Thứ Tư, 22/08/2018, 20:57 (GMT+7)
.

Hơn 1,7 triệu USD hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long

Chiều 22-8, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), Hội nghề cá Việt Nam (Vinafis) và Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững Hà Lan (IDH) khởi động dự án “Thúc đẩy phát triển thủy sản bền vững thông qua tăng cường hợp tác công tư tại Đồng bằng sông Cửu Long”.

Đại diện các bên cam kết đồng hành trong thực hiện dự án 'Thúc đẩy phát triển thủy sản bền vững thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư tại Đồng bằng sông Cửu Long'. Ảnh: Xuân Anh/TTXVN
Đại diện các bên cam kết đồng hành trong thực hiện dự án 'Thúc đẩy phát triển thủy sản bền vững thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư tại Đồng bằng sông Cửu Long'. Ảnh: Xuân Anh/TTXVN

Phát biểu tại lễ khởi động, ông Trần Đình Luân, Phó Cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận định, việc triển khai dự án là sự nỗ lực của các bên nhằm nâng cao công tác quản lý nuôi tôm và cá tra; đồng thời giúp phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Tổng cục Thủy sản cam kết đóng góp tích cực để dự án thành công và sẽ nhân rộng mô hình này tại các địa phương nuôi trồng thủy sản trên cả nước.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong 5 nước đứng đầu về xuất khẩu nuôi tôm nước lợ và là nhà sản xuất, xuất khẩu hàng đầu về cá tra trên thế giới.

Tại Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực sản xuất chính, chiếm hơn 80% sản lượng tôm và 95% sản lượng cá tra.

Tuy nhiên, nuôi tôm nước lợ và cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với một số thách thức về hiệu quả quản lý dịch bệnh cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường về truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, mục tiêu của dự án là hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện hiệu quả nuôi trồng và đáp ứng các yêu cầu của thị trường.

Dự án tập trung vào việc tăng cường hiệu quả quản lý dịch bệnh trên cơ sở hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường cảnh báo dịch bệnh; cải thiện năng suất nuôi trồng tôm và cá tra thông qua xây dựng quy trình nuôi tôm, cá tra theo chuỗi cung ứng; hỗ trợ các doanh nghiệp tôm và cá tra xây dựng, cải thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Dự án được thực hiện từ tháng 9-2018 đến tháng 12-2020 với tổng kinh phí là 1,75 triệu USD (tương đương với khoảng 40,7 tỷ đồng); trong đó, khu vực nhà nước đóng góp 300.000 USD (gần 7 tỷ đồng), các doanh nghiệp thủy sản đóng góp 830.000 USD (19,3 tỷ đồng), số còn lại là các tổ chức trong nước và quốc tế.

Các bên liên quan kỳ vọng sau khi kết thúc dự án, hệ thống quan trắc môi trường, giám sát dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là trong nuôi tôm nước lợ và cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu quản lý môi trường, giám sát dịch bệnh; chất lượng, hiệu quả nuôi tôm nước lợ và cá tra ở khu vực được cải thiện; đồng thời xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc tôm, cá tra đáp ứng yêu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp nuôi, chế biến xuất khẩu được thông tin kịp thời những thay đổi, các yêu cầu của quốc tế về sản xuất, tiêu thụ thủy sản.

Đặc biệt, hợp tác công tư trong ngành thủy sản được tăng cường, phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm góp phần phát triển ngành thủy sản bền vững.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/hon-17-trieu-usd-ho-tro-doanh-nghiep-thuy-san-dong-bang-song-cuu-long/520551.vnp)

.
.
.