Thứ Sáu, 17/03/2017, 19:25 (GMT+7)
.

Hơn 3.737 tỷ đồng để tái cơ cấu nền nông nghiệp

Sáng 17-3, tại Hội trường Sở NN&PTNT, Sở NN&PTNT tổ chức Hội nghị triển khai Đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Quang cảnh hội nghị triển khai đề án.
Quang cảnh hội nghị triển khai đề án.

Theo đề án, tái cơ cấu nền nông nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, có tính đến yếu tố đặc thù và cơ hội trên cơ sở mục tiêu phát triển của vùng. Cụ thể, vùng kinh tế - đô thị phía Đông bao gồm Chợ Gạo, Châu Thành và TP. Mỹ Tho sẽ phát triển cây thanh long, rau màu, gà ri, chim cút, cá nuôi bè; hình thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đưa vào hoạt động.

Vùng kinh tế - đô thị phía Đông gồm thị xã Gò Công, Gò Công Tây, Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông phát triển cây lúa đặc sản, cây rau, mãng cầu xiêm và con gà ta Gò Công; con tôm và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.

Vùng kinh tế - đô thị phía Tây gồm TX. Cai Lậy, huyện Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước phát triển cây lúa chất lượng cao, cây xoài, sầu riêng, khóm, giống thủy sản nước ngọt; hình thành khu chăn nuôi tập trung 200 ha tại xã Thạnh Hòa (huyện Tân Phước).

Tổng mức đầu tư cho đề án trên 3.737 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách trên 1.760 tỷ đồng, vốn ODA trên 189 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp trên 108 tỷ đồng, vốn dân gần 1.679 tỷ đồng.

Chọn lúa chất lượng cao để tái cơ cấu nền nông nghiệp.
Chọn lúa chất lượng cao để tái cơ cấu nền nông nghiệp.

Ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ làm trọng tâm tái cơ cấu kinh tế chung của tỉnh, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; gắn phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển bền vững.

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên cơ sở thích ứng biến đổi khí hậu, liên kết tiểu vùng, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo cơ chế thị trường, dựa trên các ngành hàng có lợi thế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản. Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, hình thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm kiểu mẫu để nhân rộng ra toàn tỉnh, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Lấy liên kết chuỗi làm trung tâm của quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; tập trung phát triển kinh tế hợp tác và doanh nghiệp.

S.N

.
.
.