Thứ Sáu, 14/07/2017, 10:45 (GMT+7)
.

Khởi nghiệp: Kinh nghiệm và chia sẻ

ÔNG NGUYỄN ĐÌNH THÔNG, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ: Định hướng KN và chủ trương, chính sách của tỉnh

Từ thực trạng KN, chính sách hỗ trợ KN và nắm bắt được những khó khăn của thanh niên, những nhà KN rất tiềm năng; thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành xong Đề án thành lập Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp (DN), Hội đồng Hỗ trợ KN, Quỹ Hỗ trợ KN, mạng lưới Câu lạc bộ KN… nhằm tăng cường hỗ trợ các hoạt động KN, giúp giảm thiểu những khó khăn trong quá trình huy động nguồn lực, tăng xác suất KN thành công và tăng cường khả năng cạnh tranh cho các ý tưởng KN… Một số giải pháp cụ thể tỉnh sẽ triển khai để hỗ trợ KN là:

Ngân hàng Sacombank ký kết giải ngân vốn 550 triệu đồng hỗ trợ 5 dự án khởi nghiệp.
Ngân hàng Sacombank ký kết giải ngân vốn 550 triệu đồng hỗ trợ 5 dự án khởi nghiệp.

- Thành lập Trung tâm Hỗ trợ DN nhằm hỗ trợ tất cả các vấn đề về thủ tục hành chính, thẩm định dự án, hướng dẫn quy trình, thủ tục thành lập DN, hoạt động đào tạo liên quan hoạt động KN. Hỗ trợ các kỹ năng liên quan đến hoạt động kinh doanh... nhằm tăng khả năng tồn tại và tính cạnh tranh của nhà KN.

- Thành lập Hội đồng Hỗ trợ KN để định hướng cho hoạt động KN; hỗ trợ, thẩm định các ý tưởng, đề án, dự án KN.

- Thành lập Quỹ Hỗ trợ KN nhằm tăng cường hỗ trợ vốn cho các nhà KN là chính các bạn. Trong đó, những ý tưởng, đề án, dự án tốt, chứng minh được khả năng cạnh tranh sẽ được ưu tiên hỗ trợ.

- Thành lập mạng lưới Câu lạc bộ KN thuộc Tỉnh đoàn, trường đại học, cao đẳng và ở mỗi huyện, thành, thị… là nơi sinh hoạt, trao đổi, hợp tác giữa các bạn KN và là cầu nối với Hội đồng Hỗ trợ KN, với các cơ quan chính quyền các cấp.

- Nghiên cứu xây dựng Cổng Thông tin KN tỉnh để cung cấp thông tin cần thiết, kịp thời cho hoạt động KN trên địa bàn tỉnh...

ÔNG NGUYỄN VĂN ĐẠO, CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DN TIỀN GIANG: Phải xây dựng được tư duy mới

Chủ trương chung của Đảng và Nhà nước hiện nay là phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời kêu gọi KN để được nhiều DN cùng phát triển. KN hiện nay không chỉ ở Việt Nam mà là trào lưu của các nước Đông Nam Á. Tất nhiên, trong điều kiện hiện nay, Việt Nam cũng cần nhiều DN hơn nữa nên KN trở thành vấn đề quan trọng để thúc đẩy sự ra đời của các DN. Một điều cũng cần phải thừa nhận là thời gian qua có những thời điểm kinh tế tư nhân không được đặt nặng. Tuy nhiên, thực trạng chung hiện nay là DN tư nhân còn rất nhỏ lẻ, yếu kém trên nhiều lĩnh vực như vốn, thị trường, kiến thức về kinh doanh. Nếu được quan tâm đúng mức, phát huy được vai trò của kinh tế tư nhân sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để KN thành công, điều đầu tiên là phải xây dựng được tư duy mới, mạnh dạn “bước ra khơi”, cải tiến trang thiết bị mang tính đón đầu nhằm giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh; đồng thời KN nên hướng đến lĩnh vực kinh doanh rộng hơn. Thực tế cho thấy, phần lớn DN tư nhân, cả KN trong khu vực và trên địa bàn tỉnh thời gian qua chủ yếu tập trung vào sản xuất, nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp là chính do lợi thế về mặt tự nhiên, địa lý. Tuy nhiên, những dự án mới cũng cần mạnh dạn tìm các đối tác nước ngoài để được hỗ trợ về thị trường, được tư vấn nhóm sản phẩm cần sản xuất, quản trị chất lượng, nguồn vốn. Điều quan trọng là nên nhìn nhận yếu tố thị trường, cách thức quản trị, điều tiết chi phí sản xuất, quản lý chất lượng quan trọng hơn là nguồn vốn đầu tư. Nếu KN mà tư tưởng phụ thuộc quá nhiều vào đồng vốn sẽ trở thành rào cản lớn.

CHỊ NGUYỄN THỊ UYÊN TRANG, BÍ THƯ TỈNH ĐOÀN: Chấp nhận thử thách và tự tin trải nghiệm

Khi đặt KN vào thực tế các phong trào và hoạt động thực tiễn của các địa phương thì xuất hiện rất nhiều khó khăn, vướng mắc và trở thành rào cản đối với chương trình KN của thanh niên hiện nay.
Trước hết, dự án KN chưa thể hiện được tính chiều sâu và ít có ý tưởng mang tính đột phá, do vậy còn gặp khó khăn trong việc tranh thủ các chương trình hỗ trợ KN trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là tư duy liên kết các mô hình để tỷ lệ thành công cao hơn chưa được chú tâm, chủ yếu xuất hiện nhỏ lẻ, theo tính chất đáp ứng nhu cầu tại địa phương.

Thanh niên khi tham gia KN đều xác định được chí hướng và mục đích khi đề ra giải pháp thực hiện cho bản thân. Đó là phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng và thu hút nhiều đoàn viên, thanh niên tham gia thực hiện nhiệm vụ xây dựng hệ sinh thái KN theo đặc thù của địa phương. Bên cạnh đó, trình độ của đoàn viên, thanh niên được nâng lên, lực lượng tri thức trẻ đang có chí hướng lập nghiệp tại quê hương ngày càng nhiều góp phần làm phong phú thêm hoạt động KN của thanh niên. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ hiện nay khi xây dựng một mô hình, dự án kinh tế thường gắn liền suy nghĩ với vấn đề lợi nhuận nhanh, mô hình mau đạt được kết quả mà bỏ qua tính bền vững, lâu dài của mô hình. Vì vậy, hiện tượng KN nhỏ lẻ, manh mún, không nằm trong quy hoạch cũng xuất hiện ngày càng nhiều.

Một vấn đề quan trọng khác nữa là thanh niên KN hiện nay còn khá cầu toàn, chưa mạnh dạn thử thách, chưa tự tin trải nghiệm, chưa sẵn sàng gia nhập cộng đồng KN của tỉnh và khu vực. Nhất là tư tưởng ngại thất bại cũng là vật cản khiến cho môi trường KN của tỉnh nhà chưa thật sự năng động. Bên cạnh đó, đa số thanh niên còn trông chờ vào nguồn vốn để bắt đầu KN mà chưa tự mình bắt đầu với năng lực nội tại và sự sáng tạo của bản thân...

   P. ANH - C. THẮNG

.
.
.