Thứ Hai, 02/07/2018, 15:38 (GMT+7)
.

"Làn gió mới" cho du lịch ở Tân Phong

Cù lao Tân Phong (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy) nổi tiếng với những vườn cây ăn trái sum sê, trĩu quả, đặc biệt là vào mùa chôm chôm chín, khắp cù lao “nhuộm” màu đỏ rực, đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Tính đến tháng 4-2018, cù lao Tân Phong thu hút 25.627 du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Tính đến tháng 4-2018, cù lao Tân Phong thu hút 25.627 du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

“ĐỔI ĐỜI” NHỜ DU LỊCH

Cù lao Tân Phong nằm trên dòng sông Tiền, có trên 2.379 ha vườn cây ăn trái. Trước đây, thu nhập của người dân xứ cù lao này chỉ trông chờ vào vườn cây ăn trái.

Song, nghề nông thường xuyên phải đối mặt với thời tiết thất thường ảnh hưởng đến mùa vụ, cùng với “điệp khúc” được mùa, mất giá nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

Thế nhưng, những năm gần đây, du lịch bắt đầu phát triển ở cù lao này, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển sang “khởi nghiệp” với du lịch.

Ông Năm On cho biết: “Nhận thấy những người từ địa phương khác đến đây rất thích thú với khung cảnh sông nước và vườn cây ăn trái trĩu quả, năm 2003 tôi quyết định cải tạo vườn cây ăn trái của gia đình thành khu du lịch sinh thái. Sau đó, khu du lịch sinh thái của gia đình tôi dần được nhiều người biết đến, các công ty dẫn tour du lịch về đây ngày càng đông đúc”.

Ông On cho hay, từ khi chuyển qua làm du lịch, kinh tế gia đình trở nên ổn định hơn. Thế nhưng, điều quan trọng là ông cảm thấy vui khi góp một phần nhỏ vào việc quảng bá những món ngon, cảnh đẹp của địa phương đến du khách từ khắp nơi.

Thành công của ông On đã mở ra hướng đi mới cho nhiều nông dân ở cù lao Tân Phong. Ông Chín Thương trước đây cũng rất khó khăn do thu nhập từ vườn cây ăn trái bấp bênh, từ khi chuyển sang làm du lịch, kinh tế gia đình đã tốt hơn rất nhiều.

Từ thành công của ông On, ông Chín Thương, nhiều nông dân khác bắt đầu làm theo, tạo nên phong trào nông dân làm du lịch lan rộng khắp cù lao. Du lịch cù lao phát triển góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn. Đặc biệt, khoảng 2 năm trở lại đây, cù lao Tân Phong phát triển du lịch theo mô hình homestay.

Anh Trần Văn Dân cho biết: “Nét riêng của du lịch homestay ở Tân Phong là giữ được nét hoang sơ, mộc mạc, được hòa mình vào cuộc sống của người dân bản xứ vốn hiền lành chân chất. Từ đó, tôi quyết định cải tạo lại 3.000 m2 vườn trồng chôm chôm để xây dựng mô hình du lịch homestay”.

Theo ước tính, các hộ nông dân chuyển sang làm du lịch có thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng. Hiện nay, toàn xã Tân Phong có 12 điểm du lịch sinh thái và du lịch homestay.

Phong trào nông dân làm du lịch ở cù lao Tân Phong đang phát triển mạnh, hứa hẹn nhiều điểm du lịch mới được hình thành từ những nông dân đã quen với ruộng vườn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã.

TIỀM NĂNG RẤT LỚN

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong Lê Văn Bình cho biết, du lịch ở cù lao Tân Phong đã xuất hiện khoảng 15 năm nay, chủ yếu là tự phát.

Mỗi năm, cù lao này thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan. Cụ thể, trong năm 2016, cù lao Tân Phong thu hút 36.968 lượt khách, trong đó 24.340 lượt khách quốc tế và 12.618 lượt khách trong nước.

Du lịch phát triển đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động nhàn rỗi ở xã như đờn ca tài tử, nấu ăn, chèo đò. Từ đó, du lịch được xác định là “mũi nhọn” kinh tế của xã.

Vì vậy, xã sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân làm du lịch như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở các lớp tập huấn, dạy nghề về du lịch.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong Lê Văn Bình, cù lao Tân Phong đang nằm trong quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh.

Theo đó, xã sẽ được đầu tư một số hạng mục công trình để phát triển du lịch như: Xây dựng bờ kè sông Tiền ở ấp Tân Thiện, xây dựng 2 khu nghỉ dưỡng ở ấp Tân Thiện và ấp Tân An (diện tích 7 ha).

Đồng thời, xã sẽ được đầu tư xây dựng một số tuyến đường giao thông như đường từ cầu 26/3 đến Bến phà Ngũ Hiệp.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Tấn Phong cho biết, cù lao Tân Phong có tiềm năng du lịch rất lớn. Do còn giữ được nét hoang sơ, đất đai màu mỡ, nằm giữa sông Tiền nên cù lao Tân Phong được định hướng phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, đảm bảo môi trường sinh thái, hạn chế phát triển các dịch vụ du lịch mang tính hiện đại.

Đồng thời, du lịch cù lao Tân Phong cần gắn với các điểm du lịch ở phía Tây, đặc biệt là các điểm du lịch ở huyện Cái Bè như chợ nổi Cái Bè, Làng cổ Đông Hòa Hiệp, Làng nghề làm bánh phồng.

QUỐC TUẤN

.
.
.