Thứ Sáu, 25/08/2017, 21:12 (GMT+7)
.

Nghề đục hàu trên biển Gò Công

Cần mẫn, lẳng lặng lần theo từng mỏm đá ven đê biển Gò Công để mưu sinh, những phụ nữ nơi đây đã gắn bó với nghề đục hàu lấy ruột như cái duyên, cái nợ từ nhiều năm nay. Loài hàu bám vào ven đê biển tưởng chừng bỏ đi lại là nguồn thu nhập của không ít phụ nữ xứ biển trong những lúc nông nhàn.
Đã nhiều lần trải nghiệm hành trình mưu sinh cùng người dân xứ biển Gò Công, chúng tôi vẫn tưởng những con hàu sần sùi, sắc lẹm như dao lam chỉ là các mảnh vỏ vô tri, vô giác. Nhưng đâu ngờ, nó là loài mang đến thu nhập cho người dân nơi đây. Không ai nhớ rõ nghề đục hàu lấy ruột ở đê biển Gò Công có từ khi nào, chỉ biết rằng khi đê biển được gia cố bằng bê tông là đã có hàu bám vào. Thoạt nhìn, nhiều người sẽ lầm tưởng đây là vô số mảnh vỏ nằm chen chúc lên nhau. Tuy nhiên, ít người biết rằng sự sống hằng ngày vẫn được duy trì nơi những mảnh vỏ này.

Nghề đục hàu lấy ruột gắn liền với không ít phụ nữ xứ biển Gò Công.
Nghề đục hàu lấy ruột gắn liền với không ít phụ nữ xứ biển Gò Công.

Hàu ở ven biển không to như hàu nuôi, chỉ bằng ngón chân cái trở lại. Những người làm nghề này hầu hết là phụ nữ. Những lúc cao điểm có đến khoảng 20 người đi đục hàu lấy ruột và hầu hết họ đến từ các xã ven biển như: Tân Thành, Tân Điền… Chị Trần Thị Đẹp (xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông) có thâm niên 5 năm trong nghề đục hàu chia sẻ: “Nghề này cũng như “lượm bạc cắc” vậy, phải kiên nhẫn, chịu khó mới làm được. Đặc biệt, người làm nghề phải nhanh tay để khi thủy triều dâng lên là không làm được nữa”. “Vậy làm sao để biết được hàu chắc hay ốp?” - chúng tôi hỏi. Chị Đẹp giải thích: “Khi đục, nếu trúng hàu chắc thì nước sẽ có màu như sữa, còn không là ốp”. Nói rồi chị chỉ tay về những mỏm đá lởm chởm phía xa và nói: “Thấy nghề này nhẹ nhàng vậy chứ cũng vất vả lắm. Chúng tôi bị hàu làm đứt tay, chân như ăn cơm bữa”.

Như nhiều nghề biển khác, nghề đục hàu cũng phụ thuộc vào các con nước. Khi nước rút xuống, cánh phụ nữ ven biển lại rủ nhau ra đê biển đục hàu. Đồ nghề là những cái búa nhỏ với cái lưỡi tròn và nhọn. Họ chỉ có việc gõ vào nơi hàu đang bám là có thể lấy được ruột của chúng. Chị Nguyễn Thị Phượng Loan (ấp Kinh Ngang, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông) có 20 năm gắn bó với nghề đục hàu tâm niệm: “Người dân ven biển từ nhiều đời nay bám biển để mưu sinh. Từ lúc sinh ra đến giờ, biển luôn gắn bó với cuộc sống của chúng tôi. Mỗi người mỗi nghiệp khác nhau, riêng tôi chọn cái nghề đục hàu lấy ruột này. Ngoài chăn nuôi, thu nhập từ nghề đục hàu lấy ruột đã giúp tôi có thêm thu nhập, lo cho 2 đứa con ăn học”.

Mỗi chuyến đi đục hàu kéo dài khoảng 3 - 4 giờ, mỗi người có thể thu được khoảng 3 - 4 kg ruột hàu. Ruột hàu có giá khoảng 80 ngàn đồng/kg (để làm món cháo hàu), trung bình mỗi chuyến đi, một người có thể kiếm được khoảng 200.000 đồng. Mặc dù số tiền thu về từ cái nghề “lượm bạc cắc” này không lớn nhưng đã giúp cho không ít người dân nơi đây tăng thêm nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống.
 Mùa này, mưa giông thường xuyên xuất hiện. Bãi biển Gò Công bỗng chốc bị mây đen bao phủ. Chúng tôi cùng những người đi đục hàu phải chạy trú mưa. Trên tay của họ là những xô ruột hàu nặng trĩu. Đó là thành quả sau những giờ cần mẫn đục hàu. Những lúc nông nhàn, cái nghề tưởng chừng nhẹ nhàng mà vất vả này là “cứu cánh” cho nhiều chị em nơi xứ biển.

MINH THÀNH

.
.
.