Thứ Sáu, 17/11/2017, 21:22 (GMT+7)
.

Nhiều chính sách tín dụng phục vụ "tam nông"

Thực tế cho thấy, hiện có rất nhiều chính sách tín dụng phục vụ cho phát triển nông nghiệp (NN), nông dân, nông thôn đã và đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, kết quả thực hiện các gói tín dụng này dường như vẫn còn khá khiêm tốn.

Theo thống kê gần đây của ngành NN, hiện có 16 nhóm chính sách phát triển NN, nông dân, nông thôn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chủ trì, theo dõi và triển khai thực hiện, bao gồm: Hỗ trợ đào tạo nghề NN cho lao động nông thôn; hỗ trợ bố trí, sắp xếp dân cư; hỗ trợ giảm tổn thất trong NN; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn; hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; tín dụng phục vụ phát triển NN và nông thôn; hỗ  trợ  giống  cây  trồng  để  khôi  phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu; hỗ trợ đất trồng lúa theo Nghị định 35 ngày 13-4-2015 của Chính phủ; khuyến khích, hỗ trợ phát triển thủy sản; hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất NN tốt trong NN, lâm nghiệp và thủy sản; Nghị định 02 của Chính phủ về khuyến nông; bảo vệ và phát triển rừng; cấp nước sinh hoạt nông thôn và chính sách về thủy lợi.

Theo đánh giá chung của Sở NN-PTNT, thời gian qua việc triển khai thực hiện chính sách thúc đẩy sản xuất NN, nông thôn phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) có điều kiện gắn kết với nông dân bền chặt hơn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các nhóm chính sách tín dụng ưu đãi phục vụ phát triển NN, nông dân, nông thôn có đến 8 nhóm chính sách còn khó khăn, vướng mắc cần được điều chỉnh, sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tế.

Khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi

Đó là nhận định của đại diện Công ty Lương thực Tiền Giang. Chẳng hạn, đối với chính sách hỗ trợ theo Nghị định 210 của Chính phủ về khuyến khích DN đầu tư vào NN, nông thôn. Trong quá trình công ty tiếp cận gói tín dụng ưu đãi này thì gặp phải vướng mắc là theo quy định đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ sẽ do Thủ tướng Chính phủ quy định về nguồn vốn và thủ tục hỗ trợ đầu tư nhưng đến nay chưa có hướng dẫn của Chính phủ để triển khai thực hiện, nên công ty cũng chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của chính sách này. Riêng đối với chính sách ưu đãi thực hiện theo Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ giảm tổn thất trong NN và Thông tư 08 của Bộ NN-PTNT quy định danh mục máy móc thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ nhưng khi công ty tham khảo thì những thiết bị nằm trong danh mục chủ yếu được sử dụng cho quy mô hộ gia đình hoặc liên hộ, không phù hợp với quy mô DN, nên công ty cũng chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi đầu tư này.

Một trong những chính sách đáng chú ý là khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn (CĐL) được thực hiện theo Quyết định 62 ngày 25-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Để cụ thể hóa chủ trương này, ngày 24-5-2016 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 24 quy định mức hỗ trợ phát triển CĐL gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản trên địa bàn Tiền Giang và Kế hoạch 276 ngày 1-12-2014 của UBND tỉnh về việc thực hiện “CĐL sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2014 - 2020”. Sau thời gian triển khai, đến nay có 2 DN và 1 Hợp tác xã đã được phê duyệt Phương án, với 47 CĐL được đầu tư, diện tích thực hiện 16.416 ha, diện tích mua đạt 8.463 ha, tỷ lệ thực hiện thành công theo hợp đồng đạt hơn 55%.

Sở NN-PTNT đánh giá, thông qua việc xây dựng CĐL, DN có vùng nguyên liệu ổn định, gắn sản xuất với thị trường, tăng khả năng cạnh tranh do kiểm soát được chất lượng sản phẩm, định hướng nông dân sản xuất theo hợp đồng gắn với các giống lúa chất lượng cao theo thị trường của DN, từng bước hình thành chuỗi giá trị trên nhóm ngành hàng lúa gạo, phù hợp với những bước đi mà ngành NN hướng đến.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chủ trương này còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan đến cơ chế chính sách. Chẳng hạn như, tại Điểm a, c, Khoản 2, Điều 4 của Quyết định 62 về điều kiện hưởng ưu đãi, hỗ trợ có quy định DN phải có hợp đồng trực tiếp hoặc liên kết với DN để cung ứng đầu vào, gắn với việc mua nông sản của nông dân, lập Phương án CĐL và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thế nhưng, tại Điểm b, c, Khoản 1 Điều 4 của Quyết định 606 ngày 21-1-2015 của Bộ Công thương lại không ràng buộc DN phải lập Phương án CĐL mới có vùng nguyên liệu xuất khẩu, mà chỉ ký hợp đồng liên kết với nông dân hoặc đại diện nông dân trồng lúa hoặc tự xây dựng vùng nguyên liệu do DN tự quản lý. Đồng thời, tại Khoản 3, Điều 13 của Nghị định 109 ngày 4-11-2010 của Chính phủ về Kinh doanh xuất khẩu gạo, chỉ “khuyến khích thương nhân mua thóc gạo, hàng hóa thông qua hợp đồng ký với nhà sản xuất”. Chính sự ban hành không đồng bộ, nội dung thiếu nhất quán trên của Bộ Công thương nên địa phương gặp khó khăn trong kêu gọi, vận động DN tham gia lập phương án CĐL.

Còn đối với chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong NN thực hiện theo Quyết định 68 ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong NN và Thông tư 08 ngày 20-3-2014, Thông tư 02 ngày 22-2-2016 sửa đổi, bổ sung danh mục chủng loại máy, thiết bị ban hành kèm theo Thông tư 08 của Bộ NN-PTNT đã góp phần thúc đẩy cơ giới hóa sản xuất NN trong khâu canh tác và thu hoạch, tạo điều kiện cho nông dân gieo sạ lúa đồng loạt theo lịch, phòng tránh rầy và dịch bệnh, giảm hao hụt sau thu hoạch, nâng cao chất lượng lúa gạo, tăng thu nhập cho người dân.

Theo đó, từ năm 2014 đến nay đã có hơn 480 khách hàng vay vốn với tổng số tiền vay hơn 136 tỷ đồng, số tiền lãi được hỗ trợ hơn 11 tỷ đồng. Hầu hết khách hàng vay vốn để đầu tư chủ yếu máy gặt đập liên hợp, máy sấy nông sản, máy làm đất, san phẳng đồng ruộng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chủ trương này cũng gặp một số vướng mắc như: Người vay phải có tài sản bảo đảm, thời gian hỗ trợ lãi suất ngắn (3 năm), chưa kích thích được người dân mua sắm sử dụng; danh mục chủng loại máy, thiết bị hỗ trợ chủ yếu quy mô hộ gia đình, chưa phù hợp với đối tượng là DN.

P.A

.
.
.