Thứ Hai, 24/12/2018, 15:48 (GMT+7)
.

Cây lúa vùng ĐBSCL: Ứng phó với biến đổi khí hậu

Cần giải pháp hữu ích cho tình hình sản xuất lúa - gạo của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trước những thách thức rất lớn từ biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang tác động trực tiếp đến ngành Nông nghiệp toàn vùng, trọng tâm là cây lúa.

Hạn hán gay gắt diễn ra năm 2016 trên địa bàn Tiền Giang ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất lúa khu vực phía Đông của tỉnh cho thấy tác động lớn của BĐKH.
Hạn hán gay gắt diễn ra năm 2016 trên địa bàn Tiền Giang ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất lúa khu vực phía Đông của tỉnh cho thấy tác động lớn của BĐKH.

Đó là một trong những nội dung cốt lõi được đặt ra tại Hội thảo Xâm nhập mặn và khô hạn - Giải pháp ứng phó bảo vệ cây lúa và phát triển hạt gạo Việt Nam được tổ chức ngày 20-12, nằm trong khuôn khổ Festival lúa gạo lần thứ III diễn ra tại tỉnh Long An. Hội thảo một lần nữa đặt ra vấn đề trên nhằm tìm các giải pháp tối ưu đối với sản xuất nông nghiệp nói chung, cây lúa của ĐBSCL nói riêng - nơi được xem chịu tác động nặng nề nhất từ BĐKH.

Cũng như các lần hội thảo liên quan đến tình hình sản xuất nông nghiệp, trong đó có sản xuất lúa - gạo được tổ chức trước đây, các nhà khoa học, chuyên gia tại hội thảo lần này cũng có nhận định chung là BĐKH sẽ tác động rất lớn nếu chúng ta chưa có giải pháp hữu hiệu để ứng phó.

PGS.TS. Nguyễn Văn Sánh, nguyên Viện trưởng Viện Phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, BĐKH không chỉ ảnh hưởng đến nông dân, mà còn đối với cả doanh nghiệp. Theo đó, dưới tác động của BĐKH, thiệt hại của nông dân trong chuỗi giá trị lúa - gạo bao gồm các yếu tố như: Nắng nóng, khô hạn, lũ, ngập úng, mưa dầm, trái vụ, xâm nhập mặn, gió, lốc xoáy, bão… làm tăng chi phí sản xuất, chất lượng lúa bị giảm sút như lúa lép, giảm giá bán, tăng chi phí thu hoạch…, đặc biệt do xâm nhập mặn, năng suất, sản lượng lúa có thể bị giảm từ 30% - 50%.

Nếu nhìn từ khía cạnh nguyên nhân góp phần dẫn đến BĐKH ở ĐBSCL, TS. Văn Phạm Đăng Trí, Phó Trưởng khoa Tài nguyên và Môi trường (Trường Đại học Cần Thơ) cũng đưa ra những quan điểm riêng. Một trong những nguyên nhân được xác định là tình trạng chặt phá rừng, thủy điện, phát triển ở thượng nguồn làm thay đổi điều kiện về nước, thay đổi lượng bùn cát, thay đổi đặc tính lòng sông. Trên thực tế, BĐKH đang xảy ra, nguy cơ về xâm nhập mặn và ngập lũ ngày càng cao. Từ đó có thể dẫn đến một số thách thức về vấn đề môi trường hiện nay ở ĐBSCL.

“Với những thách thức trên, vùng ĐBSCL cần có những chiến lược trong chính sách và các biện pháp kỹ thuật để thích ứng với những tác động của BĐKH”- TS. Trí cho biết.

BĐKH không còn là vấn đề mới, nó đã và đang hiện hữu, thách thức cho toàn vùng ĐBSCL. Nhiều hội nghị, hội thảo đã đưa ra bàn thảo về vấn đề này.

Tất nhiên, một giải pháp hữu hiệu trước tác động của BĐKH vẫn còn là bài toán khó và cần nhiều thời gian. Trong khi chúng ta vẫn loay hoay cho các kịch bản ứng phó thì BĐKH đã từng ngày, từng giờ tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tại Hội nghị Phát triển bền vững vùng ĐBSCL được tổ chức gần đây, Ths. Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL cho rằng, nếu tính theo kịch bản quốc gia về BĐKH năm 2016, đối với kịch bản trung bình, đến năm 2100 khu vực ĐBSCL nhiệt độ trung bình có thể tăng 1,7 - 1,9oC, mưa có thể tăng 5% - 15% và nước biển dâng từ 32 - 78 cm. Hệ quả của BĐKH được dự báo sẽ có những tác động đáng kể. Chẳng hạn đối với trồng trọt, với dự báo nhiệt độ tăng, hạn hán (thiếu nước tưới) kết hợp với xâm nhập mặn gia tăng sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố cây trồng, đặc biệt làm giảm năng suất. Chưa kể, lũ lớn vào ĐBSCL xảy ra ít hơn (8% - 10%), trong khi lũ nhỏ và cực nhỏ sẽ xảy ra nhiều hơn (90% - 92%).

“Hậu quả là ĐBSCL có nguy cơ mất đi 7,6 triệu tấn lúa/năm, tương đương với hơn 40% tổng sản lượng lúa của cả vùng. Nếu tính theo kịch bản trung bình về BĐKH, năng suất lúa đông xuân giảm khoảng 405 kg/ha vào năm 2030 và hơn 716 kg/ha vào năm 2050. Nếu mực nước biển dâng cao 1 m, sẽ có khoảng gần 39% diện tích ĐBSCL, khoảng 10% - 12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP”- Ths. Thiện đánh giá.

Các nhà khoa học đều có chung nhận định, BĐKH là thách thức lớn, dù nỗ lực thích ứng của Trung ương, địa phương đã tăng, nhưng ở quy mô nhỏ không bảo vệ được những đối tượng dễ bị tổn thương. Vì vậy, chuyển đổi mô hình phát triển ứng phó với BĐKH và nước biển dâng cần phải được tiến hành ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương. 

Xuất phát từ thực tiễn đang được đặt ra, Nghị quyết 120 ban hành ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH cũng xác định, BĐKH và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội…

Điểm mấu chốt cũng được xác định là tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn; nghiên cứu, xây dựng các kịch bản và có giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai như bão, lũ, hạn hán và xâm nhập mặn, với các tình huống bất lợi nhất do BĐKH…

A.P

.
.
.