Thứ Năm, 19/10/2017, 09:13 (GMT+7)
.

Đa dạng đồ dùng đi phượt

Đi phượt đang trở thành một trào lưu, đặc biệt là ở giới trẻ. Để đảm bảo an toàn trong những chuyến đi, dụng cụ bảo hộ là một phần không thể thiếu. Để đáp ứng nhu cầu này, thị trường đồ dùng đi phượt ngày càng có nhiều sản phẩm mới.

Dụng cụ đi phượt với nhiều sản phẩm đa dạng.
Dụng cụ đi phượt với nhiều sản phẩm đa dạng.

Đi phượt là hình thức du lịch “bụi” được nhiều người lựa chọn. Các “phượt thủ” sẽ di chuyển đến các địa điểm mong muốn bằng xe máy, những nơi càng ít người lui tới càng được dân đi phượt lựa chọn. Chính việc di chuyển trên những địa hình nhiều “nắng gió” hay “trèo đèo, lội suối” nên dụng cụ bảo hộ hết sức cần thiết. Hiện nay, thị trường dụng cụ đi phượt khá đa dạng với nhiều mẫu mã mới. Nón bảo hiểm, khăn đa năng, kính chống nắng, găng tay là những dụng cụ phổ biến đối với dân đi phượt.

Ghi nhận tại shop phượt Ruby (đường Hoàng Việt, phường 5, TP. Mỹ Tho), nhiều đồ dùng đi phượt với mức giá từ vài chục ngàn đồng cho đến vài triệu đồng được bày bán tại đây. Chị Lương Hồng Ngọc, chủ shop phượt Ruby cho biết, thông thường nón bảo hiểm, găng tay, ba lô... là những đồ dùng thiết yếu để phục vụ cho việc đi phượt. Ngoài ra, còn có các dụng cụ bổ trợ khác như kính chống nắng, giày, dây đeo... Tùy theo địa điểm, địa hình mà các “phượt thủ” sẽ chọn những đồ dùng tương thích. Các đồ dùng có tính năng chống thấm nước như giày, dép, ba lô thường được chọn trong những ngày mưa. Đối với địa hình như đồi núi, những loại giày với độ bám tốt là những người “bạn đồng hành” lý tưởng đối với dân đi phượt.

Có thể nói, hiện nay, một trong những đồ dùng thông dụng nhất mà các “phượt thủ” trang bị là nón bảo hiểm. Các loại nón này có giá từ 200.000 đồng đến khoảng 3 triệu đồng. Đối với các loại nón có bảo hành thì có mức giá từ 400.000 đồng trở lên. Chị Ngọc cho biết thêm, thông thường các loại nón từ 400.000 - 500.000 đồng được các khách hàng ưu chuộng, còn sinh viên thường chọn mức giá khoảng 200.000 đồng. Phải nói rằng đi phượt ngày càng thu hút được nhiều người tham gia. Đi đôi với trào lưu này, các cửa hàng đồ dùng đi phượt cũng mọc lên ngày càng nhiều, từ đó chia nhỏ thị phần. Hiện khách hàng của shop chủ yếu là những khách quen và thông qua bạn bè giới thiệu.

Anh Đào Minh Tân có hơn 3 năm trải nghiệm đi phượt chia sẻ: “Đi phượt là một trong những đam mê của tôi. Địa điểm xa nhất mà tôi từng đến là TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận). Do di chuyển bằng xe máy trong một quãng đường dài nên đi phượt cần có những dụng cụ bảo hộ. Hiện nay, tôi thấy thị trường đồ dùng đi phượt ngày càng phong phú với nhiều sản phẩm mới. Do còn sinh viên nên tôi thường chọn các dòng sản phẩm với mức giá bình dân phù hợp với túi tiền”.

M. THÀNH

.
.
.