Thứ Tư, 17/01/2018, 15:47 (GMT+7)
.
MỞ TUYẾN TÀU CAO TỐC TIỀN GIANG - VŨNG TÀU:

Thêm cơ hội cho du lịch Tiền Giang

Trước thông tin mở tuyến tàu cao tốc kết nối Tiền Giang - Vũng Tàu, nhiều người dân trong tỉnh rất hào hứng và muốn trải nghiệm cảm giác đi Vũng Tàu bằng tàu cao tốc. Tuy nhiên, đến nay tuyến tàu cao tốc vẫn chưa đi vào hoạt động trong sự chờ đợi của nhiều người.

Phương tiện đã được Greenlines DP chuẩn bị sẵng sàng.
Phương tiện đã được Greenlines DP chuẩn bị sẵng sàng.

NGƯỜI DÂN NÁO NỨC

Trước đây, hầu như người dân ở tỉnh Tiền Giang muốn đi du lịch Vũng Tàu thì đường bộ là sự lựa chọn duy nhất. Tuy nhiên, việc di chuyển bằng đường bộ mất nhiều thời gian, lại thường xảy ra kẹt xe, nhất là vào những ngày cuối tuần hay lễ, tết.

Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, khai thác lợi thế sông nước miền Tây, Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP (Greenlines DP) đã quyết định xúc tiến đưa vào khai thác tuyến tàu cao tốc kết nối Tiền Giang - Vũng Tàu.

Những con tàu hai thân Greenlines DP được thiết kế hiện đại, chất lượng theo chuẩn 5 sao dự kiến sẽ đưa vào khai thác tuyến này. Đặc biệt, tàu di chuyển không tạo ra sóng lớn có thể ảnh hưởng đến tàu bè xung quanh, vận hành tốt trong điều kiện gió cấp 6.

Những chiếc tàu hai thân với độ thăng bằng ổn định sẽ giúp hành khách không có cảm giác bị say sóng như những con tàu truyền thống.

Ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc Greenlines DP (ở giữa) khảo sát  vị trí đặt bến tàu cao tốc tại TP. Mỹ Tho.
Ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc Greenlines DP (ở giữa) khảo sát vị trí đặt bến tàu cao tốc tại TP. Mỹ Tho.

Đến nay, Greenlines DP đã cho chạy thử tuyến tàu cao tốc từ Tiền Giang đi Vũng Tàu và ngược lại, mỗi chuyến mất khoảng 2 giờ 15 phút (nhanh hơn nhiều so với việc di chuyển bằng đường bộ) và cũng đã dự tính giá vé cho hành khách đi tuyến tàu này.

Thế nhưng, do vướng một số thủ tục nên đến nay tuyến tàu vẫn chưa đi vào hoạt động trong sự trông chờ của nhiều người. Anh Nguyễn Hữu Lộc (TP. Mỹ Tho) cho biết: “Tôi thường đi du lịch Vũng Tàu bằng đường bộ. Do đi bằng xe khách nên thường xảy ra tình trạng kẹt xe, cảm giác không thoải mái'.

"Khi có thông tin mở tuyến tàu cao tốc, tôi rất hào hứng vì di chuyển bằng phương tiện này sẽ tiết kiệm được thời gian. Bên cạnh đó, trước giờ đi Vũng Tàu bằng đường bộ nên không có cảm giác gì mới, việc đi du lịch bằng tàu sẽ là một trải nghiệm mới”.

Còn chị Lê Bích Ngọc (xã Phú Phong, huyện Châu Thành) bày tỏ: “Khi nghe thông tin về việc mở tuyến tàu cao tốc Tiền Giang - Vũng Tàu, tôi rất phấn khởi và chuẩn bị ba lô để đi du lịch Vũng Tàu bằng tàu cao tốc. Tuy nhiên, đến thời điểm này tuyến tàu vẫn chưa đi vào hoạt động, tôi cảm thấy hơi tiếc. Tôi chỉ mong tuyến tàu cao tốc này nhanh chóng đi vào hoạt động để mình có cơ hội trải nghiệm tuyến du lịch mới này”.

Công tác chuẩn bị đã được Greenlines DP hoàn tất.
Công tác chuẩn bị đã được Greenlines DP hoàn tất.

Theo khảo sát của chúng tôi, khi có thông tin mở tuyến tàu cao tốc, có rất nhiều người dân ở tỉnh, đặc biệt là giới trẻ bày tỏ mong muốn được trải nghiệm cảm giác đi du lịch bằng phương tiện này. Và nhiều người đã tỏ ra tiếc nuối khi đến thời điểm này tuyến tàu cao tốc vẫn chưa đi vào hoạt động.

“VƯỚNG” Ở KHÂU NÀO?

Theo ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc Greenlines DP (đơn vị khai thác tuyến tàu cao tốc Tiền Giang - Vũng Tàu), hiện việc vận hành thử nghiệm, kiểm tra luồng lạch đã được công ty thực hiện xong. Công ty đã đưa các cán bộ của Cảng vụ Hàng hải, Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) 2 tỉnh Tiền Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu khảo sát tuyến.

Dự kiến, Sở GT-VT Tiền Giang giới thiệu cho công ty địa điểm đặt bến ở vị trí Nhà hàng nổi Lạc Hồng đang neo đậu (Bến tàu Du lịch Mỹ Tho) khi nhà hàng này hết hợp đồng vào cuối năm 2017. Thế nhưng, đến nay nhà hàng này vẫn chưa di dời. Khó khăn hiện nay của công ty là chưa tìm được vị trí đặt bến tàu ở đầu Tiền Giang do vị trí dự kiến đặt bến tàu cao tốc (tại Bến tàu Du lịch Mỹ Tho) vẫn chưa được khai thông.

Phía Tiền Giang cũng đưa ra phương án thứ 2 là đặt bến tại bến cảng Bình Đức, nhưng vị trí này cách xa trung tâm thành phố, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo cho việc đặt bến. Mong muốn của công ty là có được vị trí đặt bến tàu ưng ý để đưa vào khai thác.

Nếu cần đầu tư cho bến tàu hiện đại, phục vụ khách du lịch một cách tiện nghi, thoải mái nhất thì công ty sẽ sẵn sàng đầu tư. Từ đó, khoảng 1 đến 2 tháng, công ty có thể mở được tuyến tàu cao tốc này, tất cả phụ thuộc vào việc xây dựng bến, nhà chờ, khu vực dịch vụ.

“Tôi rất tâm huyết trong việc mở tuyến tàu Tiền Giang - Vũng Tàu” -  ông Trần Song Hải cho biết.
“Tôi rất tâm huyết trong việc mở tuyến tàu Tiền Giang - Vũng Tàu” - ông Trần Song Hải cho biết.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Tấn Phong cho biết, quan điểm của ngành là ủng hộ việc mở tuyến tàu cao tốc Tiền Giang - Vũng Tàu.

Đây là tuyến nằm trong quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh định hướng đến năm 2030. Khi tàu cao tốc đi vào hoạt động sẽ góp phần phát triển du lịch ở tỉnh. Việc chọn vị trí đặt bến tàu cao tốc, ngành sẽ trao đổi lại với ngành GT-VT để chọn địa điểm phù hợp và xin ý kiến UBND tỉnh.

Theo Phòng Quản lý Kết cấu hạ tầng giao thông (Sở GT - VT), Nhà hàng nổi Lạc Hồng đã hết hạn hợp đồng thuê bến, đơn vị đã nhiều lần liên hệ với chủ nhà hàng để di dời phương tiện nhưng chủ nhà hàng này cứ hẹn lần hẹn lượt.

Sắp tới, đơn vị sẽ có cuộc họp liên ngành để giải quyết tình trạng này. Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Ấp Bắc, Phó Giám đốc Sở GT-VT Nguyễn Thành Công cho biết, quan điểm của ngành là ủng hộ việc mở tuyến tàu cao tốc trên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Đức cũng cho biết, quan điểm của tỉnh là ủng hộ việc doanh nghiệp mở tuyến tàu cao tốc kết nối Tiền Giang - Vũng Tàu để phục vụ việc đi lại của người dân, thúc đẩy phát triển du lịch. Hiện UBND tỉnh đang chờ báo cáo của các ngành để có hướng giải quyết.

P.V

.
.
.