Thứ Ba, 20/06/2017, 09:04 (GMT+7)
.

Hiệu quả của mô hình xen canh rau màu

Anh Võ Văn Thanh (ấp Tân Hòa, xã Tân Hương, huyện Châu Thành) gặt hái nhiều thành công nhờ áp dụng mô hình trồng xen canh rau màu kết hợp sáng kiến thiết bị phục vụ sản xuất, qua đó giúp mang lại cho anh nguồn thu nhập ổn định hằng năm.

Anh Võ Văn Thanh đang vận hành thiết bị tưới tại ruộng dưa.
Anh Võ Văn Thanh đang vận hành thiết bị tưới tại ruộng dưa.

XEN CANH - HIỆU QUẢ NHÂN ĐÔI

Nhận thấy hiệu quả từ việc canh tác thửa ruộng (diện tích 2.500 m2) không cao, qua tìm hiểu kỹ thuật canh tác được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng cùng một số nông dân có kinh nghiệm trồng rau màu, giữa năm 2016, anh Thanh quyết định chuyển toàn bộ diện tích đất trồng lúa sang trồng dưa leo. Để trồng dưa, anh tiến hành xắn hộc, đắp mô và bắc giàn cho dưa leo.

Tính từ đầu năm 2017 đến nay, anh Thanh đã canh tác được 2 vụ dưa, mỗi vụ anh thu hoạch khoảng 15 tấn trái. Với giá bán trung bình 6.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi vụ dưa anh thu lãi gần 40 triệu đồng. Anh Thanh cho biết, để canh tác dưa leo đạt hiệu quả, người trồng phải nắm vững kỹ thuật canh tác cũng như cách phòng trị một số bệnh thường gặp ở dưa như: Sau mỗi vụ thu hoạch, phải bơm ngập nước để ngâm đất, sau đó tháo nước, cuốc đất, bón vôi, sử dụng thuốc để diệt mầm bệnh trước khi bắt đầu vụ dưa tiếp theo; thường xuyên kiểm tra, phòng trị kịp thời bệnh sương mai làm thối lá, rệp sáp, rầy lửa… ăn ngọn làm giảm năng suất của dưa.

Đặc biệt, từ cuối vụ dưa thứ nhất, nhận thấy thời tiết có nhiều sương muối và nắng khá gay gắt có thể ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của dưa nên anh quyết định thử nghiệm trồng xen canh bầu cùng với thời điểm gieo hạt vụ dưa thứ hai. Khi vụ dưa kết thúc thì bầu cũng bắt đầu cho trái (khoảng 45 - 50 ngày). Hiện tại, mỗi ngày, thu hoạch từ 200 - 300 kg trái (giá bán 6 ngàn đồng/kg) và từ 15 - 20 kg ngọn bầu (20 ngàn đồng/kg), anh Thanh có thêm nguồn thu nhập trung bình trên 1 triệu đồng (thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 1,5 tháng). Nhờ áp dụng mô hình trồng xen canh dưa - bầu, chỉ tốn 1 lần chi phí phân, thuốc, công chăm sóc, trong khi dưa cho trái đẹp (lá bầu che mát cho dưa), bán được giá, lại có thêm nguồn thu từ bầu nên anh Thanh thu được hiệu quả gần như gấp đôi.

VÀ MỘT SÁNG CHẾ TỪ THỰC TIỂN

Trong quá trình canh tác rau màu, nhận thấy việc tưới dưa bằng biện pháp thủ công (dùng thau để tát), vừa tổn hao sức lực, vừa mất nhiều thời gian, nên anh Thanh nảy sinh ý tưởng sáng chế thiết bị tưới để thay thế sức người.

Thiết bị tưới rau màu do anh Thanh sáng chế có thể tưới ruộng dưa leo diện tích 2.500 m2 trong vòng 40 phút với lượng xăng tiêu hao chỉ khoảng 0,5 lít, trong khi nếu tưới thủ công (dùng thau để tát) phải mất thời gian tương đương 1 ngày công lao động.

Điểm đặc biệt của thiết bị này là có thể tự vận hành khi tưới. Khi vận hành, 2 vòi tưới (ống nước) 2 bên phun nước lệch về phía sau một góc khoảng 45 độ, nên tạo ra phản lực đẩy thiết bị tự di chuyển về phía trước. Ngoài ra, thiết bị này còn có thể sử dụng để tưới phân cho rau màu (được hòa tan dưới dạng nước), vừa đỡ tốn công, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết (mưa gây rửa trôi, nắng làm phân bốc hơi).

Anh Nguyễn Trúc Giang (xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành), một trong những khách hàng sử dụng thiết bị do anh Thanh sáng chế, nhận xét: Thiết bị tưới rau màu do anh Võ Văn Thanh sáng chế rất tiện dụng, qua sử dụng cho thấy thiết bị trên cho hiệu quả 3 trong 1 như vừa ít tốn nhiêu liệu khi vận hành, vừa tiết kiệm công lao động, có thể sử dụng để tưới phân cho rau màu rất hiệu quả, nhanh chóng. Ngoài ra, khi canh máy tưới, có thể tranh thủ thời gian để làm việc khác như: Nhổ cỏ, bắt ngọn, kiểm tra sâu bệnh… Nhờ sử dụng thiết bị trên để tưới ruộng dưa (diện tích gần 4.000 m2), vợ chồng anh tiết kiệm được nhiều thời gian để dành cho việc chăm sóc vườn tược, con cái... trong khi thu nhập lại tăng lên so với trước đây.

Sau khi sáng chế thành công thiết bị tưới đầu tiên, đến nay anh Thanh đã sản xuất và cung ứng được 10 thiết bị cho các hộ sản xuất rau màu ở trong và ngoài huyện. Hiện anh Thanh đã nảy sinh ý tưởng sáng chế giàn leo cho rau màu được thiết kế bằng thép (thép tròn, đế bêtông gọn, nhẹ) để thay cho trụ gỗ (thời gian sử dụng ngắn) nhằm kéo dài thời gian sử dụng; đồng thời có thể dễ dàng tháo lắp để xử lý đất khi kết thúc vụ màu.

HUỲNH VĂN XĨ

.
.
.