Thứ Năm, 18/01/2018, 08:43 (GMT+7)
.

Ngành hàng trái cây: Tận dụng cơ hội, duy trì tăng trưởng

Với tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước năm 2017 đạt 3,5 tỷ USD, trong đó chủ lực từ xuất khẩu trái cây, một lần nữa trái cây là điểm sáng trong nhóm nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và là ngành hàng cần được quan tâm đầu tư phát triển, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi đóng góp hơn một nửa sản lượng trái cây của cả nước.

Trong bối cảnh thị trường đang mở rộng, trái cây ĐBSCL có nhiều cơ hội để vươn lên nhưng cũng không ít thách thức trong quá trình phát triển.

Tiền Giang hội tụ nhiều loại trái cây đặc sản.
Tiền Giang hội tụ nhiều loại trái cây đặc sản.

NHIỀU CƠ HỘI

Theo nhận định của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), tốc độ tăng cầu trái cây cao hơn tốc độ tăng sản lượng cung ứng cho thị trường. Từ đó, Việt Nam có những lợi thế nhất định để trở thành nhà xuất khẩu trái cây có “tên tuổi” trên thị trường thế giới.

Những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và trái cây nước ta đã thâm nhập được một số thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Chile, Đài Loan…

Theo số liệu của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), năm 2017 Việt Nam đã xuất 5 loại trái cây (thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm) vào 7 thị trường khó tính với sản lượng 10.357 tấn (năm 2015 chỉ 4.407 tấn).

Mặc dù thị phần trái cây của Việt Nam tại các thị trường khó tính chưa cao, nhưng tiềm năng mở rộng rất khả quan; bởi sự cải thiện về chính sách khuyến khích đầu tư và xuất khẩu nông sản, cũng như thu hút đầu tư vào lĩnh vực rau quả theo hướng an toàn. Riêng trái cây của vùng ĐBSCL đã xuất khẩu được đến 40 thị trường trên thế giới.

Theo nhận định của Bộ Công thương, còn nhiều dung lượng thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng rau quả. Kinh tế các nước nhập khẩu dự báo sẽ tiếp tục phục hồi, đặc biệt là các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU… sẽ tác động tích cực tới xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam.

Trong các thị trường nhập khẩu chủ yếu trái cây của Việt Nam, Trung Quốc chiếm trên dưới 75% tổng kim ngạch xuất khẩu trong những năm gần đây. Kinh tế Trung Quốc tiếp tục duy trì và tăng trưởng là điều kiện để trái cây ĐBSCL đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.

Trong các loại trái cây của vùng xuất khẩu sang thị trường này, thời gian gần đây trái sầu riêng đang được xem là mặt hàng có nhiều tiềm năng. Tại các vùng trồng sầu riêng chủ lực của Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, khoảng 65% - 70% sản lượng sầu riêng sản xuất ra được xuất khẩu qua Trung Quốc với giá cả rất hấp dẫn.

LẮM THÁCH THỨC

Như đã đề cập, thị trường tiêu thụ trái cây nói chung và trái cây sản xuất từ ĐBSCL nói riêng đang rộng mở, nhưng có sự cạnh tranh rất gay gắt giữa các nước trồng và xuất khẩu trái cây.

Mặt khác, các nước nhập khẩu trái cây đưa ra các hàng rào phi thuế quan để kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm khi nhập khẩu.

Chính vì vậy, xuất khẩu trái cây của Việt Nam nói chung và của ĐBSCL nói riêng chưa thể đảm bảo được tính bền vững trong quá trình phát triển. Bởi các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Đài Loan, Chile, Argentina, Braxin quy định chặt chẽ về kiểm dịch thực vật nhập khẩu, đặc biệt là đối với các loại trái tươi, trong đó quy định bắt buộc phải thực hiện nhiều thủ tục phức tạp, thời gian kéo dài nhiều năm đối với từng loại sản phẩm.

Để trái cây thâm nhập vào thị trường khó tính phải thỏa mãn những điều kiện nhất định, trong đó chương trình tiền chứng nhận đối với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan; chương trình chứng nhận an toàn đối với New Zealand, Úc, Chile.

Hai nhóm chương trình này đều có chuẩn kỹ thuật và có hệ thống truy nguyên nguồn gốc, bao gồm mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và mã số nhà máy xử lý.

Trong trường hợp xuất khẩu trái cây tươi bằng giải pháp chiếu xạ cần xây dựng mã số vùng trồng, các nông hộ cần liên kết với nhau để đạt vùng trồng tối thiểu 10 ha liền kề để được cung cấp mã số; phải áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất trái tươi (VietGAP hoặc GlobalGAP), bao trái…

Đặc biệt, điều kiện triển khai xuất khẩu trái cây tươi bằng giải pháp chiếu xạ cần phải thực hiện biện pháp BVTV phù hợp, bao gồm không sử dụng nhóm thuốc: Chlorothalonil, iprodione, cypermethrim, difenoconazole, carbendazim (Hoa Kỳ đã cấm); đảm bảo thời gian cách ly tính đến ngày thu hoạch.

Cùng với đó, tác động của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Cộng đồng kinh tế ASEAN, hàng rào thuế quan ngày càng giảm tiến tới thuế suất về 0%, từ đó các nước có xu hướng xây dựng và áp dụng hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm ngày càng khắt khe nhằm bảo vệ và bảo hộ nền sản xuất trong nước.

Ngay cả đối với thị trường Trung Quốc, trái cây của vùng chưa thực sự tiếp cận được các thành phố lớn và cao cấp trong nội địa của nước này (phần lớn trái cây bán tại biên giới, giá cả bấp bênh). Mặt khác, việc vận chuyển trái cây đi xa nên tỷ lệ hư hỏng cao, giá thành thương phẩm tăng.

Đối với tiêu thụ nội địa, chính sách giảm thuế suất nhập khẩu trái cây sẽ là thách thức cho trái cây của ĐBSCL ngay tại sân nhà.

Nếu không chủ động cải thiện chất lượng và khâu hậu cần, kể cả khâu tiếp thị sản phẩm trong nước, cũng như áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật theo hướng giảm giá thành sản xuất và đảm bảo an toàn sản phẩm, thì không chỉ thị trường xuất khẩu, mà ngay tại trong nước trái cây ĐBSCL cũng sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn.

Trong khâu sản xuất và cung ứng, các chuyên gia cũng chỉ ra những điểm yếu và hạn chế của ngành trái cây ĐBSCL là chưa có đầy đủ bộ giống tốt, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nhiều vườn tạp, chưa áp dụng triệt để các quy trình canh tác và quản lý dịch bệnh tiên tiến (tỉa cành, tạo tán, bao trái ...), kỹ thuật thu hoạch và công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn thiếu và kém, kho bảo quản lạnh chưa được đầu tư đúng mức, hầu hết các doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, khó khăn trong truy xuất nguồn gốc; thiếu công nghệ và nhà máy chế biến hiện đại, thiếu nguyên liệu đủ tiêu chuẩn cho chế biến, nguồn cung nguyên liệu không đồng đều ở các thời điểm trong năm…

Điều đáng lo ngại là tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, tình trạng mất mùa, giảm năng suất, chất lượng trái cây đang là nỗi lo không chỉ riêng nhà vườn.

Ngoài ra, chúng ta cũng chưa xây dựng được chiến lược phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu; hệ thống thông tin thị trường yếu, nhiều loại trái cây xuất khẩu dán nhãn nước ngoài… Về chủng loại sản phẩm xuất khẩu, tuy có nhiều loại trái cây tham gia xuất khẩu nhưng chưa đồng đều, chưa đa dạng và phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.

VIỆC CẦN LÀM?

Cơ hội gia tăng xuất khẩu trái cây ĐBSCL đã khá rõ, nhưng để nắm bắt cơ hội và duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới, các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị trái cây ĐBSCL cần phải vượt qua những thách thức.

Trong đó, việc quy hoạch vùng trồng, cơ cấu cây ăn trái phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, nhất là phải có khâu nghiên cứu và dự báo nhu cầu thị trường tốt trong quá trình lập quy hoạch cây ăn trái của các địa phương.

Khâu tổ chức, kiểm tra, giám sát và khuyến khích, động viên nhà vườn áp dụng GAP; áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến đi đôi với cải tiến công cụ và phương tiện sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động và đảm bảo chất lượng trái cây cần được chú trọng.

Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng thương hiệu vùng cho trái cây ĐBSCL, nhất là đối với những loại trái cây đặc sản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng các mô hình tổ chức nông dân (tổ hợp tác/hợp tác xã) thiết thực để tăng cường sự liên kết trong sản xuất, tăng sản lượng trái cây đáp ứng tiêu chí thị trường đang đòi hỏi: Độ đồng đều của sản phẩm, an toàn thực phẩm và giá thành sản xuất cạnh tranh.

Cùng với đó là triển khai các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư vào ngành sản xuất trái cây ở ĐBSCL từ khâu trồng trọt, bảo quản tươi, phân loại, chế biến, tiếp thị, nghiên cứu đến chuyển giao thông tin thị trường.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng cần hỗ trợ, miễn hoặc giảm thuế và phí kho bãi, cước phí vận chuyển đối với trái cây tươi xuất khẩu qua đường hàng không, giảm thời gian làm thủ tục và kiểm tra; tăng cường xúc tiến thương mại, tích cực đàm phán với các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu.

HỮU TIẾN

.
.
.