Thứ Tư, 24/10/2018, 08:49 (GMT+7)
.

Để ngành chăn nuôi heo phát triển bền vững

Ngày 15-8, trước tình hình giá thịt lợn (heo) tăng cao, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ về các giải pháp nhằm ổn định thị trường thịt heo.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu: Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường, giám sát hoạt động của thương lái, các nhà cung cấp lớn, các đơn vị phân phối lớn thịt heo để giảm chi phí trong lưu thông và khâu phân phối bán lẻ, giúp giảm giá thành bán lẻ đối với mặt hàng thịt heo.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vấn đề nhập lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng thịt heo. Tái đàn gắn với chọn lọc con giống chất lượng cao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, ổn định thị trường thực phẩm trong nước, thu nhập của người chăn nuôi. Ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá, triển khai các giải pháp phục hồi phát triển chăn nuôi heo với quy mô hợp lý…

Thực hiện tinh thần chỉ đạo trên của Phó Thủ tướng, ngày 9-10 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức gặp gỡ với các doanh nghiệp (DN) lớn trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt heo và một số địa phương chăn nuôi trọng điểm.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, với mức giá 51.000 - 52.000 đồng/kg thịt heo hơi như hiện tại là quá cao so với giá thành sản xuất (35.000 - 36.000 đồng/kg).

Giá bán này kéo dài suốt nhiều tháng nay và chỉ DN có lợi, vì có nhiều vốn, có lượng heo dự trữ sau cuộc khủng hoảng năm 2017 (lúc đó khoảng 15.000 đồng/kg heo hơi); còn các hộ dân không còn nhiều heo để bán, hoặc không còn vốn đầu tư sau đợt khủng hoảng năm ngoái.

Vì vậy cần phải bình ổn giá heo và cung - cầu trên thị trường trên cơ sở các bên cùng có lợi, chính là giúp mình, giúp bản thân DN.

Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nếu không kiềm chế giá thịt heo hiện nay xuống mức hợp lý, chính chúng ta sẽ đánh mất thị trường. Giá bán do thị trường quyết định nhưng vấn đề ở đây là làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa các thành tố trong chuỗi gồm: Người tiêu dùng, người chăn nuôi, DN và nhất là giữ được thị trường phát triển lâu dài, bền vững.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phân tích: “Sau 2 và 3 quý vừa rồi, ngành Chăn nuôi phục hồi, giá cả được như vậy ai cũng biết là quá được (lợi nhuận rất cao) nhưng tại sao quá được mà Bộ NN&PTNT lại phải mời DN đến bàn giải pháp; bởi nếu không bàn ngay thì “cái quá được” sẽ sang trạng thái khác.

Đó là không bền vững, không chỉ sẽ ảnh hưởng đến người chăn nuôi, mà còn chính là các DN, mất thị trường do sản phẩm bên ngoài tràn vào, dịch bệnh bùng phát, nhất là dịch tả heo châu Phi đang xảy ra ở 20 quốc gia trên thế giới, sản phẩm heo nhập lậu, phi chính thức, không giữ được thị trường, mất thị trường”.

Vì thế, Bộ trưởng đã đề nghị các DN trong tháng 10-2018 phải giảm giá heo xuống dưới mức 50.000 đồng/kg. Các DN hoạt động ở mọi công đoạn từ thức ăn, chăn nuôi gia công, giết mổ, chế biến, tiêu thụ bán lẻ trong khả năng của mình tiếp tục cải tiến, thay đổi, nâng cao giá trị quản trị, giá trị sản xuất, hạ giá thành, bảo vệ cho bằng được ngành chăn nuôi heo đang phát triển rất tốt như hiện nay.

Những ngày qua, giá thịt heo trên cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng bắt đầu giảm. Hiện thương lái vào mua heo ở các hộ dân chỉ còn 48.000 - 51.000 đồng/kg,  (giảm 2.000 - 3.000 đồng/kg so với trước).

Người chăn nuôi heo nhận định, đó là do tác động sau chỉ đạo giảm giá của Bộ NN&PTNT và có tâm trạng băn khoăn, lo lắng: Giá thịt heo theo đà sẽ tiếp tục giảm; tại sao Nhà nước không để cho thị trường quyết định để giữ giá thịt heo đứng ở mức cao như vừa qua để người chăn nuôi gỡ gạc phần nào thua lỗ của đợt khủng hoảng năm trước?…

Thiết nghĩ lo lắng, băn khoăn của người chăn nuôi heo như trên cũng là chính đáng. Vì thế, ngành Chăn nuôi cần có đợt tuyên truyền sâu rộng: Thứ nhất, khẳng định dứt khoát, chắc chắn với người chăn nuôi là giảm giá heo xuống dưới 50.000 đồng/kg, nhưng phải quy định mức dưới là bao nhiêu để người chăn nuôi heo an tâm. Ví dụ mức trên là dưới 50.000 đồng/kg, mức dưới là 45.000 đồng/kg, chẳng hạn.

Thứ hai, người chăn nuôi heo thấy được ý nghĩa to lớn của việc phải giảm giá heo xuống dưới mức 50.000 đồng/kg là nhằm phát triển chăn nuôi heo bền vững, cũng chính là nhằm đem lại lợi ích bền vững, lâu dài cho người chăn nuôi heo.

NHƯ NGỌC

.
.
.