Thứ Hai, 10/12/2018, 08:41 (GMT+7)
.
"Tiếp sức" kinh tế tập thể

Bài 1: HTX nông nghiệp còn nhiều khó khăn

Trong tổng số HTX đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, HTX nông nghiệp chiếm phần lớn, song những HTX này đang gặp rất nhiều khó khăn.

 HTX nông nghiệp vẫn loay hoay tìm lối đi.
HTX nông nghiệp vẫn loay hoay tìm lối đi.

THIẾU CƠ SỞ VẬT CHẤT

Trong 7 tháng năm 2018, toàn tỉnh có thêm 19 HTX nông nghiệp được thành lập. Như vậy, tính đến hết tháng 7, toàn tỉnh có 155 HTX, Quỹ tín dụng nhân dân, trong đó có 97 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản.

Nhìn ở khía cạnh nào đó, việc các HTX ra đời ngày càng nhiều cho thấy lĩnh vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đang khởi sắc. Tuy nhiên, trong bức tranh gam màu sáng đó, nhiều HTX nông nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo Chủ tịch Liên minh HTX Tiền Giang Nguyễn Văn Hồng, để hoàn thành tiêu chí số 13 trong xây dựng NTM, có một số HTX trong tỉnh thành lập khi chưa hội đủ các điều kiện để hoạt động (thiếu nhân sự, không huy động đủ vốn cổ phần theo điều lệ, thiếu cơ sở vật chất để hoạt động…).

Bên cạnh đó, một số thành viên khi tham gia HTX còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Từ đó khi tham gia vào HTX, các thành viên chưa phát huy hết nghĩa vụ và trách nhiệm đối với HTX, phó mặc cho ban lãnh đạo. Mặt khác, quyền lợi của HTX mang lại cho các thành viên chưa nhiều nên thành viên chưa gắn bó với HTX.

Ngoài ra, cán bộ quản lý, chuyên môn của HTX đa số xuất thân từ nông dân, chưa có trình độ, chuyên môn sâu, chủ yếu hoạt động bằng tâm huyết, nhiệt tình và kinh nghiệm thực tiễn. Do đó, cán bộ quản lý HTX thiếu năng động, nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh; thiếu tầm nhìn, chiến lược để định hướng sản xuất, kinh doanh lâu dài.

Cụ thể, nhiều HTX nông nghiệp hiện chưa có trụ sở làm việc, thiếu nhà kho, nhà sơ chế để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Dù những khó khăn này không phải mới, nhưng nhiều HTX nông nghiệp đang phải loay hoay trong tình trạng “thiếu đủ thứ”.

Đặc biệt, tình trạng này xảy ra nhiều ở các HTX nông nghiệp mới thành lập. Giám đốc HTX Rau an toàn Bình Nghị (xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông) Võ Công Thành cho biết, HTX hoạt động từ tháng 12-2017, đang từng bước đi vào ổn định với hơn 10 ha sản xuất rau an toàn.

Tuy nhiên, vấn đề khó của HTX hiện nay là chưa có trụ sở làm việc, phải mượn đất của gia đình để xây dựng nơi làm việc tạm.

HTX đang xin chính quyền địa phương hỗ trợ quỹ đất để xây dựng trụ sở làm việc.

Tương tự, HTX Sản xuất thương mại và Dịch vụ nông nghiệp sạch Mỹ Phong (xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) cũng gặp khó khăn trong việc tìm quỹ đất để xây dựng văn phòng, nhà kho, nhà sơ chế.

HTX đang sản xuất và kinh doanh các loại trái cây chủ lực của tỉnh, trong đó chủ yếu là dưa lưới, với sản lượng cung cấp dưa lưới mỗi tháng khoảng 10 tấn cho Siêu thị Big C, Bách Hóa Xanh.

Theo đại diện HTX Sản xuất thương mại và Dịch vụ nông nghiệp sạch Mỹ Phong, hiện các đối tác cần từ 30 - 50 tấn dưa lưới mỗi tháng, nhưng HTX chưa thể đáp ứng.

Mong muốn của HTX là có quỹ đất để xây dựng văn phòng với diện tích từ 50 - 100 m2 và nhà sơ chế khoảng 500 m2, từ đó tạo nền tảng để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Trường Phát (xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây) cũng mới được thành lập trong năm 2017. Do còn “non trẻ” nên HTX rất cần nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản xuất.

Giám đốc HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Trường Phát Đồng Thị Thu Hoài cho biết, lúc mới thành lập, HTX có 7 thành viên với vốn điều lệ 150 triệu đồng.

Do hạn chế về nguồn vốn, lại không có tài sản chung nên muốn đầu tư cơ sở vật chất cũng gặp khó, ngay cả trụ sở làm việc cũng phải mượn tạm nhà của xã viên.

VÀ NHIỀU KHÓ KHĂN…

Thực tế cho thấy, thời gian qua dù nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, song nhiều khó khăn vẫn chưa được “trút bỏ”. Theo đánh giá, một số HTX được thành lập gần đây chưa hội đủ các yếu tố “cần và đủ”.

Một số HTX ra đời nhằm phục vụ cho công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) nên khi đi vào hoạt động đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu phương án sản xuất, kinh doanh.

Nhìn một cách tổng thể, khó khăn lớn nhất mà nhiều HTX nông nghiệp đang đối mặt là nguồn vốn. Bởi khi thành lập, vốn điều lệ ban đầu ít nên nhiều HTX phải “chật vật” xoay trở.

Theo các ngành chức năng, để thỏa mãn điều kiện vay vốn, các HTX phải có tài sản thế chấp hoặc có phương án, dự án sản xuất, kinh doanh.

Trong khi đó, các HTX mới thành lập không có tài sản thế chấp, một số HTX lại chưa có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi để thuyết phục các ngân hàng, tổ chức vay vốn.

Bên cạnh khó khăn về nguồn vốn, nhiều HTX nông nghiệp vẫn loay hoay với “bài toán” đầu ra. Dù việc sản xuất rau thủy canh tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Đạo Thạnh (TP. Mỹ Tho) mang lại hiệu quả bước đầu, nhưng đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định.

Ông Huỳnh Tấn Phúc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đạo Thạnh cho biết, hướng sắp tới HTX sẽ mở rộng diện tích trồng rau thủy canh. Cái khó của HTX hiện nay là chi phí đầu tư ban đầu rất cao, đòi hỏi cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Ngoài ra, khi nói đến khó khăn của các HTX nông nghiệp không thể không nhắc đến yếu tố con người. Nhiều HTX nông nghiệp gặp khó trong thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng lao động có trình độ, người có tâm và có tầm để lãnh đạo.

Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Sơn cho rằng, muốn các HTX hoạt động hiệu quả thì cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về mặt chính sách đào tạo, vốn, đất đai… Những chính sách theo Luật HTX quy định là những chính sách “cần”, còn để cho các HTX hoạt động mạnh cần có chính sách “đủ”.

Để các HTX phát triển gắn với xây dựng NTM cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước về vốn, đất đai. Điều kiện trước tiên để các HTX hoạt động là phải có văn phòng, nhà sơ chế…

Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị, 2 “điểm nghẽn” lớn nhất trong phát triển HTX là vốn và đầu ra cho sản phẩm. Do đó, Tiền Giang cần quan tâm, hỗ trợ để các HTX phát triển gắn với liên kết chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp chính quyền cơ sở để giúp cho các chuỗi liên kết giá trị hiệu quả; bởi doanh nghiệp rất ngại liên kết với nông dân do câu chuyện “lật kèo” trong mua bán.

M. THÀNH - Q. TUẤN (còn tiếp)

.
.
.