu vụ mưa nhiều, muỗi hành gây hại khiến nông dân phát sinh thêm nhiều chi phí trong khâu bơm tát, phòng trừ sâu bệnh và ảnh hưởng đến năng suất. Năm nay, hy vọng giá lúa luôn ổn định để nông dân an tâm sản xuất trước thách thức của thời tiết”.

***

Những nông dân SX-KD giỏi ở huyện Cai Lậy mỗi người 1 mô hình, cách làm khác nhau nhưng đều có chung sự nhạy bén, linh hoạt, ham học hỏi và ứng dụng hiệu quả kiến thức KH-KT vào sản xuất. Gặp gỡ trong những ngày đầu năm mới, họ đều có chung ước vọng một năm mưa thuận gió hòa, thị trường tiêu thụ ít biến động để thêm niềm vui được mùa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn. Thành quả của họ không chỉ tạo sự sung túc cho gia đình, cổ vũ tinh thần hăng say lao động mà còn góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương, xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.