Thứ Hai, 31/07/2017, 15:54 (GMT+7)
.

Để hàng Việt tiếp tục được tin dùng

Hiện nay, hàng hóa sản xuất trong nước ngày càng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn nhiều hơn khi mua sắm. Nhưng để người tiêu dùng tin dùng rộng rãi hơn thì hàng Việt phải không ngừng nâng cao sức cạnh tranh về chất lượng và giá bán.

Các siêu thị, cửa hàng bách hóa trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 85% hàng hóa sản xuất trong nước được bày bán.
Các siêu thị, cửa hàng bách hóa trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 85% hàng hóa sản xuất trong nước được bày bán.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 85% số sản phẩm hàng hóa Việt Nam được bày bán ở hệ thống siêu thị, cửa hàng bách hóa và ở chợ truyền thống là khoảng 65% - 70%.  Tại các vùng nông thôn, người dân cũng đã quen dùng và ưa chuộng hàng hóa sản xuất trong nước. Nhiều doanh nghiệp đã ý thức được việc đầu tư sản xuất phục vụ thị trường trong nước là đầu tư có hiệu quả và cần được thực hiện một cách bài bản, lâu dài. Tuy nhiên, hiện nay hàng Việt vẫn chưa khai thác được tối đa thị trường trong nước, cũng như thị trường tỉnh Tiền Giang. Theo đó, trên thị trường vẫn có nhiều hàng hóa nhập khẩu, thậm chí từ những vật dụng nhỏ, dễ sản xuất. Tình trạng này có phải do hàng hóa sản xuất trong nước có mẫu mã, chủng loại chưa phong phú, chất lượng và giá cả chưa có sức cạnh tranh cao với hàng nhập khẩu?

Không thể phủ nhận hạn chế trên, song đại diện một số doanh nghiệp cho biết, việc hàng nhập khẩu, hàng giả, hàng nhái giá rẻ còn lưu thông trên thị trường đã khiến các đơn vị này bị giảm sản lượng hàng hóa bán được, không còn nhiều động lực để mở rộng sản xuất, cải tiến công nghệ. Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao từng cho biết, càng ở vùng sâu, vùng xa thì các mặt hàng không có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác rõ ràng, hàng nhái càng xuất hiện nhiều và len lỏi rất sâu, tạo ra áp lực cạnh tranh, ảnh hưởng nhiều đến những thương hiệu hàng hóa sản xuất trong nước có chất lượng; đồng thời cũng làm giảm lòng tin hàng Việt của người dân.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, thời gian qua, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn còn thiếu tính bền vững, chưa tạo lập được kênh phân phối vững chắc tại các địa bàn nông thôn. Nhiều doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, đặc biệt là kỹ năng chăm sóc khách hàng, kinh nghiệm thực hiện xúc tiến thương mại nên hiệu quả trong hoạt động xúc tiến thương mại chưa cao. Vẫn còn một số doanh nghiệp lợi dụng khuyến mại để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn, hàng cũ, hàng nhái, hàng sắp hết hạn sử dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của người tiêu dùng; đồng thời làm giảm ý nghĩa thiết thực của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Trước thực tế trên, cũng giống như nhiều người tiêu dùng khác, bà Nguyễn Thu Cẩm, ở phường 5 (TP. Mỹ Tho) cho rằng, để người tiêu dùng thực sự tin yêu hàng Việt, trách nhiệm rất lớn thuộc về doanh nghiệp. “Các nhà sản xuất cần đưa ra được các sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường, chia sẻ với người tiêu dùng những khó khăn hiện nay để có mức giá thích hợp nhất” - bà Cẩm nói. Trong khi đó, Sở Công thương lại cho rằng, 2 mục tiêu quan trọng cần tiếp tục giữ vững trong quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là không ngừng nâng cao sức cạnh tranh về chất lượng và giá bán của hàng Việt, tạo lập kênh phân phối rộng khắp, vững chắc, nhất là tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

HỮU NGHỊ

.
.
.