Thứ Sáu, 16/03/2018, 16:48 (GMT+7)
.

Lúa thơm, chất lượng cao "lên ngôi"

Chưa bao giờ người trồng lúa lại chú trọng đến giống lúa đặc sản, lúa thơm, lúa chất lượng cao như bây giờ. Ngay những vùng “ưa thích” giống lúa chất lượng thấp IR 50404 như: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước thì nay đã chuyển hầu hết diện tích sang trồng lúa thơm, lúa chất lượng cao. Chính điều đó làm cho giá trị xuất khẩu gạo cao, kéo theo giá lúa nguyên liệu tăng mạnh.

Thu hoạch lúa chất lượng cao trong vụ đông xuân 2017 -2018 ở huyện Cai Lậy.
Thu hoạch lúa chất lượng cao trong vụ đông xuân 2017 -2018 ở huyện Cai Lậy.

CHÚ TRỌNG LÚA THƠM, CHẤT LƯỢNG CAO

Vào những ngày này, các vùng trồng lúa trọng điểm của tỉnh như: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân 2017 - 2018. Nhiều nông dân đã bắt đầu bàn tính xuống giống tiếp lúa chất lượng cao ở vụ hè thu sớm. Bởi vụ đông xuân vừa thu hoạch xong, các giống lúa này đạt năng suất trên 8 tấn/ha, thậm chí 10 tấn/ha; giá bán từ 6.000 đồng/kg lúa tươi trở lên, nông dân lãi rất cao.

Ngay lần đầu tiên gia đình bà Võ Thị Sở, ấp 3, xã Thạnh Lộc (huyện Cai Lậy) trồng 0,8 ha lúa Đài Thơm 8 (vụ đông xuân 2017 - 2018), năng suất lúa đạt trên 8 tấn/ha và bán với giá 6.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình bà lãi trên 45 triệu đồng. Hiện bà đang tìm những ruộng lúa Đài Thơm 8 không bị lộn để mua về xuống giống tiếp ở vụ hè thu sớm. Bà Sở cho biết: “Trồng lúa Đài Thơm 8 thấy ham lắm! Lúa chín vàng ươm, hạt ít bị lem lép, năng suất cao, sâu bệnh không nhiều và được thị trường ưa chuộng. Chính điều này, nông dân ở đây đều chọn giống Đài Thơm 8 để gieo trồng”.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cái Bè Nguyễn Văn Thanh, vụ đông xuân này, nông dân huyện Cái Bè chọn giống lúa thơm, lúa chất lượng cao chiếm trên 90%; trong đó, các giống lúa chủ yếu được chọn là OM 5451, OM 4900, Jasmine 85 và đặc biệt là giống Đài Thơm 8. Việc giống lúa thơm, lúa chất lượng cao chiếm diện tích lớn một phần do các doanh nghiệp triển khai Cánh đồng lớn, một phần nông dân dần thay đổi trong việc chọn các giống lúa chất lượng cao để bán được giá hơn… “Qua khảo sát của chúng tôi, trong vụ hè thu sớm nông dân đa số cũng chọn các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao. Với năng suất cao, được giá thì không bao lâu nữa, các giống lúa chất lượng thấp sẽ mất dần” - Trưởng phòng NN&PTNT Nguyễn Văn Thanh bộc bạch.

Vùng phía Đông của tỉnh là nơi lâu nay đa số nông dân chọn trồng các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao. Vụ đông xuân này, nông dân tiếp tục lựa chọn theo hướng này và mang lại lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Ông Lê Văn Hải, ấp Bắc 1, xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông) trồng 0,7 ha lúa VD20 trong vụ đông xuân 2017 - 2018 cho biết, sau khi thu hoạch, năng suất lúa của ông đạt trên 8 tấn/ha và bán với giá 7.500 đồng/kg (lúa tươi tại ruộng), lợi nhuận đạt được trên 60 triệu đồng/ha. Ông Hải cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, gia đình ông sẽ tiếp tục chọn giống lúa VD20 để trồng, vì giống lúa này đạt năng suất, dễ trồng và bán được giá cao.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí cho biết, với 10.604 ha lúa xuống giống trong vụ đông xuân này, đa số đều là giống lúa đặc sản, lúa thơm, lúa chất lượng cao như: OM 4900, Jamine 85, VD20, Nàng hoa 9, OM 4737…Trong thời gian tới, nông dân của huyện sẽ tiếp tục chọn trồng các giống lúa có phẩm chất gạo tốt.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trương Văn Cho, vụ đông xuân 2017 - 2018, toàn tỉnh xuống giống được 68.964 ha; trong đó, nhóm lúa đặc sản, lúa thơm, lúa chất lượng cao chiếm 82%, tăng 19% so vụ đông xuân 2016 - 2017. Các giống lúa chủ lực là: Đài Thơm 8 chiếm 21,8% diện tích, được trồng tập trung tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy; giống OM 5451 chiếm 13,4% diện tích, được trồng tập trung tại các huyện Cái Bè, Tân Phước, Gò Công Tây và TX. Gò Công; giống OM 4900 chiếm 12,6% diện tích, được trồng tại huyện Gò Công Đông, TX. Gò Công; giống VD20 chiếm 10,9% diện tích được trồng tại các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông; giống Nàng hoa 9 chiếm 8,1% diện tích, trồng chủ yếu tại các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông và TX. Gò Công.

XUẤT KHẨU LÊN NGÔI NHỜ GẠO CHẤT LƯỢNG

Nói về tình hình xuất khẩu gạo, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang Lê Thanh Khiêm cho biết, trong thời gian qua, công ty chú trọng xuất khẩu gạo thơm, gạo chất lượng cao. Tính đến ngày 10-3, công ty đã xuất được trên 70.000 tấn gạo các loại, cao hơn 2,53 lần so với cùng kỳ; trong đó, thị trường nội địa chiếm 50%, thị trường xuất khẩu chiếm 50%. Hiện gạo thành phẩm 5% tấm có giá 9.050 - 9.110 đồng/kg, gạo 15% tấm từ 8.850 - 8.950 đồng/kg, gạo thơm Jasmine 85 từ 12.200 - 12.400 đồng/kg.     

Theo Bộ NN&PTNT, 2 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo đã đạt 889 ngàn tấn, đạt 437 triệu USD, tăng 21% về khối lượng và tăng 39,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong tháng đầu năm với 26,9% thị phần, tiếp đó là thị trường Trung Quốc với 23,5% thị phần. Trong những tháng đầu năm, tình hình xuất khẩu gạo rất tốt và giá gạo của Việt Nam cao hơn Thái Lan. Nếu như giá gạo xuất khẩu bình quân trong năm 2016 chỉ đạt 435 USD/tấn thì năm 2017 là 450 USD/tấn và đầu năm 2018 đạt mức 475 USD/tấn.

Lý giải về việc gạo Việt Nam được giá hơn Thái Lan, Bộ NN&PTNT cho biết, yếu tố căn bản giúp gạo Việt Nam tăng giá là cơ cấu xuất khẩu thay đổi, chất lượng gạo tăng lên. Trước đây, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gạo thường IR 50404, thì hiện nay phần lớn là loại gạo ngon. Năm 2017, 81% gạo xuất khẩu của Việt Nam là gạo nếp, gạo thơm, gạo Jasmine...

Liên quan tới xuất khẩu gạo, Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2018, mục tiêu hướng tới của Việt Nam là xuất khẩu đạt khoảng 6,5 triệu tấn với cơ cấu xuất khẩu chủ yếu là gạo chất lượng tốt. Loại gạo thường IR 50404 vẫn giữ tỷ lệ nhất định trong cơ cấu hàng xuất khẩu nhưng không quá 20%. Về lâu dài, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì theo con đường nâng cao chất lượng. Sau khi đảm bảo chất lượng, gạo Việt sẽ nhắm đến việc xây dựng thương hiệu.

Có thể nói, định hướng nhiều năm tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo nhằm nâng cao chất lượng gạo của Việt Nam bước đầu có hiệu quả. Trong 3 - 4 năm qua, Việt Nam đã xây dựng được cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm tới 80%. Bên cạnh đó, chất lượng gạo Việt Nam có nhiều cải tiến, trong khi các nước cạnh tranh không có nhiều thay đổi về chất lượng gạo. Điều này cũng giúp gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Từ đó, giá trị hạt gạo của Việt Nam cao hơn.

SĨ NGUYÊN

.
.
.