Thứ Hai, 12/03/2018, 15:13 (GMT+7)
.

Chủ động nguồn nước trước mùa khô 2018

Hạn, mặn năm nay được dự báo không gay gắt bằng năm 2016. Hiện tại, mực nước nội đồng vẫn còn cao, chất lượng nước tốt và đang đủ phục vụ cho vụ lúa đông xuân 2017 - 2018 , rau màu cũng như nước sinh hoạt của người dân trong vùng ngọt hóa Gò Công.

Tuy diễn biến hạn, mặn chưa phức tạp nhưng ngành chức năng từ tỉnh đến địa phương không chủ quan và đã chuẩn bị phương án từ rất sớm.

Cống Rạch Bùn, xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông) đã đóng để ngăn mặn, trữ ngọt.
Cống Rạch Bùn, xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông) đã đóng để ngăn mặn, trữ ngọt.

NƯỚC NỘI ĐỒNG CÒN DỒI DÀO

Những ngày này, mực nước từ các trục kinh chính đến các tuyến kinh nội đồng vẫn còn khá dồi dào, chất lượng nước khá tốt. Lúa đông xuân đang bước vào giai đoạn thu hoạch, rau màu vẫn lấy nước tưới bình thường, người dân vẫn còn sử dụng nước cho sinh hoạt dưới các tuyến kinh.

Bà Trần Thị Kim Anh, ấp Bắc 1, xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông) trồng 0,5 ha rau màu như hành, cải… cho biết: “Thời điểm này của những năm trước, kinh 2 thuộc ấp Bắc 1, xã Tân Điền cạn khô. Không có nước, nhiều hộ phối hợp với địa phương chủ động bơm chuyền để có nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Năm nay, nguồn nước rất dồi dào, chất lượng nước tốt. Những ruộng lúa sắp thu hoạch phải canh giữ bờ để đề phòng nước tràn vào ruộng”.

Nỗ lực đảm bảo nước cho sản xuất và sinh hoạt

Đó là khẳng định của Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Thiện Pháp khi mùa khô đang bước vào cao điểm. Chi cục trưởng Pháp cho biết, vùng ngọt hóa Gò Công phải kết thúc gieo sạ vụ lúa đông xuân 2017 - 2018 vào ngày 15-12, đồng nghĩa với việc lúa cắt nước trước ngày 15-3. Đến thời điểm này, lúa đã cắt nước và thu hoạch được 8.000 ha; đến 15-3, toàn vùng dự án sẽ cắt nước 19.000 ha; còn lại trên 7.000 ha sẽ cắt nước vào ngày 25-3.

Hiện nay, cống Xuân Hòa đang lấy nước tốt, nếu đến ngày 15-3 cống vẫn lấy nước thì vụ đông xuân năm nay thắng lợi. Tuy nhiên, sau khi vụ lúa đông xuân 2017 - 2018 kết thúc thì nguồn nước còn lại còn phục vụ cho sinh hoạt và tưới cho cây màu. Do đó, người dân cần phải giữ gìn vệ sinh nguồn nước. Mặc dù nguồn nước rất dồi dào, nông dân không nên xuống giống vụ 4 do nước phải tập trung phục vụ cho dân sinh, sản xuất rau màu và chăn nuôi.

Sau mùa khô năm 2016, Dự án Ngọt hóa Gò Công bộc lộ một số hạn chế trong việc ngăn mặn, trữ ngọt nên một số tuyến kinh trục chính như: Tham Thu, Trần Văn Dõng, Sơn Quy - Láng Nứa, Champeaux… đã cơ bản được nạo vét. Một số tuyến kinh nội đồng do huyện, thị quản lý cũng đã được nạo vét rất tốt. Ngoài ra, sau hạn, mặn năm 2016, Bộ NN&PTNT đã hỗ trợ cho tỉnh Tiền Giang đầu tư, cải tạo 4 cửa cống Xuân Hòa để chủ động trong việc lấy nước nên vùng ngọt hóa Gò Công đang có nguồn nước ngọt khá dồi dào.

Những năm trước, nước tưới cho sản xuất khi vào mùa khô ở huyện Gò Công Đông là vấn đề nan giải, đặc biệt là sản xuất lúa. Trước thực trạng đó, nhiều hộ đã chuyển từ trồng lúa sang trồng rau màu để chủ động nguồn nước tưới.

“Gia đình tôi đã chuyển 0,5 ha đất trồng lúa sang trồng rau màu; bởi trồng rau màu chủ động được nước tưới, thời gian thu hoạch nhanh… nên khi vào mùa hạn, mặn cũng ít lo hơn”- bà Anh nói.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí cho biết: “Năm nay, mực nước và chất lượng nước tốt hơn so với các năm trước. Hiện cống Xuân Hòa còn đang lấy nước nên hy vọng việc sản xuất và sinh hoạt của người dân trong vùng sẽ được đảm bảo”.

Những ngày này, mực nước nội đồng ở huyện Gò Công Tây cũng còn khá nhiều. Cùng với đó, do nhiều diện tích sản xuất lúa đã được chuyển đổi sang trồng rau màu, cây ăn trái nên nỗi lo về nước sản xuất cũng đỡ lo hơn.

Ông Nguyễn Văn Diệu, ấp Khương Thọ, xã Đồng Sơn (huyện Gò Công Tây) đã chuyển đổi 0,6 ha đất trồng lúa sang trồng dưa hấu và thanh long. Trao đổi với chúng tôi, ông Diệu cho biết, đến thời điểm này, mực nước ở các tuyến kinh chính và nội đồng còn nhiều hơn so với mọi năm nên các trà lúa, rau màu, cây ăn trái phát triển khá tốt.

Mực nước kinh 2  (kinh nội đồng) ở xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông)  còn khá dồi dào.
Mực nước kinh 2 (kinh nội đồng) ở xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông) còn khá dồi dào.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Thiện Pháp cho biết, hạn, mặn năm nay xâm nhập chậm hơn so với trung bình nhiều năm và xấp xỉ năm 2017. Cống Xuân Hòa là cống chủ lực của vùng ngọt hóa Gò Công đến nay vẫn lấy nước bình thường, mực nước trong vùng dự án còn tương đối cao, chất lượng nước tốt, đang đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong vùng ngọt hóa Gò Công.

KHÔNG ĐƯỢC CHỦ QUAN

Mặc dù nhận định tình tình hạn, mặn năm nay không gay gắt (thực tế nước nội đồng vẫn còn tốt và rất dồi dào), nhưng chính quyền từ tỉnh đến địa phương vẫn không chủ quan khi biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp làm cho hạn, mặn có thể diễn biến bất thường.

Giám đốc Xí nghiệp Thủy nông Gò Công Huỳnh Minh Chương cho biết: “Bước vào vụ lúa đông xuân 2017 - 2018, xí nghiệp đã huy động nhân viên trục vớt lục bình, chướng ngại vật trên các đoạn kinh trục, kinh cấp 1. Xí nghiệp cũng thường xuyên kiểm tra hiện trạng các công trình cống, duy tu, sửa chữa những cống ngăn mặn không đảm bảo. Hằng ngày, xí nghiệp thông báo cho các địa phương, đặc biệt là các xã ven biển biết diễn biến hạn, mặn”.

Còn Trưởng phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị ứng phó với hạn, mặn mùa khô năm 2018 đã được triển khai rộng rãi đến tận cơ sở. 

Lúa đông xuân 2017 - 2018 trong vùng ngọt hóa Gò Công đang phát triển khá tốt.
Lúa đông xuân 2017 - 2018 trong vùng ngọt hóa Gò Công đang phát triển khá tốt.

Tính đến đầu tháng 3-2018, nước mặn đã xâm nhập vào đất liền khoảng 20 km. Dự báo giữa tháng 3 này, mặn tiếp tục lấn sâu vào nội đồng cách cửa sông từ 30 - 40 km.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Thiện Pháp cho biết: “Hiện nay mặn chưa diễn biến gay gắt như năm 2016, nhưng tỉnh luôn đề cao cảnh giác và chủ động các phương án ứng phó. Trước mắt, ở những vùng đã bị nước mặn tràn vào thì đóng kín các cống đập bảo vệ sản xuất nông nghiệp".

"Những khu vực nước mặn chưa đến thì tranh thủ lấy nước ngọt dự trữ càng nhiều càng tốt, chuẩn bị lâu dài cho sản xuất lúa và sinh hoạt của người dân. Điều thuận lợi là hệ thống kinh, mương ở vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công đã cơ bản hoàn thiện nên việc ngăn mặn, trữ ngọt đang phát huy khá tốt, nhờ đó mà hơn 26.000 ha lúa ở vùng này chưa bị ảnh hưởng”.

UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã ban hành Chỉ thị về phòng, chống hạn, mặn và cháy rừng năm 2018 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp chủ động thực hiện nhiệm vụ và tuyên truyền sâu rộng đến người dân về diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2018; tăng cường kiểm tra, duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình ngăn mặn, dẫn và trữ nước ngọt.

Tỉnh lưu ý các huyện phía Đông phải lập kế hoạch cụ thể cho từng khu vực dự án, chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xấu xảy ra; tiến hành nạo vét các tuyến kinh cấp 2, cấp 3 để trữ nước, đồng thời sẵn sàng phương án bơm chuyền nước để cứu lúa nếu mặn diễn biến phức tạp.

SĨ NGUYÊN

.
.
Liên kết hữu ích
.