Thứ Hai, 26/03/2018, 16:00 (GMT+7)
.

Cẩn trọng với thực phẩm "nhà làm"

Kinh doanh thực phẩm "nhà làm" hay còn gọi "handmade" đang "bùng nổ", song chất lượng của những thực phẩm này rất khó kiểm chứng.

PHONG PHÚ MẶT HÀNG

Gần đây, thông tin về thực phẩm bẩn, không an toàn xuất hiện nhan nhản trên các phương tiện truyền thông đã khiến nhiều người dè dặt hơn trong việc lựa chọn thực phẩm cho các bữa ăn. Nắm bắt nhu cầu này, ngày càng có nhiều người lựa chọn kinh doanh thực phẩm handmade với những lời giới thiệu “có cánh”.

Do tâm lý “sợ” thực phẩm không an toàn nên nhiều người tìm đến thực phẩm handmade, tuy nhiên  thực phẩm handmade chưa chắc an toàn.
Do tâm lý “sợ” thực phẩm không an toàn nên nhiều người tìm đến thực phẩm handmade, tuy nhiên thực phẩm handmade chưa chắc an toàn.

Phải nói rằng, mạng xã hội như Zalo, Facebook ngày càng sử dụng rộng rãi đã tạo nên kênh phân phối tiện lợi cho thực phẩm handmade. Chị Trần Thị Quyên (TP. Mỹ Tho) cho biết, chị bắt đầu làm các loại bánh ngọt và rao bán trên mạng xã hội từ 1 năm nay. Đến mùa Trung thu, chị làm bánh Trung thu hình các con vật để bán. Đa phần khách hàng đều là người quen nên có thể tin tưởng vào nguồn gốc của thực phẩm.

Xuất phát từ nhu cầu trên, thực phẩm handmade ngày càng phong phú và đa dạng, từ thực phẩm tươi sống cho đến thực phẩm khô, giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Chị Nguyễn Thị Hằng (TX. Gò Công) cho biết, tranh thủ dịp tết vừa rồi, gia đình đã tự làm lạp xưởng để bán.

“Để quảng bá đến mọi người, tôi chụp hình đăng lên mạng xã hội để rao bán và nhận được sự ủng hộ của nhiều người quen. Với mức giá vừa phải, thêm vào đó là nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng nên khá nhiều người đã đặt mua lạp xưởng của gia đình” - chị Hằng cho biết thêm.

CẨN TRỌNG

Vào những dịp lễ, tết, việc kinh doanh thực phẩm handmade lại trở nên sôi động với vô số món đặc sản tự làm được rao bán. Nhiều thực phẩm được quảng cáo với lời “có cánh” như: "ngon như nhà làm"  “cây nhà lá vườn” hay “đồ quê”. Dù vậy, thị trường thực phẩm handmade cũng có nhiều mặt trái khi người tiêu dùng không thể phân biệt đâu là thật, đâu là giả.

Anh T.N. (TP. Mỹ Tho) bày tỏ: “Nói là thực phẩm tự làm chứ mình khó mà phân biệt được. Tôi đã từng chứng kiến một người bán thực phẩm tự làm ra chợ mua hàng về giao cho khách”.

Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) hiện đang được đặt lên hàng đầu. Việc khó quản lý được nguồn gốc thực phẩm handmade đang làm dấy lên nguy cơ mất ATTP. Bởi lẽ, người kinh doanh thực phẩm handmade đa phần là sản xuất nhỏ lẻ, không được cấp phép sản xuất nên rất khó quản lý về ATTP.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Trịnh Phong Danh cho biết, do vấn đề ATTP còn diễn biến khó lường nên người tiêu dùng có tâm lý tìm đến những thực phẩm handmade.

Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thực phẩm handmade vẫn tiềm ẩn những rủi ro như: Người sản xuất chưa am hiểu về các chất phụ gia, phẩm màu được sử dụng, cũng như hàm lượng cho phép của các chất phụ gia, phẩm màu trong thực phẩm…

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng khó biết được người sản xuất sử dụng nguyên liệu gì để làm ra thực phẩm. Ngoài ra, thực phẩm handmade khi bày bán trên thị trường nếu không đảm bảo vệ sinh sẽ tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bẩn từ các yếu tố bên ngoài.

Do vậy, để đảm bảo ATTP khi sử dụng thực phẩm handmade, trước hết, người sản xuất cần có ý thức, trách nhiệm đối với sản phẩm mà mình làm ra.

Người sản xuất phải có sức khỏe (không mắc những bệnh trong danh mục Bộ Y tế không cho phép), trang bị những kiến thức về ATTP (vệ sinh cơ sở, cá nhân, trang thiết bị…).

Ngoài ra, người tiêu dùng nên tìm hiểu rõ nguồn gốc của cơ sở sản xuất để đảm bảo sức khỏe khi sử dụng các loại thực phẩm handmade.

MINH THÀNH

.
.
.