Thứ Bảy, 10/06/2017, 09:33 (GMT+7)
.

Mưa kéo dài, nông dân vất vả

Mưa liên tiếp đúng vào thời điểm các huyện phía Tây xuống giống vụ lúa hè thu chính vụ đã gây không ít khó khăn cũng như tiến độ gieo sạ của nông dân. Ngành chuyên môn cũng như nông dân đang ra sức khắc phục khó khăn do thời tiết, hạn chế tình hình dịch bệnh để vụ lúa được thắng lợi.

xcc
Nông dân xã Phú Nhuận xới đất để tiến hành gieo sạ vụ mới.

NHIỀU KHÓ KHĂN

Sau khi thu hoạch lúa hè thu sớm xong, nông dân trang thủ xuống giống ngay vụ lúa hè thu chính vụ. Tuy vậy, vụ lúa mới đã gặp trở ngại do mưa nhiều và kéo dài. Ông Nguyễn Văn Minh, ấp Hậu Phú 1, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè vừa xuống giống 1,2 ha lúa IR 50404 được 1 ngày thì gặp mưa liên tiếp, ruộng lúa mênh mông nước. Loay hoay móc lại các rãnh nước bị lấp trên ruộng, ông Minh cho biết: “Vừa thu hoạch xong thì gặp mưa, rơm rạ đốt rất khó khăn. Xuống giống lại gặp mưa nên hạt giống bị lún hết. Nếu mưa liên tiếp vài ngày nữa thì phải sạ lại”. Mấy ngày qua, gia đình ông Minh tốn gần 300.000 đồng cho tiền bơm tát, trên 500.000 đồng để mua giống về gieo sạ thêm những chỗ đất thấp và gần 1 triệu đồng để mua thuốc diệt ốc bươu vàng. “Mới vào đầu vụ mà đã tốn nhiều chi phí quá. Đây là vụ lúa quan trọng, nếu thời tiết thất thường kéo dài sẽ khó có lãi” - ông Minh tâm sự.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cái Bè cho biết: “Mưa lớn và kéo dài đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ xuống giống hè thu chính vụ của nông dân do rơm rạ không đốt được, vệ sinh đồng ruộng gặp nhiều khó khăn. Những ruộng lúa vừa xuống giống gặp mưa, tỷ lệ nẩy mầm thấp, nông dân lo lắng. Nếu nông dân vệ sinh đồng ruộng tốt, rút nước cho khô sau khi mưa thì thiệt hại không đáng kể”. Đến nay, huyện Cái Bè đã xuống giống được 10.000/17.000 ha lúa hè thu chính vụ. Nếu thời tiết thuận lợi, nông dân sẽ xuống giống dứt điểm trong 5 ngày tới.

Nông dân huyện Cai Lậy cũng đang tích cực vệ sinh đồng ruộng và xuống giống để kịp tiến độ xuống giống lúa hè thu chính vụ. Tuy nhiên, những trận mưa vừa qua đã gây không ít khó khăn cũng như tăng chi phí sản xuất của nông dân. Vừa xuống giống 0,6 ha lúa hè thu chính vụ xong gặp ngay trận mưa lớn, đồng ruộng lênh láng nước, ông Nguyễn Minh Đắng, ấp Phú Tiểu, xã Phú Nhuận nói: “Giờ chỉ mong mưa dứt nhanh để tôi bơm nước ra khỏi ruộng, đồng thời ngâm giống gieo sạ thêm vào những chỗ thấp, sình lầy nhiều. Có như vậy mới hy vọng lúa ít chết”.

Bà Trần Thị Nguyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy cho biết, huyện Cai Lậy đã xuống giống được 3.800/8.400 ha lúa hè thu chính vụ. Đợt mưa vừa qua, nông dân thiệt hại khoảng 10% do giống chết và chi phí bơm tát tăng.

Ông Trương Văn Cho, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khẳng định: “Mưa lớn đã ảnh hưởng đến tiến độ xuống giống. Về thiệt hại do mưa là không đáng kể; bởi người dân đa số sử dụng giống xác nhận, giống nguyên chủng nên tỷ lệ nẩy mầm rất cao, cho dù mới sạ gặp mưa. Nếu sau mưa, nông dân rút nước khô trên đồng thì tỷ lệ nẩy mầm của hạt giống vẫn cao. Nếu có thiệt hại là do nông dân chưa vệ sinh rơm rạ kỹ, lượng rơm rạ trên đồng còn nhiều, lượng nước sau mưa trên đồng còn nhiều”.

Sau cơn mưa, nhiều nông dân ra đồng móc lại các rãnh nước còn đọng trên đồng.
Sau cơn mưa, nhiều nông dân ra đồng móc lại các rãnh nước còn đọng trên đồng.

VỤ LÚA QUAN TRỌNG

Vụ lúa hè thu chính vụ có ý nghĩa rất lớn đối với nông dân trồng lúa ở các huyện phía Tây. Bởi đây là vụ lúa cuối cùng trong năm. Xong vụ lúa này, đất trồng lúa phải ngâm lũ khoảng 3 tháng. Sau khi thu hoạch, nông dân phải tính toán trữ lúa lại để ăn, tái sản xuất và tiền tiêu xài trong 6 tháng mới đến vụ lúa đông xuân. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nông dân phải cố gắng khắc phục để đảm bảo vụ lúa được thắng lợi. Ông Lê Văn Bảnh, ấp Phú Tiểu, xã Phú Nhuận cho biết, gia đình trồng chỉ có 0,4 ha lúa, nhưng phải nuôi sống đến 5 người. Trong những ngày qua, mưa lớn kéo dài đã khiến cho ông không thể đốt rơm ngay được. Ông cố gắng đợi trời nắng trở lại để tiếp tục phơi rơm khô để đốt, rồi mới tiến hành cày ải, vệ sinh đồng ruộng và gieo sạ. “Thà tôi xuống giống trễ hơn những hộ khác còn hơn làm vội vã, đốt rơm không hết, vệ sinh đồng ruộng không kỹ rất dễ xảy ra sâu bệnh, lúa thất mùa. Đây là vụ lúa quan trọng nên tôi phải cố gắng chăm chút”- ông Bảnh nói.  

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, vụ lúa hè thu chính vụ này, các huyện phía Tây dự kiến xuống giống khoảng 40.000 ha. Đến nay, nông dân đã xuống giống được khoảng 20.000 ha. Nếu thời tiết thuận lợi, diện tích còn lại sẽ xuống giống dứt điểm trong vài ngày tới.

Để vụ mùa được thắng lợi, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân căn cứ diễn biến rầy nâu kết hợp với chế độ thủy văn để dự kiến lịch thời vụ xuống giống “né” rầy và hạn chế chi phí đầu vụ. Đối với những diện tích lúa mới thu hoạch mà gặp mưa thì cần vệ sinh đồng ruộng, cày ải phơi đất. Theo ông Cho, đây là vụ lúa quan trọng nên nông dân phải theo dõi diễn biến của rầy nâu di trú, tình hình nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên trà lúa giai đoạn trổ, chín ở các khu vực lân cận để có kế hoạch xuống giống lúa tập trung theo từng khu vực, không xuống giống trong khu vực có lúa nhiễm bệnh chưa thu hoạch để hạn chế thấp nhất khả năng phát sinh, lây lan của bệnh.

Song song đó, nông dân cần áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý nước hợp lý để lúa sinh trưởng và phát triển tốt, tăng sức chống chịu, giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận. Ngoài ra, để bảo vệ lúa trước các đối tượng dịch hại, nông dân phải tích cực thăm đồng, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.

SĨ NGUYÊN

.
.
.