Thứ Sáu, 24/11/2017, 15:30 (GMT+7)
.

Liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị hạt gạo

Đó là một trong những mục tiêu được đặt ra trong Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu (XK) gạo tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh ban hành ngày 14-11.

Các doanh nghiệp bắt đầu chú ý đến gạo có nhãn hiệu.
Các doanh nghiệp bắt đầu chú ý đến gạo có nhãn hiệu.

Mục tiêu đặt ra trong kế hoạch là phát triển các thị trường XK gạo theo quy mô, cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm XK hợp lý, ổn định bền vững và hiệu quả; củng cố các thị trường XK truyền thống, trọng điểm và phát triển các thị trường XK mới, tiềm năng; tăng cường liên kết gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo XK từ khâu sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị gạo toàn cầu; nâng cao giá trị, đảm bảo hiệu quả XK; khẳng định uy tín và thương hiệu gạo của tỉnh trên thị trường, thúc đẩy XK góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa với giá trị có lợi cho nông dân, thực hiện các mục tiêu, nguyên tắc điều chỉnh XK gạo.

Mục tiêu cụ thể đặt ra trong Kế hoạch của UBND tỉnh là trong giai đoạn 2017 - 2020, trị giá XK gạo đạt bình quân khoảng từ 140 - 160 triệu USD/năm; giai đoạn 2021 - 2030 đạt bình quân khoảng từ 160 - 180 triệu USD/năm. Bên cạnh đó là chú trọng tăng tỷ trọng gạo trắng, hạt dài chất lượng cao (5 - 10% tấm), giảm tỷ trọng gạo trên 15% tấm; tăng tỷ trọng gạo thơm, gạo đồ, gạo sản xuất theo quy trình sạch, gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng; đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ thóc, gạo, bột gạo, mỹ phẩm từ gạo; tổ chức sản xuất theo quy trình chuẩn, đồng bộ từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, chế biến, bảo quản, đóng gói theo yêu cầu của thị trường; đảm bảo sản phẩm gạo có chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu, thị hiếu người tiêu dùng trong nước, nước ngoài và hàng rào kỹ thuật của các thị trường.

Kế hoạch của UBND tỉnh cũng đặt ra mục tiêu là tăng tỷ lệ XK gạo trực tiếp vào các thị trường, trực tiếp vào hệ thống phân phối gạo của các nước; khai thác hợp lý, hiệu quả kênh XK qua trung gian, nhất là đối với các thị trường không thuận lợi trong vận chuyển, giao nhận, bảo quản và thanh toán. Theo đó, đến năm 2020, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 80%; châu Phi chiếm khoảng 8%; châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương chiếm khoảng 12% trong tổng kim ngạch XK gạo của tỉnh.

Là đơn vị XK gạo có quy mô lớn nhất của tỉnh, Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood) trong những năm gần đây đã bắt đầu chuyển hướng chiến lược sản xuất - kinh doanh, nhất là tập trung xây dựng vùng nguyên liệu an toàn để tạo ra các nhóm sản phẩm có nhãn hiệu. Ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Tigifood cho biết, theo dự báo năm 2017, XK gạo của Việt Nam có thể đạt 5,7 triệu tấn nhờ các doanh nghiệp khai thác thêm một số thị trường mới. Riêng Tigifood, tính đến hết tháng 10, tổng lượng gạo bán ra là 204.000 tấn (cùng kỳ năm 2016 chỉ hơn 128.000 tấn). Đặc biệt, năm 2017 Tigifood là 1 trong 22 doanh nghiệp được phép XK sang thị trường Trung Quốc nên đã khai thác tốt thị trường này. Chỉ tính riêng thị trường Trung Quốc, Tigifood đã tiêu thụ hơn 100.000 tấn gạo.

Chưa kể, sau gần 1 năm ra mắt, 5 nhãn hiệu gạo của Tigifood bước đầu được người tiêu dùng tín nhiệm, nhất là các nhãn hiệu gạo an toàn như: Hồng Hạc, Bông Sen Vàng, Thiên Nga, Phong Lan Vàng… Theo đó, trong 10 tháng qua, công ty đã tiêu thụ được gần 500 tấn gạo nhãn hiệu an toàn, đạt mức tăng đến 225% so với năm 2015 và tăng 57% so với năm 2016 thông qua 31 hệ thống đại lý trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận, các khách hàng mua sỉ, bếp ăn tập thể và cung ứng cho hệ thống siêu thị. “Tigifood chủ trương tiếp tục ký hợp đồng với các hợp tác xã bậc cao, có quy trình sản xuất VietGAP nhằm tạo ra vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn để chế biến thành gạo nhãn hiệu, đáp ứng tiêu thụ nội địa và XK”- ông Lê Thanh Khiêm cho biết.

PHƯƠNG ANH

.
.
.