Thứ Hai, 12/06/2017, 10:55 (GMT+7)
.

Tích tụ ruộng đất, tháo "nút thắt" từ đâu?

Tích tụ ruộng đất quy mô lớn nhằm thu hút các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vốn, đưa máy móc, thiết bị hiện đại, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất hàng hóa; hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến bao tiêu sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo tiền đề thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, việc tích tụ ruộng đất hiện nay còn chậm và đang là “nút thắt” cản trở sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Tích tụ ruộng đất đang gặp “nút thắt”.
Tích tụ ruộng đất đang gặp “nút thắt”.

Thực trạng sản xuất nông nghiệp của tỉnh hiện nay chủ yếu vẫn dựa trên quy mô hộ gia đình, với đặc trưng là đất hẹp, người đông, bình quân diện tích đất nông nghiệp 0,57 ha/hộ (Đồng bằng sông Cửu Long 1,41 ha/hộ); sản xuất nhỏ lẻ, manh mún: Có 16,63% hộ có diện tích dưới 0,2 ha; 28,39% hộ có diện tích canh tác từ 0,2 đến dưới 0,5 ha; 43,74% hộ có diện tích từ 0,5 đến dưới 2 ha; 11,22% hộ có diện tích từ 2 ha trở lên (theo kết quả điều tra nông nghiệp, nông thôn, thủy sản năm 2017). Để khuyến khích việc tích tụ, tập trung đất đai trong sản xuất nông nghiệp, theo ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất theo hướng quy mô lớn như: Chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, khuyến khích phát triển các mô hình liên kết trong sản xuất, hình thành Cánh đồng lớn (CĐL).

Thực tế cho thấy, mô hình trang trại đang chiếm ưu thế so với các mô hình tích tụ ruộng đất khác ngoài hộ gia đình. Trên địa bàn tỉnh hiện có 410 trang trại, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2011. Quy mô trang trại bình quân từ 2 - 2,5 ha/trang trại, trong đó quy mô trang trại có diện tích lớn nhất thuộc lĩnh vực trồng trọt với bình quân 15,3 ha/trang trại; quy mô trang trại có diện tích thấp nhất thuộc lĩnh vực chăn nuôi với bình quân 0,7 ha/trang trại.

Thời gian qua, diện tích đất sử dụng bình quân của trang trại ngày càng tăng với quy mô 865,09 ha. Trong đó, các trang trại nuôi trồng thủy sản sử dụng đất nhiều nhất với diện tích 349 ha. Điều này cho thấy xu hướng tích tụ ruộng đất ngày càng tăng. Còn mô hình tập trung ruộng đất qua phát triển kinh tế hợp tác như tổ chức sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, khuyến khích liên kết sản xuất theo mô hình phát triển hợp tác xã xây dựng CĐL.

Thực tiễn cũng cho thấy, việc xây dựng CĐL là hướng đi phù hợp để phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán. Đồng thời, xây dựng CĐL còn thực hiện nội dung cơ bản của xây dựng nông thôn mới là đổi mới tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế và góp phần thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 23 CĐL với diện tích bình quân 30 ha/cánh đồng, tổng diện tích liên kết sản xuất từ năm 2013 đến nay lên đến 1.591 ha.

Tuy nhiên, việc tích tụ ruộng đất đang gặp “nút thắt” cần Nhà nước tháo gỡ. Ông Trịnh Công Minh cho rằng: “Nhà nước cần ban hành cơ chế, chính sách làm rõ cơ sở pháp lý về hộ nông dân, nhất là hộ kinh tế nông trại quy mô lớn và quyền, lợi ích trong sử dụng đất, thu hồi đất, sử dụng quyền sử dụng đất trong thừa kế, vay vốn tín dụng, tham gia liên doanh, liên kết, đóng góp cổ phần. Quy hoạch đất đai nông nghiệp ổn định, đồng bộ với quy hoạch dịch vụ, tổ chức khoa học và công nghệ, thương mại, công nghiệp chế biến ... thành những cụm công - nông nghiệp. Nhà nước giao đất dài hạn cho nông dân từ 50 đến 70 năm; ở các vùng nông nghiệp ổn định nên giao đất lâu dài”.

Ngoài ra, Nhà nước cần quy hoạch hộ sản xuất quy mô lớn, thúc đẩy mạnh mẽ tích tụ và tập trung ruộng đất quy mô lớn để phát triển mô hình nông nghiệp hiện đại; có các giải pháp thúc đẩy nông dân tự nguyện dồn điền đổi thửa, tích tụ và tập trung ruộng đất thành CĐL; thúc đẩy quá trình tập trung ruộng đất cùng với phát triển liên kết ngang giữa nông dân cũng như giữa nông dân và doanh nghiệp; có quy định công nhận đơn vị sản xuất hộ nông dân, kinh tế nông trại, hạn chế việc có quyền sử dụng đất nhưng không trực tiếp sản xuất mà cho thuê. Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích việc hình thành các trung tâm phát triển quỹ đất để nhận quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân, sau đó cho các doanh nghiệp thuê để sản xuất; nghiên cứu thí điểm xây dựng mô hình ngân hàng đất đai, trong đó các hộ gia đình, cá nhân gửi đất vào ngân hàng và được hưởng các lợi ích từ đất.

SĨ NGUYÊN

.
.
.