Thứ Ba, 10/10/2017, 09:04 (GMT+7)
.

Nông sản của Tiền Giang vẫn khó vào siêu thị

Sản lượng cung ứng và chất lượng không ổn định là những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều nông sản khó vào được siêu thị.

NHIỀU “CHÔNG CHÊNH”

Thời gian qua, Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Gò Công là một trong những đơn vị cung cấp được nhiều loại rau cho Siêu thị Co.opmart Mỹ Tho. Thế nhưng, sau khoảng thời gian cung ứng, nông sản của HTX đã bị siêu thị ngưng lấy hàng do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt quá quy định. Sau khoảng 1 năm bị ngưng lấy hàng, đến nay các loại rau của HTX vẫn chưa được siêu thị “ăn hàng” trở lại. Còn tại HTX Rau an toàn Tân Đông, ông Trần Văn Bương, Giám đốc HTX cho biết, việc đưa nông sản của HTX vào siêu thị còn lắm gian nan. Bên cạnh phải đảm bảo chất lượng, đơn vị cung cấp còn phải đáp ứng về số lượng. Thời gian qua, một số loại cải của HTX khi kiểm nghiệm có dư lượng thuốc BVTV vượt quá mức cho phép, nên các đối tác tiêu thụ đã ngừng lấy loại rau này từ đó đến nay. 

Nông sản vào siêu thị vẫn còn nhiều rào cản.
Nông sản vào siêu thị vẫn còn nhiều rào cản.

Không chỉ mặt hàng rau, củ, quả mà thịt, trứng cũng đang gặp khó trên con đường vào siêu thị. Sau khoảng thời gian cung ứng trứng gà cho Siêu thị Co.opmart Mỹ Tho, từ năm 2014 đến nay, cơ sở trứng gà Minh Đạt đã không còn có mặt tại siêu thị này vì không đáp ứng các tiêu chuẩn của đơn vị tiêu thụ. Không riêng gì cơ sở trứng gà Minh Đạt, một số nhà cung cấp trứng gà khác cũng bị siêu thị ngưng lấy hàng do không đáp ứng được quy chuẩn, quy trình, thủ tục của siêu thị.

Ông Nguyễn Duy Linh, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Mỹ Tho cho biết, những năm gần đây, các mặt hàng rau, củ, quả bán tại siêu thị có mức tăng trưởng khá cao. Cùng với đó, người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đối với chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, các nông sản muốn vào được siêu thị phải đảm bảo các quy chuẩn. Hiện nay, đa phần các loại rau, củ được bày bán ở siêu thị có nguồn gốc từ Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng); các loại rau, củ có xuất xứ trong tỉnh chiếm tỷ lệ khá nhỏ.

Cùng thực trạng trên, nông sản ở tỉnh cũng đang bị thất thế tại Siêu thị Co.opmart Gò Công. Hiện tại, các loại trái cây có xuất xứ trong tỉnh được bày bán tại siêu thị này chiếm khoảng 20%; còn các loại rau, củ chỉ chiếm khoảng 10%.

CẦN THAY ĐỔI TƯ DUY

Ông Nguyễn Duy Linh, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Mỹ Tho cho biết, siêu thị sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các mặt hàng nông sản ở địa phương được bày bán nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn đề ra. Về phía nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất để tạo ra những sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
 

Hiện nay, các kênh phân phối hiện đại đang phát triển rất mạnh mẽ. Cùng với hệ thống các siêu thị, các chuỗi cửa hàng tiêu thụ nông sản an toàn ra đời ngày càng nhiều và đang tạo nên sự quan tâm không nhỏ của người tiêu dùng. Đây là cơ hội cho các nông sản chất lượng tiếp cận thêm các kênh phân phối mới, thậm chí xuất khẩu.

Để tạo điều  kiện cho nông sản của tỉnh vào các siêu thị, tiếp cận các kênh phân phối, cửa hàng tiêu thụ nông sản “sạch”, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp (DN), HTX trên địa bàn tỉnh tham gia kết nối cung - cầu, quảng bá các nông sản có lợi thế cạnh tranh của tỉnh với các DN, siêu thị, nhà phân phối tại các thị trường TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội. Cùng với đó, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi cửa hàng nông sản thực phẩm sạch, an toàn tại TP. Mỹ Tho. Bước đầu, Công ty TNHH MTV Bình Minh Agrico, Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất Thương mại Dịch vụ Tigi Meal đăng ký tham gia.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch, điểm yếu của DN vừa và nhỏ này là chưa chủ động trong xây dựng nguồn nguyên liệu, chưa liên kết chặt chẽ với người sản xuất. Do vậy, khi có những hợp đồng cung ứng nông sản với số lượng lớn thì không đáp ứng được hoặc chất lượng sản phẩm không ổn định. Ngoài ra, các DN, HTX sản xuất nông sản chưa tập trung, còn dàn trải; trồng nhiều giống khác nhau đã gây khó khăn cho việc thu mua và ảnh hưởng đến chất lượng nông sản.

Lý giải thêm về những hạn chế này, ông Bương bày tỏ: “Hiện nay, vùng sản xuất của HTX chưa đồng bộ. Chính vì vậy, trong thời gian tới, HTX sẽ vận động xã viên sản xuất một cách đồng bộ để tránh tình trạng nhiễm chéo thuốc BVTV. Qua đó, các loại rau của HTX sẽ tránh được tình trạng vượt quá dư lượng thuốc BVTV”.
Còn về phía đơn vị tiêu thụ, ông Dương Minh Châu, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Gò Công cho rằng, các loại trái cây ngoại được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng một phần là vì sự mới lạ, mặt khác an tâm về chất lượng. Siêu thị rất muốn đưa những nông sản của địa phương vào bán cho người tiêu dùng nhưng nhiều nông sản không đáp ứng được tiêu chuẩn của siêu thị. Ngay tại khu vực Gò Công, mặc dù siêu thị rất muốn đưa trái sơ ri, một trong những nông sản đặc trưng của vùng vào bán nhưng không thể được do không đáp ứng được các tiêu chuẩn của siêu thị.

Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch, để mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như chủng loại nông sản vào siêu thị, các DN, HTX phải liên tục nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, cải tiến công nghệ sản xuất, tạo dựng vùng nguyên liệu dồi dào, chuẩn hóa các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất…; xây dựng mô hình hoạt động tạo thành một chuỗi cung ứng hoạt động thống nhất, hoàn chỉnh (chuỗi giá trị); xây dựng thương hiệu vững mạnh để phát triển bền vững. Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp các sở, ngành liên quan cùng đồng hành, hỗ trợ các DN, HTX trên địa bàn tỉnh; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, tổ chức các hoạt động kết nối giao thương với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, làm tiền đề hướng đến đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu cho nông sản của tỉnh.

MINH THÀNH

.
.
.