Chủ Nhật, 30/04/2017, 15:49 (GMT+7)
.

Tiến sĩ Lê Quang Huy và những dự định khởi nghiệp

Sau khi lấy bằng Tiến sĩ (TS) tại Pháp và công tác tại Trường INSA - Lyon (Pháp), Lê Quang Huy trở về nước với rất nhiều dự định và sẵn sàng dấn thân cho chặng đường khởi nghiệp (KN).

1. Cũng như những người từng đi du học, TS. Lê Quang Huy cảm nhận được rằng, về nước sau khi lấy bằng TS là một quyết định khó khăn do anh nhận được nhiều cơ hội làm việc khoa học nghiêm túc ở nước ngoài. Một trong những nguyên nhân khác đã thúc đẩy TS. Lê Quang Huy về nước làm việc là anh có nhiều người bạn Pháp tham gia một số hoạt động xã hội tại Việt Nam thông qua việc xây nhà, góp sức trong các trại trẻ mồ côi. Từ đó, TS. Lê Quang Huy cảm nhận rằng, người nước ngoài còn có nhiệt huyết giúp đỡ như thế, tại sao mình là người Việt Nam lại không góp sức cho quê hương mình và cùng với rất nhiều lý do khác đã thôi thúc anh về nước.

TS. Lê Quang Huy trải nghiệm bên dự án khởi nghiệp đầu tiên là làm kem Wee-gelato.
TS. Lê Quang Huy trải nghiệm bên dự án khởi nghiệp đầu tiên là làm kem Wee-gelato.

TS. Lê Quang Huy tự nhận là máu KN đã có từ bé và chấp nhận thử thách. Bởi nếu làm việc trong phòng thí nghiệm nước ngoài, dù tiện nghi về vật chất, cùng rất nhiều áp lực trong công việc, nhưng đôi khi anh cảm thấy thèm sự thử thách và trải nghiệm, tạo ra sản phẩm, tạo ra việc làm hơn là chỉ đi làm. “Đất nước mình có rất nhiều tiềm năng vì chặng đường KN chỉ mới manh nha, nhưng nó chỉ phù hợp với những người có hoài bão, tri thức và tầm nhìn. Cơ hội chỉ là cơ hội khi ta nhìn thấy, còn không nó chỉ là tiềm năng”- TS. Lê Quang Huy chia sẻ.

Về nước đầu năm 2017, TS. Lê Quang Huy bắt tay vào xây dựng ngôi nhà do chính anh thiết kế (tại phường 10, TP. Mỹ Tho), ứng dụng nhiều vật liệu thân thiện môi trường, cùng dự án KN đầu tiên là mở cơ sở sản xuất kem Ý. Tự nhận mình “ham làm, ham ăn, ham chơi”, nên khi còn đi học ở Pháp, Huy tiết kiệm thu nhập từ làm thêm, từ học bổng để đi khắp nơi khám phá thế giới và nhận thấy nền ẩm thực của các nước rất tinh tế, họ chú trọng vị thơm ngon tự nhiên của nông sản hơn là hương liệu, trong đó có món kem. Chính vì vậy, Huy muốn tạo sản phẩm kem ngon để phục vụ gia đình và bà con, tiến tới xuất khẩu như: Sầu riêng, nhãn, mít, khoai môn... Từ đó, anh bắt tay vào làm kem với quy mô vừa phải để thử nghiệm, bước đầu tiên là nhập máy móc từ Italia và Pháp về. TS. Lê Quang Huy làm kem bắt đầu từ sữa bò tươi, trái cây, hương liệu nhưng tất cả nguyên liệu làm kem phải đảm bảo sạch. Để tìm được nguồn nguyên liệu chất lượng cho mỗi loại kem là cả quá trình gian nan nhất đối với Huy.

Sau những khó khăn ban đầu, sản phẩm kem của TS. Lê Quang Huy hiện không đủ bán sỉ và lẻ cho các nhà hàng ở thị trường TP. Hồ Chí Minh. Dự án KN đầu tiên bắt đầu sinh lợi, mục tiêu hướng đến của TS. Lê Quang Huy là gom góp vốn đầu tư vào nhà máy sản xuất kem tại quê nhà, với quy mô lớn hơn nhằm hạ giá thành để người có thu nhập khiêm tốn cũng không ngần ngại khi tìm đến sản phẩm Việt của anh mang tên là Wee-gelato. Tới đây, Công ty Wee-gelato sẽ có bộ phận R&D (nghiên cứu và phát triển) nhằm tạo cơ hội cho sinh viên ngành nghiên cứu có đất dụng võ. “Bất kỳ một dự án KN nào nếu bắt đầu từ số 0 đến số 1 là rất khó, nhưng từ số 1 đến số 100 sẽ dễ dàng hơn do đã có nền tảng sẵn có. Mục tiêu của mình là tạo ra kem sạch bắt đầu từ nguyên liệu sạch và không có chất bảo quản, ngay cả sữa sử dụng hiện tại cũng từ nguyên liệu nhập khẩu. Trong tương lai, mình cũng tính đến việc chủ động vùng nguyên liệu sữa thông qua việc thuê 5.500 m2 đất để nuôi bò theo hướng sinh học và là mô hình thí điểm nông nghiệp khép kín không chất thải. Mình đang muốn áp dụng tất cả những hiểu biết về nông nghiệp sinh thái mới mang tên permaculture trên mảnh đất này theo phiên bản Việt hóa’’- TS. Lê Quang Huy cho biết.

Niềm vui làm vườn sau buổi làm việc tại phòng thí nghiệm CarMeN của TS. Lê Quang Huy.
Niềm vui làm vườn sau buổi làm việc tại phòng thí nghiệm CarMeN của TS. Lê Quang Huy.

2. Mục tiêu chính trong câu chuyện KN của TS. Lê Quang Huy là tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao và một trong những dự án tiếp theo sẽ là dầu bơ. Đây cũng được xem là dự án điểm về ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN). Hiện tại, dự án đã được Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia (Bộ KH-CN) phê duyệt hỗ trợ. Dự án này TS. Lê Quang Huy liên kết với Công ty Dakado, một công ty chuyên kinh doanh về hạt mắc ca, chế biến bơ đông lạnh, bao tiêu bơ sạch... Quy trình chiết xuất dầu bơ theo hướng hiện đại được TS. Lê Quang Huy tiếp nhận từ Bella Vado, một công ty tại California, trong quá trình anh công tác tại Mỹ trên hành trình tìm công nghệ nuôi vi tảo tiên tiến về Việt Nam. Dầu bơ là loại tinh dầu rất giàu chất béo không bão hòa, góp phần cải thiện sức khỏe của người tiêu dùng và được so sánh là tốt hơn cả dầu Olive. Anh muốn từ nỗ lực nhỏ của mình có thể giúp bà con Tây Nguyên tìm đầu ra ổn định cho trái bơ, quê nhà có thêm loại dầu có giá trị dinh dưỡng, giúp nâng cao sức khỏe gia đình Việt và góp phần đưa Việt Nam có tên trên bản đồ dầu bơ thế giới.

Ở góc nhìn khác, theo TS. Lê Quang Huy, mơ ước lớn nhất của đời anh là bảo vệ môi trường và kiếm được lợi nhuận từ đó. Mục tiêu của anh là tận dụng được nguồn CO2 để phát triển nông nghiệp công nghệ cao và tỉnh nhà lại có nhà máy Heineken, với sản lượng lớn, nơi có nguồn CO2 sạch từ quá trình lên men. Mục tiêu là biến CO2 từ khí gây hiệu ứng nhà kính thành sinh khối sinh lợi nhuận. Theo TS. Lê Quang Huy, chỉ cần có nguồn CO2 anh sẽ bắt đầu tính đến việc hiện thực hóa dự định nuôi vi tảo. “Ban đầu mình sẽ tận dụng CO2 để nuôi những chủng vi tảo đơn giản như Arthrospira platensis, vốn được biết đến với tên tảo xoắn mà anh nắm vững đến những chủng vi tảo, giúp sản xuất tinh dầu cao cấp như EPA/DHA và sinh khối. Tất nhiên, để thực hiện dự án này, mình sẽ hợp tác với một số chuyên gia ở Trường Đại học Bách khoa chuyên ngành Vi tảo và bạn bè quốc tế của mình ở Trường Đại học San Diego (Mỹ), Trường Đại học Kentucky (Mỹ) và Trường Đại học Bar-Ilan (Israel). Đây là dự án ứng dụng KH-CN mang tính dài hơi, với vốn đầu tư lớn nhưng lợi ích xã hội, khoa học và ý nghĩa môi sinh vô cùng lớn” - TS. Lê Quang Huy cho biết.

TS. Lê Quang Huy vẫn còn ấp ủ nhiều ý tưởng KN khác nhưng tạm thời anh chưa thể nói trước. Trải nghiệm thực tế, TS. Lê Quang Huy nhìn nhận bản thân có lợi thế là có nền tảng kiến thức khoa học, thông thạo 2 thứ tiếng (Anh, Pháp), được đào tạo tư duy logic và giải quyết vấn đề theo khoa học nhưng vẫn cảm thấy KN là điều không dễ, không nói là quá khó bởi nó liên quan đến ý tưởng, vốn đầu tư, trình độ chuyên môn, quản lý nên mang tính mạo hiểm rất cao. Khi một người đứng trước sự lựa chọn “5 ăn 5 thua” sẽ rất ngại thực hiện các ý tưởng KN nghiêm túc ngay cả khi là người có “rủng rỉnh” về tiền bạc. “Bởi thật sự KN không là màu hồng, trong 100 dự án KN, thành công được 5 dự án cũng là rất tốt. Do đó, KN không hề dễ dàng, nhiều khó khăn vô hình lẫn hữu hình và cần có trợ lực thực tế rất lớn từ Nhà nước ”- TS. Lê Quang Huy cho biết.

Phương châm của TS. Lê Quang Huy là hãy làm việc với cái lý trí khoa học và cái tâm của một con người. Anh rất thích câu châm ngôn của ông chủ Facebook “Rủi ro lớn nhất là không dám chấp nhận bất kỳ rủi ro nào”. Tương lai, TS. Lê Quang Huy mong các bạn trẻ sau khi đã đủ trải nghiệm, đủ tự tin và hoài bão, hãy đứng dậy KN. Bạn sẽ cảm nhận được thành công ngay cả khi đã thất bại nếu bạn biết rút kinh nghiệm và dám tự tin đi tiếp. TS. Lê Quang Huy cũng mong rằng, tỉnh nhà sẽ có một cơ quan chuyên trách “một cửa” để giúp KN, hỗ trợ về tinh thần, chính sách, vay vốn, quan hệ liên kết giữa nhà đầu tư tiềm năng và dự án KN để doanh nhân trẻ tập trung nhiều hơn vào dự án, nhằm đem đến tỷ lệ thành công cao hơn. TS. Lê Quang Huy cũng rất vui lòng chia sẻ về KN và hy vọng sẽ có cơ hội diễn thuyết các đề tài về KN, KH-CN, môi trường… (những lĩnh vực anh được đào tạo và trải nghiệm), có thể bắt đầu tại các trường tiểu học, trung học tại quê nhà ví như chủ đề phân loại rác...

THẾ ANH

.
.
.