Chủ Nhật, 21/10/2018, 15:18 (GMT+7)
.

Tiếp sức đoàn viên - thanh niên khởi nghiệp

Thời gian qua, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Tỉnh đoàn Tiền Giang và sự nỗ lực của bản thân, không ít đoàn viên - thanh niên (ĐV-TN) đã khởi nghiệp thành công trên chính mảnh đất quê hương của mình. Tuy nhiên, phong trào khởi nghiệp của ĐV-TN vẫn còn gặp nhiều khó khăn và rất cần sự tiếp sức.

asd
Anh Võ Tuấn Khải Huyền khởi nghiệp với mô hình chế ạo máy sản xuất và đóng gói khăn lạnh bán tự động.

KHỞI NGHIỆP: KHÔNG ĐƠN GIẢN

Theo thống kê của Ban Thanh niên công nhân, nông thôn, đô thị (TN-CN-NT-ĐT) - Tỉnh đoàn, toàn tỉnh hiện có 551 mô hình khởi nghiệp của ĐV-TN ở nhiều lĩnh vực: Sản xuất, kinh doanh, nông nghiệp...

Tuy nhiên, qua ghi nhận từ thực tế, trong quá trình biến ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực tạo ra sản phẩm khởi nghiệp, ĐV-TN gặp rất nhiều khó khăn với việc tìm nguồn vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Anh Phạm Văn Tài, chủ Cơ sở kẹo khóm Tài Linh (xã Tân Hòa Tây, huyện Tân Phước) cho biết, hằng năm, cứ vào mùa thu hoạch rộ, khóm lại thường rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”, khó tiêu thụ, nhất là khóm loại 2.

Từ thực tế này, anh nảy sinh ý tưởng tận dụng nguồn khóm loại 2 để sản xuất kẹo, với mong muốn vừa mang lại thu nhập cho bản thân, vừa tạo đầu ra cho nông dân. Với bản tính nghĩ là làm, anh bắt tay ngay vào việc thực hiện ý tưởng khởi nghiệp với Cơ sở kẹo khóm Tài Linh được thành lập vào năm 2015.

Trong năm 2018, Tỉnh đoàn Tiền Giang tiếp tục kết nối với các ngân hàng thương mại tiến hành giải ngân cho 70 dự án, mô hình phát triển kinh doanh, sản xuất, với tổng số vốn là 11 tỷ đồng. Tiến hành ký kết với Quỹ Đầu tư và phát triển tỉnh triển khai nguồn vốn 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn vận động nguồn vốn khởi nghiệp 1,5 tỷ đồng, để kịp thời hỗ trợ vốn cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của ĐV-TN.

Qua hơn 3 năm khởi nghiệp, bên cạnh những thuận lợi, kết quả bước đầu đạt được thì anh Tài cũng đã gặp không ít khó khăn, nhất là vốn để đầu tư sản xuất.

Cụ thể là hiện nay, anh Tài đang muốn có nguồn vốn để hiện đại hóa dây chuyền sản xuất kẹo khóm nhằm tăng sản lượng, phục vụ cho nhu cầu mở rộng thị trường.

Mặc dù anh Tài đã được Tỉnh đoàn hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp 50 triệu đồng để đầu tư dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, số tiền này còn quá ít so với giá trị máy móc, thiết bị mà anh Tài đang cần đầu tư.

Do đó, anh Tài rất mong Tỉnh đoàn cũng như các cơ quan chức năng hỗ trợ, giúp anh được tiếp cận với nhiều nguồn vốn hơn nữa, nhằm khắc phục những khó khăn về vốn trong đầu tư sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Không chỉ khó khăn về vốn mà các ĐV-TN khởi nghiệp cũng đang gặp không ít trở ngại trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm khởi nghiệp, nhất là đối với các sản phẩm mới. Thực tế này đã từng xảy ra với trà mãng cầu mang thương hiệu Phụng Tiên, một sản phẩm mới được tạo ra từ quá trình khởi nghiệp của anh Nguyễn Văn Phụng (xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo).

Anh Phụng cho biết, do là sản phẩm mới, chịu sức ép cạnh tranh, chưa có kinh nghiệm và không có nhiều cơ hội để quảng bá nên việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm trà mãng cầu Phụng Tiên của anh gặp nhiều khó khăn.

“Từ khi có ý tưởng khởi nghiệp đến tạo ra sản phẩm khởi nghiệp là cả một quá trình gian nan. Do đó, bản thân tôi cũng như những người khởi nghiệp đều không muốn sản phẩm khởi nghiệp của mình phải “chết yểu” giữa chừng. Chính vì vậy, các ngành chức năng cũng như Tỉnh đoàn cần có nhiều giải pháp hỗ trợ những người khởi nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả hơn” - anh Phụng đề xuất. 

Còn anh Võ Tuấn Khải Huyền (xã Bình Đức, huyện Châu Thành), khởi nghiệp với mô hình chế tạo máy sản xuất và đóng gói khăn lạnh bán tự động thì cho rằng: “Nếu Tỉnh đoàn và các ngành chức năng tổ chức thêm các hoạt động chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng kinh doanh, quản lý các ý tưởng khởi nghiệp thì ĐV-TN sẽ tự tin hơn trên bước đường khởi nghiệp”.

NHIỀU HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ

Thời gian qua, các hoạt động hỗ trợ ĐV-TN khởi nghiệp được Tỉnh đoàn và các cơ sở Đoàn trực thuộc tập trung chú trọng và đem lại hiệu quả thiết thực. Việc xây dựng nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp không tính lãi cho ĐV-TN được triển khai, phát động và thực hiện thường xuyên dưới hình thức “Sổ hỗ trợ khởi nghiệp”.

Các ĐV-TN tham gia mô hình “Sổ hỗ trợ khởi nghiệp” sẽ được hỗ trợ vay vốn không lãi suất từ 20 - 50 triệu đồng (tùy theo quy mô của từng dự án) trong thời hạn vay 24 tháng. Tính đến thời điểm hiện nay, mô hình này đã giúp cho hơn 1.000 ĐV-TN có vốn khởi nghiệp, với tổng trị giá gần 3,3 tỷ đồng.

Riêng trong năm 2018, Tỉnh đoàn tiếp tục hỗ trợ vốn cho 3 dự án khởi nghiệp gồm: Dự án áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, kinh doanh kẹo khóm của anh Phạm Văn Tài (huyện Tân Phước); Dự án thành lập Tổ hợp tác sản xuất kinh doanh nhãn rổ của anh Bùi Đức Thơi (TX. Cai Lậy) và Dự án kết nối thị trường kinh doanh dê sinh sản của chị Phạm Hồng Hạnh (huyện Gò Công Đông), với tổng số tiền 150 triệu đồng.

Theo Tỉnh đoàn, để tiếp tục đồng hành cùng ĐV-TN khởi nghiệp, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động khởi nghiệp như: Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo kiến thức khởi nghiệp cho ĐV-TN; tổ chức và phát động cho ĐV-TN tham gia Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp...

Qua đó, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo trong ĐV-TN và tìm ra các ý tưởng, đề án khởi nghiệp có tính khả thi để có giải pháp hỗ trợ triển khai, thực hiện. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn cho ĐV-TN khởi nghiệp từ nguồn Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp của Tỉnh đoàn.

CAO THẮNG - VĂN THẢO

.
.
.