Thứ Hai, 13/08/2018, 16:21 (GMT+7)
.

Hiện thực hóa dự án đầu tư

Hội nghị Xúc tiến đầu tư (XTĐT) tỉnh Tiền Giang năm 2018 vừa được UBND tỉnh tổ chức vào ngày 9-8 được đánh giá thành công trên nhiều phương diện. Nhờ đó, hình ảnh Tiền Giang cũng dần thay đổi dưới góc nhìn của lãnh đạo Trung ương, các bộ, ngành và đặc biệt là từ chính các nhà đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan Triển lãm Thành tựu phát triển  doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang năm 2018.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan Triển lãm Thành tựu phát triển doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang năm 2018.

1. Thông qua Hội nghị XTĐT tỉnh Tiền Giang lần này, các nhà đầu tư đã và đang dự định đầu tư vào Tiền Giang đều có chung nhận định là môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh ngày càng thông thoáng, minh bạch và thân thiện hơn. Đây là tiền đề rất quan trọng cho chặng đường thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới.

Tất nhiên, vấn đề cốt yếu sau Hội nghị XTĐT của tỉnh là việc triển khai, hiện thực hóa các dự án đầu tư một cách hiệu quả nhất. Đây là điều mà các nhà đầu tư luôn mong mỏi.

Bà Lương Thị Diễm Trang, Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Mỹ Tho, đại diện cho liên danh Công ty cổ phần Cảng Mỹ Tho và Công ty TNHH Xăng dầu Châu Thành cho biết, liên danh công ty mong muốn thực hiện Dự án Cảng Du thuyền tại Mỹ Tho.

Đây là dự án được kỳ vọng sẽ mang đến những điều khác biệt cho du lịch của TP. Mỹ Tho nói riêng và của Tiền Giang nói chung. Dự án vừa tạo thêm mỹ quan đô thị trung tâm, vừa tạo sân chơi cho các hãng tàu, các công ty du lịch.

“Trên thực tế, khách du lịch đến Tiền Giang tham quan với số lượng ngày càng lớn nhưng tỉnh chưa có được bến tàu nào đẳng cấp. Do đó, liên danh công ty mong muốn đầu tư bến tàu hiện đại nhằm góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà và mở rộng sang các nước lân cận”- bà Lương Thị Diễm Trang cho biết.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng, Tiền Giang đã và đang quyết tâm tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải cách hành chính; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư; tăng cường đối thoại doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Về thủ tục đầu tư, thời gian giải quyết được rút ngắn, theo đó rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cấp Quyết định chủ trương đầu tư ngoài khu công nghiệp từ 35 ngày theo quy định của Luật Đầu tư xuống còn 20 ngày, trong khu công nghiệp xuống còn 9 ngày; thực hiện liên thông trong giải quyết thủ tục đầu tư - đăng ký kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết các thủ tục đầu tư kết hợp với dịch vụ công đã giải quyết được rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp so với trước đây.

Quan điểm chung của tỉnh, nhất là thông qua Hội nghị XTĐT tỉnh Tiền Giang năm 2018 vừa được tỉnh tổ chức là chú trọng vào chất lượng dự án đầu tư và tập trung hướng vào các dự án khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Do đó, không có nhiều dự án được trao chủ trương đầu tư, nghiên cứu đầu tư, nhưng chắc chắn rằng, các dự án được tỉnh chọn lần này sẽ được triển khai một cách nhanh nhất, do đã hội đủ các yếu tố cần thiết. Điều này cũng được chính các nhà đầu tư đánh giá cao.

Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, ông Phan Trung Nghĩa, phụ trách Dự án Khách sạn Moon River Hotel nhận định, nắm bắt từ cơ hội thông qua các chính sách của UBND tỉnh Tiền Giang về đầu tư mở rộng du lịch nên công ty có ý tưởng đầu tư về Tiền Giang. Với “cú hích” về cơ chế, chính sách và sự hỗ trợ của UBND tỉnh, Dự án Khách sạn Moon River Hotel sẽ được triển khai thực hiện thành công.

2. Bên cạnh về cơ chế, chính sách, những “cú hích” để thu hút các nhà đầu tư đến với Tiền Giang còn nằm ở vị thế của tỉnh. Bởi trên bình diện chung, Tiền Giang là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), được Thủ tướng Chính phủ quyết định cho tham gia Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam vào năm 2005. Trong thời gian qua, tỉnh đã tham gia hợp tác, liên kết với Tiểu vùng Đồng Tháp Mười và Tiểu vùng Duyên hải ĐBSCL.

Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm trải dài trên bờ Bắc sông Tiền với chiều dài trên 120 km, cách trung tâm lớn nhất của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam là TP. Hồ Chí Minh khoảng 70 km và vùng ĐBSCL là TP. Cần Thơ khoảng 100 km, đây được xem là khoảng cách có nhiều thuận lợi để kết nối giữa vùng nguyên liệu, sản xuất, thị trường tiêu thụ và xuất khẩu. 

Đánh giá về tiềm năng và định hướng phát triển trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng cho biết, theo định hướng quy hoạch vùng ĐBSCL và vùng TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang với vai trò là “cửa ngõ” của vùng TP. Hồ Chí Minh với vùng ĐBSCL và vùng sông Mê Kông mở rộng.

Từ các trục giao thông - kinh tế quan trọng đi qua địa bàn tỉnh như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 30, Quốc lộ 50, Quốc lộ 60, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Cần Thơ, Tiền Giang phát triển chủ yếu về công nghiệp chế biến nông, thủy sản; nông nghiệp chuyên canh cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cảng; đồng thời, tăng cường kêu gọi đầu tư các chức năng về thương mại - dịch vụ, du lịch cảnh quan sinh thái sông nước.

“Với quy mô dân số gần 1,75 triệu người, Tiền Giang vừa là thị trường khá lớn so với vùng, vừa là nơi cung cấp lực lượng lao động dồi dào; trong đó, lực lượng lao động trong độ tuổi khoảng 1,35 triệu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm trên 47%".

"Hiện nay, tỉnh có trên 4.800 doanh nghiệp và hằng năm thành lập mới thêm khoảng trên 700 doanh nghiệp; số doanh nghiệp này sẽ kết nối, hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư mới để cùng nhau liên kết, hợp tác phát triển trên địa bàn tỉnh”- Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng nhấn mạnh.

Để khai thác đúng vị thế của Tiền Giang, phát biểu tại Hội nghị XTĐT tỉnh Tiền Giang năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Tiền Giang phải là xung lực quan trọng của “đoàn tàu” kinh tế ĐBSCL.

Chính vì vậy, Tiền Giang phải đi đầu trong đổi mới thì khu vực ĐBSCL mới có thêm những động năng cho phát triển, vượt trên những thách thức của biến đổi khí hậu, hạn - mặn và tình trạng “nhợt nhạt, tranh tối tranh sáng” dưới xa mức tiềm năng của toàn khu vực ĐBSCL.

Tiền Giang rất thuận lợi về các yếu tố đầu vào sẵn có, đặc biệt là nguyên liệu trong việc phục vụ công nghiệp chế biến và việc tiếp cận lao động dễ dàng.

Với những điều kiện và đặc thù, Tiền Giang không chỉ có tiềm năng là đầu tàu kinh tế miền Tây, mà còn hội đủ các yếu tố trở thành một “siêu vệ tinh” của TP. Hồ Chí Minh, nếu chúng ta có tầm nhìn và hiện thực hóa tầm nhìn phát triển một cách hiệu quả và đầy quyết tâm…

NHÓM PVKT

.
.
Liên kết hữu ích
.