Thứ Hai, 19/03/2018, 14:35 (GMT+7)
.

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng trái vú sữa xuất khẩu

“Công tác tổ chức sản xuất, quản lý vùng trồng và chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế, chưa được kiểm soát chặt chẽ; chất lượng và giá bán trái vú sữa tại thị trường Hoa Kỳ có sự khác nhau; đặc biệt là xảy ra một số trường hợp trái vú sữa có cảm quan bên ngoài rất kém, dễ gây phản cảm và ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu trái vú sữa của Việt Nam đối với người tiêu dùng” - Đó là những hạn chế của một số doanh nghiệp xuất khẩu trái vú sữa làm ăn thiếu lành mạnh mà UBND tỉnh đề nghị một số bộ, ngành Trung ương chấn chỉnh.

Tuyển lựa và đóng thùng trái vú sữa đưa đi xuất khẩu.
Tuyển lựa và đóng thùng trái vú sữa đưa đi xuất khẩu.

Về vấn đề này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, đã có công văn gửi Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu kiểm soát mã số vùng trồng cây vú sữa để xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

Trong công văn này, Sở NN&PTNT nêu: Theo phản hồi của Công ty Alchon Trading - USA (đối tác xuất khẩu trái vú sữa của Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường), tình hình tiêu thụ trái vú sữa tại thị trường Hoa Kỳ rất tốt.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp khác đã bán giá thấp hơn so với Công ty Alchon Trading - USA, ngược lại sản phẩm của họ có cảm quan bên ngoài mẫu mã rất kém. Việc bán với giá cạnh tranh là theo quy luật thị trường nhưng phải bảo đảm các vấn đề về tổ chức sản xuất, nguồn gốc, chất lượng sản phẩm...

Việc mẫu mã, chất lượng sản phẩm thấp hoặc không đảm bảo theo quy định sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu sản phẩm vì gây mất lòng tin của người tiêu dùng Hoa Kỳ (có thể dẫn đến việc Hoa Kỳ không cho nhập trái vú sữa nếu chất lượng không bảo đảm).

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, tỉnh đã xác định 8 vùng trồng vú sữa để xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, với diện tích 102,97 ha của 276 hộ gồm: Xã Mỹ Lương (huyện Cái Bè), xã Mỹ Long (huyện Cai Lậy) và các xã Hữu Đạo, Bàn Long, Phú Phong, Long Hưng, Bình Trưng, Đông Hòa (huyện Châu Thành).

Trong đó, Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường đã ký kết hợp đồng tiêu thụ cho 50,54 ha; Công ty TNHH Đại Lâm Mộc đã ký hợp đồng tiêu thụ trái vú sữa với Tổ hợp tác xã Bàn Long 10,7 ha; Hợp tác xã Thanh long Mỹ Tịnh An đã ký kết hợp đồng tiêu thụ cho 10,95 ha; Công ty TNHH Xuất - nhập khẩu Chánh Thu đang đề nghị xác định mã số vùng trồng cho 13,08 ha; Công ty Vina T&T đang đề nghị xác định mã số vùng trồng cho 17,7 ha.

Còn Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với Phòng NN&PTNT các huyện Cái Bè, Châu Thành, Cai Lậy và TX. Cai Lậy tập huấn hướng dẫn nông dân và các đại lý buôn bán thuốc bảo vệ thực vật tại 8 vùng này về danh mục các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật phía Hoa Kỳ cảnh báo không nên sử dụng trên cây vú sữa để phục vụ xuất khẩu, khuyến cáo sử dụng nhóm thuốc sinh học để phòng trừ sâu, bệnh trên cây vú sữa; đồng thời, hướng dẫn nông dân các biện pháp bao trái và các biện pháp cách ly thuốc bảo vệ thực vật để tránh nhiễm dư lượng.

Từ tham mưu của Sở NN&PTNT, cuối tháng 1-2018, UBND tỉnh đã có công văn đề nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT hỗ trợ kiểm soát tình hình xuất khẩu trái vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ.

Trong công văn, UBND tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị chuyên ngành có liên quan trực thuộc Bộ phối hợp với các địa phương có xây dựng vùng trồng cây vú sữa kiểm tra, giám sát chặt chẽ về xuất xứ, mẫu mã, chất lượng các lô hàng trái vú sữa xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu.

Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao hỗ trợ, chỉ đạo các đơn vị chức năng thường trú tại Hoa Kỳ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình thị trường nhập khẩu, kinh doanh trái vú sữa và các loại nông sản Việt Nam của các doanh nghiệp nhập khẩu tại thị trường Hoa Kỳ; đồng thời, thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước để có định hướng sản xuất, xuất khẩu nông sản bảo đảm quy định của nước nhập khẩu nhằm bảo vệ uy tín, thương hiệu của hàng nông sản Việt Nam.

Giải trình của Sở NN&PTNT gửi UBND tỉnh vào ngày 16-3 cũng đã nêu: Vào cuối tháng 1-2018, Cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức cuộc họp tại TP. Hồ Chí Minh, với sự tham gia của Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (Cục Bảo vệ thực vật) và 13 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu trái vú sữa để chấn chỉnh hoạt động sản xuất và xuất khẩu trái vú sữa.

Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cũng đã tổ chức 2 buổi làm việc với các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu trái vú sữa (thu mua tại Tiền Giang) để chấn chỉnh hoạt động này. Việc cấp mã số vùng trồng do Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II kiểm tra, đánh giá, cấp mã số (điều kiện để được cấp mã số là diện tích trồng tối thiểu từ 10 ha trở lên và phải được định vị, có danh sách hộ nông dân tham gia vào vùng trồng và được UBND địa phương xác nhận) và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu.

Sở NN&PTNT cho biết, sau khi trao đổi với các doanh nghiệp, Cục Bảo vệ thực vật đã kết luận: Đối với các doanh nghiệp được cấp mã số vùng trồng, có vùng nguyên liệu và có bao trái thì tiếp tục xuất khẩu nhưng phải tăng cường kiểm soát ruồi đục trái trước khi đưa vào kiểm dịch. Đối với các doanh nghiệp khác tạm dừng xuất khẩu để khắc phục đến khi đủ điều kiện thì tham gia xuất khẩu. Hiện các doanh nghiệp đã tuân thủ theo kết luận này.

Tính đến nay, cả nước có 13 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trái vú sữa sang Hoa Kỳ, trong đó Tiền Giang có 5 doanh nghiệp (đã được cấp mã số vùng trồng) gồm: Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, Công ty TNHH Đại Lâm Mộc, Công ty TNHH TMDV Ánh Dương Sao, Công ty TNHH Màu Xanh Vĩnh Cửu, Công ty TNHH Xuất - nhập khẩu Chánh Thu. Theo đó, có 2 doanh nghiệp đã xuất khẩu trái vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ được 73 tấn và hiện đang tiếp tục xuất khẩu.

Ngành Nông nghiệp đang tiếp tục tập huấn cho nông dân tại các vùng trồng đã được cấp mã số về ghi chép sổ nhật ký sản xuất trái vú sữa, hướng dẫn bao trái và đặc biệt là không sử dụng 5 hoạt chất phía Hoa Kỳ cảnh báo, trong đó có hoạt chất Carbendazim đã cấm sử dụng tại nước này.

Vú sữa là 1 trong 7 loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh, là sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; sản phẩm trái vú sữa đã có nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý. Loại cây này trồng khá phổ biến trên dải đất ven sông Tiền thuộc các huyện phía Tây của tỉnh như: Huyện Châu Thành, huyện Cai Lậy, TX. Cai Lậy và huyện Cái Bè.

SĨ NGUYÊN

.
.
.