Thứ Sáu, 24/02/2017, 11:01 (GMT+7)
.

Lại "bẻ kèo" trong mô hình Cánh đồng lớn

Câu chuyện “bẻ kèo” trong mô hình Cánh đồng lớn (CĐL) một lần nữa lại xảy ra. Thương lái “nhảy” vào thu mua, doanh nghiệp đầu tư than trời, còn chính quyền địa phương thì “bó tay”.

Công ty Lương thực Tiền Giang thu mua diện tích còn lại trong mô hình CĐL ở xã Hậu Mỹ Trinh ngày 21-2.
Công ty Lương thực Tiền Giang thu mua diện tích còn lại trong mô hình CĐL ở xã Hậu Mỹ Trinh ngày 21-2.

Trong vụ đông xuân 2016 - 2017, tỉnh Tiền Giang có 3 doanh nghiệp: Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty TNHH Việt Hưng, Công ty Tân Thành và Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ nông thôn Bình Nhì tham gia ký kết hợp đồng với các tổ chức đại diện nông dân trong mô hình CĐL trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích gần 2.000 ha, ở 21 CĐL tại 7 huyện, thị.

Trong đó, Công ty Lương thực Tiền Giang ký kết với nông dân là 1.667 ha, ở 17 CĐL, tại 7 huyện, thị. Tuy nhiên, nông dân “bẻ kèo” ở những mô hình chiếm diện tích khá lớn. Ông Huỳnh Hữu Hòa, Phó Phòng Kế hoạch, phụ trách phương án CĐL của công ty cho biết, đến ngày 20-2 công ty đã thu mua được 593 ha, với 2.380 tấn lúa các loại. Trong đó, nông dân bán lúa ra ngoài trên 330 ha (chiếm trên 20%). Ngoài ra, một phần diện tích còn lại, nông dân cũng đang bán lúa ra bên ngoài. Mô hình CĐL ở xã Hậu Mỹ Trinh và Hậu Mỹ Bắc B (huyện Cái Bè) bị nông dân “bẻ kèo” nhiều nhất. Cụ thể, xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè), diện tích ký kết theo hợp đồng là 300 ha (giống Jasmine: 150 ha, OM4900: 100 ha, IR50404: 50 ha). Đến ngày 20-2, diện tích lúa thu hoạch và bán ra bên ngoài cho thương lái là 271 ha. Nguyên nhân do nông dân tự ý nhận tiền đặt cọc và bán ra cho thương lái bên ngoài trước khi đến thời điểm thu hoạch theo hợp đồng ký kết trước 20 ngày, mặc dù HTX và chính quyền địa phương vận động nông dân thực hiện nghiêm túc hợp đồng đã ký nhưng nông dân không chấp hành. Tại xã Hậu Mỹ Bắc B, diện tích ký kết theo hợp đồng là 70 ha (Jasmine 85: 18 ha, OM4900: 52 ha). Đến ngày 20-2, nông dân tự ý bán ra bên ngoài 52 ha giống OM4900 trước khi công ty định giá và mua theo hợp đồng.
Việc nông dân tự ý “bẻ kèo” đã gây nhiều khó khăn cho Công ty Lương thực Tiền Giang. Theo ông Huỳnh Hữu Hòa, Ban Giám đốc công ty phải hợp khẩn để bàn giải pháp bù đắp số lượng lúa, gạo ở những diện tích mà nông dân “bẻ kèo”.

Một thương lái (thứ 1, bên trái) chờ thu mua lúa của nông dân ở xã Phú Nhuận (huyện Cai Lậy).
Một thương lái (thứ 1, bên trái) chờ thu mua lúa của nông dân ở xã Phú Nhuận (huyện Cai Lậy).

Công ty TNHH Việt Hưng (huyện Cái Bè) cũng đầu tư trên 180 ha ở 2 địa phương trong mô hình CĐL (xã Mỹ Trung - huyện Cái Bè và xã Phú Cường - huyện Cai Lậy). Tuy nhiên, nông dân đã “bẻ kèo” và công ty không mua được kg lúa nào. Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc công ty cho biết, mô hình CĐL tại xã Mỹ Trung (huyện Cái Bè) được công ty ký kết hợp đồng là 100 ha, giống IR 50404. Đến nay, nông dân bán ra cho thương nhân bên ngoài toàn bộ diện tích. Còn tại xã Phú Cường (huyện Cai Lậy), công ty cũng ký kết đầu tư mô hình CĐL theo hợp đồng là 80 ha, giống lúa IR50404. Đến nay, nông dân nhận tiền đặt cọc và bán cho thương lái bên ngoài toàn bộ diện tích.

Nguyên nhân dẫn đến chuyện nông dân “bẻ kèo”, theo ông Nguyễn Văn Đôn, nông dân nhận tiền cọc và bán ra cho thương lái bên ngoài khi lúa chưa đến thời điểm thu hoạch. Sau khi trao đổi và thỏa thuận cùng công ty, nông dân đồng ý để lúa lại và bán cho công ty giá 5.200 đồng/kg lúa tươi, công ty đề xuất giá mua là 5.050 đồng/kg (do lúa còn chưa chín đúng theo thời gian thu hoạch của hợp đồng ký kết). Nông dân không đồng ý và bán ra cho thương lái bên ngoài toàn bộ diện tích 100 ha, với giá 5.200 đồng/kg lúa tươi (50ha) và 5.000 đồng/kg lúa tươi (50 ha còn lại).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nông dân trồng lúa tham gia vào mô hình CĐL cần tiền để trang trải cuộc sống và ăn tết. Thấy được sự khó khăn này, nhiều thương lái đã “nhảy” vào và đặt tiền cọc trước cho nông dân để thu mua lúa. Còn đối với các công ty, họ hợp đồng với nông dân nhưng không đưa tiền đặt cọc trước và trước khi thu hoạch 7 ngày thì công ty mới đưa ra giá mua - bán. Chính điều này, nông dân trong mô hình CĐL đã “bẻ kèo” hàng loạt.

Câu chuyện “bẻ kèo” trong mô hình CĐL không phải chuyện mới, nhưng chúng ta cứ loay hoay triển khai mà không có giải pháp khắc phục thì mô hình này sẽ không phát huy hiệu quả.

SĨ NGUYÊN

.
.
.