Thứ Tư, 06/12/2017, 14:48 (GMT+7)
.

Bưởi tiến vua về Tiền Giang

Thời gian gần đây, bên cạnh cây nho, giống bưởi vỏ đỏ, ruột đỏ (còn gọi là bưởi tiến vua) được bày bán ở một số nơi trong tỉnh đã gây sự tò mò cho nhiều người về nguồn gốc loại cây ăn trái trên. Vậy giống bưởi này có nguồn gốc từ đâu và liệu có phù hợp với khí hậu ở tỉnh?

Qua ghi nhận, khoảng một tuần nay, giống bưởi tiến vua được bày bán tại một số nơi trên địa bàn TP. Mỹ Tho. Không dừng lại ở đó, những xe bán bưởi tiến vua di động còn chào hàng đến những địa bàn lân cận. Ghi nhận của chúng tôi tại một điểm bán giống bưởi tiến vua gần cầu Rạch Miễu (phường 6, TP. Mỹ Tho), bưởi tiến vua được người đàn ông có tên Bảy Sành (quê miền Bắc) đặt trên xe tải cùng một số loại cây khác. Theo lời ông Bảy Sành, giống bưởi này xuất hiện ở miền Nam khoảng 1 năm nay. Riêng ông mang giống bưởi vào miền Nam để bán được khoảng 8 tháng. Khi về Tiền Giang, ông mang 200 gốc bưởi tiến vua để bán và giờ chỉ còn vài chục gốc. Hiện bưởi tiến vua loại chiết cành được ông bán với giá 150.000 đồng/gốc, loại ghép 80.000 đồng/gốc.

Theo ông Sành, giống bưởi tiến vua mà ông bán có nguồn gốc từ Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Với đặc điểm vỏ đỏ, ruột đỏ nên giống bưởi này gây được sự chú ý của người dân. Tuy nhiên, do mới du nhập về miền Nam nên chưa có ai trồng cho trái. Cũng theo ông Sành, giống bưởi này phù hợp với đất phù sa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ có vùng Gò Công là hơi khó trồng.

Để tìm hiểu nguồn gốc của giống bưởi tiến vua, chúng tôi vào trang web của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội để kiểm chứng. Theo thông tin từ Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, giống bưởi vỏ đỏ, ruột đỏ này có nguồn gốc ở làng Luận Văn (xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Giống bưởi này trước đây từng là sản vật tiến vua, nhất là ở thời Hậu Lê. Bưởi đỏ Luận Văn khi trái non có màu xanh, đến chín chuyển sang màu đỏ như màu trái gấc. Cùi và múi có màu đỏ rất đẹp mắt; tép bưởi màu đỏ hồng nhiều nước với vị ngọt và hương thơm rất đặc trưng nhưng không the, đắng ngay cả khi quả bưởi chưa chín. Với màu đỏ đặc trưng, bưởi Luận Văn còn tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc nên người dân rất ưa chuộng dùng để thờ cúng trong dịp tết.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trương Văn Cho cho biết, hiện nay, các giống bưởi lông Cổ Cò, da xanh và Năm Roi đang được trồng phổ biến trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phổ biến nhất là giống bưởi da xanh do mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khi muốn đưa một giống cây về trồng ở địa bàn tỉnh phải có sự khảo nghiệm, đánh giá của các nhà khoa học. Bên cạnh đó, giống cây này còn phải được người dân chấp nhận. Hiện nay, Chi cục chưa ghi nhận giống bưởi tiến vua được trồng ở tỉnh nên không đưa ra khuyến cáo. Do đó, trước hết người dân cần thận trọng khi mua giống bưởi này về trồng.

MINH THÀNH

.
.
.