Thứ Sáu, 14/07/2017, 10:44 (GMT+7)
.

Ý tưởng và đích đến trong khởi nghiệp

Trên địa bàn tỉnh hiện có rất nhiều ý tưởng KN trên nhiều lĩnh vực khác nhau và thường tập trung vào giới trẻ. Tuy nhiên, với họ làm gì để thành công và cả vượt qua những điểm nghẽn trong chặng đường KN cũng là một bài toán thực sự không đơn giản.

Hoạt động của Tổ hợp tác Hoa tươi trang trí Long Phụng.
Hoạt động của Tổ hợp tác Hoa tươi trang trí Long Phụng.

Câu chuyện của anh Trần Hoàng Chúc, xã Đạo Thạnh (TP. Mỹ Tho) cũng là một trong nhiều ý tưởng chung nằm trong sân chơi KN. Theo anh Trần Hoàng Chúc, hiện nay nhu cầu thực phẩm sạch, an toàn đang là một vấn đề đáng được quan tâm. Tuy nhiên, với hiện trạng người mua đang đặt niềm tin vào những lời giới thiệu của người bán, còn người bán thực tế không nắm được nguồn gốc sản phẩm bán ra, nên anh đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng về mô hình “Trồng rau sạch” để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Ban đầu tìm hiểu và thực hiện theo mô hình này, anh cũng gặp phải không ít khó khăn, nhất là nguồn vốn và sau đó là dụng cụ, giống cây, nhân công, nơi tiêu thụ…

Tuy nhiên, nhận được sự quan tâm, vận động của nhiều người, anh đã mạnh dạn cải tạo vườn nhà, với diện tích khoảng 100 m2 làm thí điểm mô hình “Trồng rau sạch”. Sau những khó khăn và thất bại, hiện nay mô hình đã mang lại lợi nhuận và đã đầu tư được hệ thống nhà lưới để nâng cao chất lượng rau. “Trong thời gian tới, tôi dự định sẽ chuyển đổi sang mô hình thủy canh và khí canh, rễ cây được nằm hoàn toàn trong không khí nên hấp thụ oxy và dinh dưỡng tốt hơn.

Ngoài ra, tôi sẽ đăng ký mô hình, bao bì đóng gói sau thu hoạch, nhân rộng mô hình và chia sẻ kinh nghiệm cho những thanh niên có nhu cầu phát triển kinh tế, giúp nhiều thanh niên của địa phương có việc làm ổn định hơn”- anh Chúc cho biết.

Còn đối với anh Cao Chí Tâm, xã Mỹ Lương (huyện Cái Bè) cũng bắt đầu ý tưởng KN ngay từ chính quê hương mình. Nghiên cứu và học tập từ những nông dân có kinh nghiệm của địa phương, anh Tâm đã mạnh dạn đầu tư trồng cây bưởi da xanh, với diện tích 4.000 m2. Với 150 cây bưởi hiện đang cho trái, sản lượng bình quân 7,5 tấn/năm, anh thu nhập bình quân 350 triệu đồng/năm.

Từ mô hình trồng bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế đã giúp anh nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, an tâm cho công tác xã hội. Tuy nhiên, theo anh Tâm, bưởi da xanh là loại cây khó tính nên dễ bị rủi ro, vốn đầu tư cao nhưng thương hiệu và đầu ra chưa mang tính ổn định. Sản xuất của mô hình còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ nên thường xuyên bị thương lái ép giá. Đặc biệt là giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến người sản xuất.

“Trước những thực trạng như hiện nay, tôi mong cơ quan chức năng có giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm điều tiết đầu ra sản phẩm và bình ổn giá cả vật tư nông nghiệp một cách phù hợp, mang lại lợi ích cả đôi bên”- anh Tâm cho biết.

Chặng đường KN của anh Cao Hữu Tài, Tổ trưởng Tổ hợp tác Hoa tươi trang trí (Shop hoa) Long Phụng lại là một câu chuyện khác. Tốt nghiệp ngành Điện lạnh nhưng với niềm đam mê nghệ thuật trang trí hoa tươi, chưng nghi, tạo hình nghệ thuật bằng hoa tươi và trái cây truyền thống, anh đã mạnh dạn kết hợp với một số người bạn có chung niềm đam mê để thành lập Câu lạc bộ (CLB) Chưng nghi trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên phường 9 (TP. Mỹ Tho). Sau một thời gian hoạt động, các anh em trong CLB đã bàn bạc và quyết định thành lập mô hình kinh tế từ CLB lấy tên là Tổ hợp tác Hoa tươi trang trí (Shop hoa) Long Phụng.

Mô hình này mới được thành lập, khó cạnh tranh đối với những shop hoa khác nên tổ hợp tác chỉ tập trung vào những sản phẩm mà nhiều người chưa làm tới như: Mô hình hoa để bàn văn phòng (cho mượn bình và giao hàng tận nơi vào thứ hai hằng tuần chỉ với 20.000 đồng/lần), sản phẩm hoa tặng sinh viên học sinh, đặc biệt phát triển nghệ thuật chưng nghi và trang trí tiệc cưới đã góp phần duy trì tổ hợp tác và hỗ trợ các thành viên trang trải cuộc sống.

Tuy nhiên, theo anh Tài, vấn đề khó nhất hiện nay là nguồn vốn để mở rộng mô hình, nhất là các nguồn vốn ưu đãi cho thanh niên KN. Tất nhiên, khi bước vào môi trường kinh doanh, những kiến thức quản lý doanh nghiệp là rất cần thiết nhưng đa số thanh niên còn yếu về lĩnh vực này.

Với chủ trương khuyến khích và khơi vậy tinh thần KN từ Trung ương xuống địa phương được triển khai một cách mạnh mẽ như hiện nay đã thúc đẩy phong trào KN trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhiều ý tưởng, dự án KN đã và đang được nảy mầm, đơm hoa kết trái. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy rằng, không phải bất kỳ dự án KN nào cũng mang đến thành công, bởi KN hàm chứa rất nhiều yếu tố.

Nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, cần hiểu đúng về KN và giá trị KN. Điều này giúp mỗi người, nhất là thanh niên sẽ có lựa chọn đúng ý tưởng và mô hình kinh doanh để thực hiện đam mê, hoài bão của mình mà không bị ảo tưởng, xa rời thực tế. Bởi thực tế hiện nay vẫn còn cách hiểu chưa đúng về KN kinh doanh, đều ngầm hướng tới các “start-up” - những doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ công nghệ hoặc những sáng tạo mang tính đột phá. KN còn bao gồm việc thành lập và phát triển các mô hình, cơ sở sản xuất - kinh doanh nhỏ, các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

P. ANH - C.THẮNG

.
.
.