Thứ Hai, 20/02/2017, 15:09 (GMT+7)
.

Trăn trở của những người có trách nhiệm đối với vú sữa Lò Rèn

Có rất nhiều từ ngữ hoa mỹ để nói về cây vú sữa Lò Rèn (VSLR) như cây ăn trái đặc sản, độc đáo, quý hiếm... Thế nhưng, thường cái gì độc đáo, quý hiếm đi kèm với nó là số lượng không nhiều, đứng trước nguy cơ bị “biến mất”. Ai cũng biết rằng lâu nay cây VSLR trồng ở xã Vĩnh Kim và khu vực các xã lân cận của huyện Châu Thành cho trái ngon không nơi nào có được.

Thời gian qua, diện tích VSLR giảm mạnh do cây suy kiệt nhanh,  bệnh khô cành, thối rễ gây hại mạnh.
Thời gian qua, diện tích VSLR giảm mạnh do cây suy kiệt nhanh, bệnh khô cành, thối rễ gây hại mạnh.

Cũng tại đây, cây VSLR đã tạo nên thương hiệu nổi tiếng trong cả nước, thậm chí ngoài nước. Trước đây, cũng không nơi nào có vùng chuyên canh VSLR lớn như ở huyện Châu Thành - Tiền Giang. Ấy thế mà chỉ vài năm trở lại đây, diện tích VSLR giảm rất mạnh (từ trên 3.270 ha xuống còn dưới 2.600 ha).

Chắc chắn, đó chưa phải là con số đầy đủ, chưa phải là con số cuối cùng. Bởi theo những nhà chuyên môn có nhiều năm gắn bó với cây trồng này, diện tích VSLR hiện nay có thể chỉ còn khoảng 1.500 ha và còn đang tiếp tục giảm. Còn thực tế qua những chuyến tìm hiểu của chúng tôi, thực trạng “thê thảm” hơn nhiều. Phần lớn các vườn gọi là vườn VSLR nhưng thực chất chỉ là vườn xen canh VSLR, bưởi da xanh, dừa, sa pô... Trong đó, nhiều vườn số cây VSLR rất khiêm tốn (do bị chết dần). Đó là chưa nói đến không ít cây bị suy kiệt, bệnh nặng không thể phục hồi, chẳng mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho nhà vườn nhưng chưa bị thay thế.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Các nhà chuyên môn cho rằng, thực trạng hiện nay là do trong thời gian dài nhà vườn khai thác khả năng cho trái của cây quá sức làm cây suy kiệt, mương vườn không đảm bảo tiêu thoát nước làm phát sinh, lưu tồn và lây lan mầm bệnh; việc phòng trị bệnh không triệt để, không đồng loạt dẫn đến hiệu quả thấp. Còn người dân thì cho rằng nguồn nước, đất ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây; các biện pháp phòng trị bệnh của cơ quan chức năng đưa ra không hiệu quả…

Nhưng dù nguyên nhân nào đi chăng nữa thì thực tế không thể phủ nhận là khâu chăm sóc, canh tác, khai thác khả năng cho trái đối với cây ăn trái này của nông dân có nhiều vấn đề không ổn; việc phòng trị bệnh chưa triệt để. Kết quả là cây VSLR tiếp tục suy thoái, bệnh tiếp tục lây lan, người dân từ bỏ VSLR ngày càng tăng lên. Nếu tiếp tục không có giải pháp kịp thời - nói theo cách nói của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng - cây ăn trái đặc sản quý hiếm này sẽ bị mai một. Và việc lãnh đạo tỉnh chủ trì Hội nghị Trưng cầu ý kiến nông dân đã và đang trồng VSLR tại xã Vĩnh Kim vào chiều ngày 10-2 vừa qua đã cho thấy nỗ lực, quan tâm của tỉnh trong việc khôi phục và phát triển vùng chuyên canh VSLR.

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Việc tìm nguyên nhân đổ lỗi cho nhau giờ không còn quan trọng nữa. Điều quan trọng hiện nay là sớm tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng suy thoái cây và có biện pháp ngăn chặn sự suy thoái, lây lan của bệnh khô cành, thối rễ hiệu quả. Muốn vậy, mỗi nông dân phải chung sức cùng cơ quan chức năng phục hồi, giữ gìn và phát triển cây trồng này.

Đó cũng là mong mỏi của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng tại Hội nghị Trưng cầu ý kiến nông dân đã và đang trồng VSLR vừa qua: “Mong tấm lòng và trách nhiệm của người dân địa phương trong giữ gìn và phát triển VSLR”. Điều mong mỏi đó giờ đây đã trở thành “mệnh lệnh” hành động của trái tim đối với những ai yêu quý trái cây đặc sản này trước khi quá muộn.

TÂN PHÚ

.
.
.