Thứ Bảy, 10/03/2018, 16:02 (GMT+7)
.

Thay đổi chính sách để doanh nghiệp hưởng lợi từ CPTPP

Nhiều chuyên gia nhận định CPTPP sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội, nhưng để thật sự có thể được hưởng lợi từ hiệp định Thương mại tự do này, thì sự thay đổi phải bắt nguồn từ chính sách.

Cơ hội lớn cho Việt Nam xuất khẩu
Nhìn nhận về những cơ hội mà CPTPP mang lại, giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài khẳng định Việt Nam đã ký kết nhiều FTA với một số quốc gia thành viên CPTPP, nên CPTPP sẽ tạo cơ hội để thương mại và đầu tư của Việt Nam với các nước đó trở nên thuận lợi hơn, đồng thời tận dụng được lợi thế với các thị trường bên kia Thái Bình Dương - những thị trường có nhiều tiềm năng mà Việt Nam chưa có hiệp định thương mại gồm Canada, Mexico và Pê-ru.

Về vấn đề này bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) khẳng định, CPTPP dự kiến sẽ tạo ra những lợi thế lớn cho xuất khẩu Việt Nam, khi mở ra con đường ưu tiên cho hàng hóa Việt Nam với những ưu đãi thuế quan khi tiếp cận thị trường 10 nước đối tác
Cụ thể, theo bà Trang CPTPP dự kiến sẽ tạo ra những lợi thế lớn cho xuất khẩu Việt Nam, khi mở ra con đường ưu tiên cho hàng hóa Việt Nam với những ưu đãi thuế quan khi tiếp cận thị trường 10 nước đối tác. Lợi thế này là rất đáng kể ở các thị trường mà Việt Nam chưa từng có FTA như Canada, Mexico, Peru…
"Ngay với cả các đối tác mà Việt Nam đã có FTA như Nhật Bản, Australia, New Zealand…, thì CPTPP cũng tạo thêm cơ hội mới, lựa chọn mới cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi tiếp cận các thị trường này.

Với các cam kết về đầu tư, mở cửa các thị trường dịch vụ mạnh hơn, CPTPP dự kiến thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời giúp cho cạnh tranh trong nhiều thị trường dịch vụ mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong các dịch vụ phục vụ sản xuất; hứa hẹn mang lại chất lượng cao hơn, giá hợp lý hơn cho người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ", bà Trang nhấn mạnh.

Thay đổi từ chính sách
Theo dự báo, đến đầu năm 2019, CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực. Như vậy, chỉ còn khoảng 10 tháng nữa là CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực.
CPTPP bao gồm nhiều cam kết về các vấn đề phía sau đường biên giới, với các tiêu chuẩn cao hơn so với mặt bằng chung trong các hiệp định của WTO ở nhiều lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, đầu tư, giải quyết tranh chấp, hải quan, phòng vệ thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn... Thậm chí CPTPP còn bao gồm cả những cam kết về các vấn đề vượt ra ngoài WTO như mua sắm công, lao động, môi trường…

Bà Trang cho biết: “Dự kiến khi triển khai thực hiện CPTPP, chúng ta sẽ phải rà soát, sửa đổi hệ thống pháp luật trong khá nhiều lĩnh vực. Vấn đề là nằm ở việc sửa đổi các quy định pháp luật nội địa theo hướng nào để vừa có thể bảo đảm tuân thủ cam kết CPTPP, vừa mang lại lợi ích tốt nhất cho Việt Nam.
Tiếp theo là việc tổ chức thực hiện các quy định này như thế nào, pháp luật trên văn bản là một chuyện, việc thực thi, hiện thực hóa pháp luật đó trên thực tế lại là cả một vấn đề khác.

“Đối với doanh nghiệp, thực thi các quy định pháp luật theo cam kết tiêu chuẩn cao của CPTPP tất nhiên sẽ dẫn tới những chi phí bổ sung đáng kể, tạo ra sức ép lớn cho doanh nghiệp. Tiêu chuẩn lao động cao hơn, tiêu chuẩn môi trường phức tạp hơn… là một trong số những ví dụ cho điều này. Đây mới chính là thách thức thực tiễn lớn nhất của việc thực thi các cam kết”, bà Trang nhấn mạnh.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng để toàn bộ nền kinh tế cũng như doanh nghiệp Việt được hưởng lợi từ hiệp định này thì Việt Nam phải bắt đầu cải thiện thể chế và thay đổi từ chính sách.

aaa
Giáo sư Nguyễn Mại khẳng định, CPTPP sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội lớn về xuất khẩu.

 “Khó khăn lớn nhất trong việcthực hiện các quy định của CPTPP là phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Ví dụ như trong lĩnh vực dệt may, theo quy chuẩn CPTPP nếu doanh nghiệp sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi trong trường hợp nguyên liệu làm ra sản phẩm đó có nguồn gốc phần lớn từ nước bản địa, hoặc là nguyên liệu nhập khẩu từ các nước CPTPP. Nhưng trong ngành dệt may Việt Nam thì phần lớn nguyên liệu sản xuất lại được nhập khẩu Trung Quốc. Như vậy, trong trường hợp này, để doanh nghiệp có thể được hưởng lợi thì chính sách thuế của chúng ta buộc phải thay đổi, hạn chế sự nhập khẩu nguyên liệu từ các nước ngoài CPTPP”, ông Hiếu phân tích.

Ngoài ra, ông Hiếu cũng cho rằng để nhanh chóng bắt nhịp được với các tiêu chuẩn của CPTPP thì các thiếu sót trong lực lượng lao động của Việt Nam cần được cải thiện nhanh chóng.
“Lực lượng lao động của Việt Nam còn nhiều thiếu sót trong việc đào tạo các kỹ năng, đặc biệt khi đi vào giai đoạn công nghiệp 4.0 về công nghệ thông tin. Đây là thời đại mới, cần phải đào tạo lại lao động để có kỹ năng về công nghệ thông tin. Tất cả mọi lĩnh vực, sựt thay đổi trước hết bắt đầu từ luật pháp, rồi cơ chế về thuế, về chính sách, về tổ chức, về kinh doanh, lao động, tất cả những quy định về luật pháp, những cơ chế liên quan đến những khâu đó cũng phải được thay đổi và đặc biệt nữa là chất lượng hàng hóa Việt Nam phải được nâng cấp”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Theo enternews.vn

 

.
.
.