Thứ Sáu, 16/06/2017, 06:18 (GMT+7)
.

Start-up từ đâu?

Chưa bao giờ không khí khởi nghiệp (tên thông dụng hiện tại là start-up) lại sôi nổi như thời điểm hiện tại. Không chỉ chủ trương từ Trung ương mà ngay cả trên địa bàn Tiền Giang. Điều này một phần xuất phát từ chủ trương chung là xem doanh nghiệp là động lực cho sự phát triển của đất nước.

Hưởng ứng chủ trương chung đó, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, cùng với việc quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh một cách mạnh mẽ, lãnh đạo tỉnh cũng quan tâm rất lớn đến tinh thần khởi nghiệp (KN) thông qua các chủ trương, chính sách, để tinh thần KN được thực hiện một cách thiết thực và hiệu quả.

Một trong những hành động mang tính cụ thể hóa là Tỉnh đoàn vừa phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Chương trình Chủ tịch UBND tỉnh gặp gỡ thanh niên KN thanh niên 2017. Đi kèm với chương trình là giới thiệu một số tấm gương tiêu biểu, bước đầu thành công trong chặng đường KN vừa qua và định hướng trong thời gian tới.

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp.
Tinh thần khởi nghiệp đang được khơi dậy một cách mạnh mẽ.

Song song đó là các gói hỗ trợ tài chính từ các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đã được công bố nhằm hỗ trợ các mô hình KN đạt được hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới. Có lẽ đây là hoạt động mang tính khởi đầu nhằm khơi dậy tinh thần KN của thanh niên và từng bước lan tỏa ra các đối tượng khác.

Câu hỏi được đặt ra là KN bắt đầu từ đâu, yếu tố nào có thể tác động, cũng như làm thế nào để đạt hiệu quả cao cũng đang là vấn đề cần được phân tích từ nhiều góc nhìn khác nhau. Trước tiên, theo khái niệm một cách chung nhất, KN (tiếng Anh là startup hoặc start-up) là thuật ngữ chỉ về những công ty đang trong giai đoạn bắt đầu kinh doanh nói chung, nó thường được dùng với nghĩa hẹp chỉ các công ty công nghệ trong giai đoạn lập nghiệp. KN là một tổ chức được thiết kế nhằm cung cấp sản phẩm và dịch vụ trong những điều kiện không chắc chắn nhất.

Còn theo ông Bùi Thế Duy, Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và công nghệ cho rằng: “Doanh nghiệp KN phải dựa trên một công nghệ mới hoặc tạo ra một hình thức kinh doanh mới, xây dựng một phân khúc thị trường mới, nghĩa là phải tạo ra sự khác biệt không chỉ ở trong nước mà với tất cả công ty trên thế giới”. Nếu nhìn vào góc độ này, start-up bắt đầu từ những ý tưởng kinh doanh mới và mang tính khác biệt hơn và dựa trên nền tảng công nghệ mới.

Tất nhiên, KN không chỉ đơn thuần ở ý tưởng kinh doanh mới, mang tính khác biệt mà còn chịu nhiều yếu tố tác động khác liên quan đến nguồn lực con người, tài chính và cả môi trường kinh doanh, vùng đất “ươm mầm” cho những chồi non phát triển. Khi đặt vấn đề về KN, nhiều người nghĩ đến điểm khởi đầu để thực thi các ý tưởng mới nhưng nếu soi rọi lại cũng còn những góc nhìn khác.

g
Tạo môi trường thông thoáng để các dự án khởi nghiệp mang lại hiệu quả.

Theo giám đốc một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều năm tham gia thương trường, KN nên bắt đầu từ những doanh nghiệp đã và đang hoạt động nhằm hỗ trợ và khơi dậy thêm những ý tưởng mới trong quá trình sản xuất – kinh doanh hơn là bắt đầu từ những doanh nghiệp mới hoàn toàn.

Ông lý giải nguyên nhân rằng, những người có nhiều năm tham gia trên thương trường họ đã hiểu được “luật chơi” của thị trường, với vốn kinh nghiệm hiện hữu và một số ít vốn đã được tích lũy, cơ hội hoàn thành các ý tưởng KN sẽ tốt hơn những người mới hoàn toàn bước vào thương trường. Từ đó, các nguồn lực, nhất là vốn, để hỗ trợ KN từ chủ trương của Nhà nước nên chú trọng hơn vào nhóm doanh nghiệp có tiềm lực hiện hữu để tạo thêm động lực mới, đi kèm với đó là khả năng thu hồi nguồn vốn hỗ trợ sẽ khả thi hơn.

“Tất nhiên, những ý tưởng sản xuất - kinh doanh mới liên quan đến câu chuyện KN cũng có thể kết nối giữa những người có kinh nghiệm và những người nảy sinh ra những ý tưởng mới, như vậy cơ hội thành công sẽ cao hơn”- vị giám đốc này phân tích.

Câu chuyện KN cũng cần được khơi gợi từ môi trường một cởi mở và năng động hơn. Bởi thật sự KN không chỉ là màu hồng, trong 100 dự án start-up, thành công được 5 dự án cũng là điều rất tốt. Do đó, chính môi trường và các cơ chế hỗ trợ sẽ là nơi ươm mầm tốt nhất cho các dự án KN đâm chồi nảy lộc.

Còn theo TS. Lê Quang Huy để chuẩn bị cho phong trào KN trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, tỉnh cần có một cơ quan chuyên trách “một cửa” để giúp start-up, hỗ trợ về tinh thần, chính sách, vay vốn, quan hệ liên kết giữa nhà đầu tư tiềm năng và dự án start-up để những người bắt đầu KN tập trung nhiều hơn vào dự án, nhằm đem đến tỷ lệ thành công cao hơn...

ANH PHƯƠNG

.
.
.