Thứ Năm, 30/03/2017, 10:22 (GMT+7)
.

Các nhà khoa học nói gì về Dự án Nhà máy giấy Đại Dương?

Ngày 28-3, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp lấy ý kiến các nhà khoa học và chuyên gia đối với Dự án Nhà máy giấy Đại Dương của Công ty TNHH Nhà máy giấy Đại Dương (một công ty của Đài Loan) đầu tư tại khu công nghiệp Long Giang (huyện Tân Phước).

Cuộc họp do ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cùng với sự tham dự của các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ Cục Môi trường miền Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Viện Môi trường và Tài nguyên thuộc Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam; Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam và Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh.

Cuộc họp lấy ý kiến các nhà khoa học và chuyên gia đối với Dự án Nhà máy giấy Đại Dương.
Cuộc họp lấy ý kiến các nhà khoa học và chuyên gia đối với Dự án Nhà máy giấy Đại Dương.

Tại cuộc họp, ông Chiang Ming Jui, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà máy giấy Đại Dương cho biết, trong quy hoạch các ngành nghề của Khu công nghiệp Long Giang có cho phép đầu tư xây dựng nhà máy giấy. Công ty cũng đã được tỉnh Tiền Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 3-2016. Trong giai đoạn 1 sẽ xây dựng nhà máy sản xuất giấy công suất 175.000 tấn/năm, vốn đầu tư 80 triệu USD. Hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) lập xong nhưng chưa được thẩm định, phê duyệt. Do công ty chưa được địa phương phê duyệt về kiến nghị sử dụng nước mặt kênh Năng và xả thải trực tiếp sau khi đã xử lý đạt quy chuẩn quốc gia loại A.

PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường, đơn vị tư vấn lập báo cáo ĐTM cho Dự án Nhà máy giấy Đại Dương  đã trình bày về việc kiến nghị sử dụng nước mặt kênh Năng và xả thải trực tiếp ra kênh Năng sau khi xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cột A. Theo đó, tác động của việc khai thác, sử dụng nước kênh Năng của Nhà máy giấy Đại Dương tới nhu cầu cấp nước cho nông nghiệp là không đáng kể. Bởi theo ông Sỹ, lưu lượng nước sử dụng cho nông nghiệp vào mùa khô của kênh Năng là 12 m3/s, trong khi Nhà máy giấy Đại Dương chỉ lấy 1/407 (tương đương 0,014 m3/s) lưu lượng nước dùng cho nông nghiệp vào mùa khô của kênh Năng. Vì vậy sẽ không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Về xử lý nước thải, ông Sỹ cho biết, lượng nước thải ra của Nhà máy giấy Đại Dương là khoảng 6.000 m3/ngày đêm, trong đó nhà máy sẽ tái sử dụng hơn 1.000 m3. Công nghệ xử lý nước thải của Nhà máy giấy Đại Dương là không tự chảy ra kênh Năng mà được lưu ở hồ sinh học, được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động. Khi nước thải đạt tiêu chuẩn cột A thì mới được bơm ra kênh. Nếu xảy ra sự cố mà ba ngày không xử lý được thì nhà máy sẽ tự động ngừng hoạt động.

Sau khi nghe báo cáo của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lập báo cáo ĐTM cho Dự án Nhà máy giấy Đại Dương, các nhà khoa học đã có nhiều ý kiến bàn luận xoay quanh vấn đề sử dụng nước để sản xuất giấy và xử lý nước thải; đồng thời các nhà khoa học cũng mạnh dạn đề nghị tỉnh Tiền Giang không chấp nhận dự án này. Trong khi nhà đầu tư thì bày tỏ quan điểm, không có lý do gì mà Dự án Nhà máy giấy Đại Dương bị thu hồi khi báo cáo ĐTM vẫn chưa được phê duyệt.

TS Lương Quang Xô, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho rằng, việc lấy nước mặt phục vụ sản xuất cho Dự án Nhà máy giấy Đại Dương là không phù hợp. Bởi lượng nước ngầm của tỉnh Tiền Giang nói chung và huyện Tân Phước nói riêng là hạn chế, chủ yếu sử dụng cho nhu cầu dân sinh là chính. Nếu không có kế hoạch sử dụng hiệu quả sẽ làm mực nước ngầm ngày càng hạ thấp, do không có lượng bổ cập thường xuyên.

“Dù công nghệ có tốt thế nào nhưng việc bố trí nhà máy sản xuất giấy ở vùng giáp nước như huyện Tân Phước, nơi tiêu thoát khó khăn cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Do hệ thống kênh rạch nhỏ không tự làm sạch nên qua quá trình tích lũy lâu ngày các chất thải từ sản xuất giấy sẽ tích tụ ảnh hưởng lớn đến môi trường” - ông Xô cho biết.

Theo PGS.TS Lê Trình, Phó Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam, ngành công nghệ sản xuất giấy, tái chế giấy là công nghệ thuộc nhóm ô nhiễm cao. Các chất thải ra môi trường từ công nghệ này là hết sức độc hại. Với Dự án Nhà máy giấy Đại Dương có lưu lượng nước thải sau tuần hoàn phải xả thải là gần 5.000 m3/ngày đêm (giai đoạn 1) và 12.000 m3/ngày đêm (tổng công suất), nếu không được xử lý đạt quy chuẩn mà xả vào kênh Năng thì sẽ chuyển đến các kênh rạch, dẫn đến sông Tiền và có thể sông Vàm Cỏ Tây.

Hậu quả có thể gây chết thủy sản hàng loạt và tác hại nguồn nước cấp cho sinh hoạt, thủy lợi cho không chỉ tỉnh Tiền Giang mà còn tỉnh Long An, tỉnh Bến Tre. Khi đó sẽ dẫn đến những tổn thất về kinh tế, xã hội, môi trường rất lớn và nhiều vấn đề về chính trị cũng sẽ phát sinh. “Đối với các loại hình dự án tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động nghiêm trọng đến môi trường khi có sự cố như Dự án Nhà máy giấy Đại Dương, tôi kiến nghị lãnh đạo tỉnh Tiền Giang không chấp nhận dự án này” - ông Trình nói.
 

Mô hình Dự án Nhà máy giấy Đại Dương đầu tư tại khu công nghiệp Long Giang (huyện Tân Phước)
Mô hình Dự án Nhà máy giấy Đại Dương đầu tư tại Khu công nghiệp Long Giang (huyện Tân Phước)

Sau khi phân tích, đánh giá về công nghệ, nguồn nước sử dụng, xử lý nước thải của Dự án Nhà máy giấy Đại Dương, GS.TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài Nguyên thuộc Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng vị trí, công nghệ của dự án là không phù hợp; đồng thời ông Phước cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Tiền Giang không cho phép triển khai Dự án Nhà máy giấy Đại Dương.

PGS.TS Võ Lê Phú, Phó trưởng Khoa Môi trường và Tài nguyên, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh gửi ý kiến đóng góp bằng văn bản đến cuộc họp nêu rõ quan điểm, việc quyết định cấp phép đầu tư cho dự án sản xuất giấy là không nên. Đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan quản lý địa phương nên thận trọng trong việc xem xét và quá trình ra quyết định.

Theo ông Trần Phong, Cục trưởng Cục Môi trường miền Nam thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường, công nghệ Dự án Nhà máy giấy Đại Dương bao gồm cả công nghệ sản xuất, xử lý nước thải, khí thải đều cần phải được các bộ thẩm định. Khi có kết quả về công nghệ sẽ tiến hành thẩm định báo cáo ĐMT. Việc nghiên cứu thủy văn để xác định Nhà máy giấy Đại Dương lấy nước sản xuất và xả thải có ảnh hưởng gì đến môi trường và sản xuất nông nghiệp không? Tất cả vấn đề này tỉnh Tiền Giang cần tiến hành làm nhanh để tránh tổn thất cho nhà đầu tư. Tình hình về Dự án Nhà máy giấy Đại Dương cũng sẽ được ông Phong báo cáo với Tổng cục Môi trường để hỗ trợ tỉnh tiến hành các bước tiếp theo.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận và tiếp thu các ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia; đồng thời Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, do tính chất phức tạp của dự án sản xuất giấy nên tỉnh sẽ cân nhắc và thận trọng xem xét kỹ trước khi đưa ra quyết định có tiếp nhận dự án này hay không. Bên cạnh đó, ông Phạm Anh Tuấn cũng nhấn mạnh, Tiền Giang luôn trân trọng các nhà đầu tư khi đến với Tiền Giang nhưng phải đảm bảo là dự án không gây tác động xấu đến môi trường.

HỮU NGHỊ

.
.
.