Thứ Sáu, 15/06/2018, 16:57 (GMT+7)
.
CÁC HUYỆN, THỊ PHÍA ĐÔNG:

Nỗ lực thoát khỏi "vùng trũng" trong phát triển doanh nghiệp

Trong 3 vùng kinh tế của tỉnh, tình tình phát triển doanh nghiệp (DN) ở các huyện, thị phía Đông có phần “lép vế” hơn vùng Trung tâm và phía Tây. Để các huyện, thị phía Đông thoát khỏi “vùng trũng” trong phát triển DN đòi hỏi phải có một lực đẩy đủ lớn.

PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP CÒN HẠN CHẾ

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), năm 2017 toàn tỉnh có 640 DN thành lập mới; trong đó, các huyện, thị phía Đông chỉ có 93 DN. Mới đây nhất, trong quý I-2018, toàn tỉnh có 177 DN thành lập mới, nhưng vùng phía Đông chỉ có 22 DN mới ra đời.

Tình hình phát triển DN ở các huyện, thị phía Đông chậm hơn so với các vùng còn lại của tỉnh.
Tình hình phát triển DN ở các huyện, thị phía Đông chậm hơn so với các vùng còn lại của tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê, do điều kiện kinh tế - xã hội của huyện còn khó khăn, nhất là điều kiện về hạ tầng giao thông, điện, nước nên việc phát triển DN còn chậm, số lượng DN đến nay chưa nhiều.

Bên cạnh đó, có một thực tế là tuy nguồn lao động tại địa phương dồi dào nhưng hiện tại lại hạn chế do người lao động đi làm ở những nơi khác.

Sở dĩ có tình trạng này là do mức lương cơ sở tại địa phương thấp hơn một số nơi khác nên khó thu hút được lao động. Ngoài ra, nhiều hộ kinh doanh (HKD) tại địa phương không đủ điều kiện để lên DN.

Trong kế hoạch phát triển DN trong năm 2017, các huyện, thị phía Đông chưa đạt kế hoạch của tỉnh đề ra; trong đó, riêng TX. Gò Công chỉ đạt 68% kế hoạch.

Nhận định về việc phát triển DN chậm ở TX. Gò Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Trần Đỗ Liêm cho rằng, TX. Gò Công là thị xã lớn nhưng hầu như chỉ buôn bán nhỏ. Ngoài ra, việc phát triển du lịch ở đây cũng rất yếu. Địa phương chưa tạo được “cú hích” về mặt mô hình, địa điểm để phát triển du lịch.

Những sản phẩm nông nghiệp xung quanh thị xã để phục vụ cho người dân lại rất ít, hầu như người dân nơi đây đều đi lên TP. Hồ Chí Minh để làm việc. Các yếu tố trên là những rào cản trong phát triển DN tại địa phương.

Theo Sở KH&ĐT, trong năm 2018 và những năm tiếp theo, các huyện, thị phía Đông cần tập trung một số giải pháp để phát triển DN. Đầu tiên là phát triển các HKD chuyển đổi thành DN; thúc đẩy phong trào khởi nghiệp; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, thực hiện tốt công tác phối hợp trong hoạt động xúc tiến đầu tư; tiếp tục nâng cao vai trò của các Chi hội DN; nâng cao chất lượng đối thoại, tiếp xúc, làm việc với DN.

Theo đánh giá của Sở KH&ĐT, bên cạnh những lợi thế, tình hình phát triển kinh tế ở các huyện, thị phía Đông thấp so với khu vực Trung tâm và phía Tây của tỉnh.

Các chỉ tiêu kinh tế như: Tốc độ gia tăng giá trị sản xuất, tỷ trọng trong tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh, thu nhập bình quân đầu người, tổng vốn đầu tư xã hội, thu ngân sách… thấp hơn đáng kể so với các huyện, thị, thành vùng Trung tâm và phía Tây.

Các DN hoạt động trên địa bàn các huyện, thị phía Đông có số lượng ít hơn nhiều so với các vùng khác, có xã hiện nay chưa có DN hoạt động. Việc thực hiện các giải pháp phát triển DN chưa đạt yêu cầu là do công tác tuyên truyền vận động các HKD có tiềm năng chuyển đổi sang DN chưa đạt yêu cầu, các hoạt động khởi nghiệp chưa có giải pháp hiệu quả…

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Trần Đỗ Liêm, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến phát triển DN chậm ở các huyện, thị phía Đông là DN không có thị trường và cơ hội phát triển. Chính quyền địa phương chưa có những chính sách để tạo ra cơ hội cho DN phát triển.

THOÁT KHỎI “VÙNG TRŨNG”?

Thực tế cho thấy, hiện nay các huyện, thị phía Đông không có nhiều lợi thế so với các địa phương khác trong việc thu hút đầu tư, phát triển DN. Do vậy, để các huyện, thị phía Đông hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư, việc tháo gỡ khó khăn, đưa ra chiến lược là những việc cần được thực hiện ngay.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê, địa phương rất quyết tâm trong việc phát triển DN để thúc đẩy kinh tế của huyện. Để thúc đẩy phát triển DN, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng để hình thành vùng nguyên liệu, thu hút DN vào đầu tư.

Bên cạnh đó, huyện sẽ tích cực đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ nhu cầu của DN; đồng thời, tổ chức các buổi tuyên truyền để người dân hiểu lợi ích của việc chuyển đổi từ HKD lên DN. Trong đó, việc thúc đẩy khởi nghiệp cũng được địa phương rất quan tâm.

Ngoài ra, địa phương sẽ phát triển DN bằng việc thành lập các hợp tác xã. Đây là điều kiện để tạo nên chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, tích cực hỗ trợ nông dân. Các hợp tác xã cũng là cánh tay nối dài của cơ quan nhà nước trong việc hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

Năm 2018, một trong những chính sách trong phát triển DN ở các huyện, thị phía Đông là phát triển HKD chuyển đổi thành DN. Đây được đánh giá là con đường nhanh nhất trong phát triển DN.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, việc phát triển DN bằng hình thức này không phải là chuyện “một sớm, một chiều”. Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Trần Đỗ Liêm lý giải, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến các HKD “ngại” lên DN là quy mô chưa đủ lớn, tâm lý chưa muốn lên DN; tư tưởng khởi nghiệp, làm ăn lớn chưa được hình thành.

“Hiện có những chính sách “cứng” áp dụng đối với DN nên nhiều HKD “ngại lớn”. Nhà nước cần có sự thay đổi về chính sách, không thể đánh đồng 1 DN nhỏ với 1 DN lớn, phải có chính sách khác nhau cho từng loại DN mới có thể thúc đẩy phát triển DN” - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Trần Đỗ Liêm nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo nhận định của một số địa phương, bên cạnh thực hiện các chính sách để mở ra cơ hội cho DN vào đầu tư, việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất là một trong những vấn đề mấu chốt để thu hút đầu tư, phát triển DN. Bởi lẽ, hiện hệ thống giao thông, điện, nước ở các huyện, thị phía Đông còn chưa đồng bộ nên trở thành “rào cản” trong phát triển DN hiện nay.

MINH THÀNH

.
.
.