Thứ Tư, 12/12/2018, 19:44 (GMT+7)
.
"Tiếp sức" kinh tế tập thể

Bài 2: Hiệu quả từ mô hình HTX kiểu mới

Bài 1: HTX nông nghiệp còn nhiều khó khăn

Nhiều hợp tác xã (HTX) ở tỉnh đã thể hiện vai trò đại diện cho nông dân, hình thành được liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

ĐIỂN HÌNH HTX KIỂU MỚI

Được thành lập vào năm 2015, HTX Rau an toàn (RAT) Tân Đông (xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông) từng bước khẳng định thương hiệu, cung ứng sản phẩm cho nhiều đối tác trong và ngoài tỉnh. Hiện HTX có trên 12 ha sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP với hơn 30 loại.

Quan điểm của huyện Gò Công Tây là phát triển HTX để có nền tảng xây dựng nông thôn mới chứ không phải vì xây dựng nông thôn mới mà phát triển HTX.
Quan điểm của huyện Gò Công Tây là phát triển HTX để có nền tảng xây dựng nông thôn mới chứ không phải vì xây dựng nông thôn mới mà phát triển HTX.

Có thể nói, năm 2017 là năm đánh dấu bước tiến lớn của HTX RAT Tân Đông trong sản xuất RAT. Các thành viên HTX đã trồng rau phủ lưới che với hệ thống tưới tự động, sử dụng phân hữu cơ, với nhiều ưu điểm như ngăn ngừa côn trùng phá hoại...

Nhờ vậy, rau trồng được cả mùa mưa mà chất lượng, mẫu mã vẫn bảo đảm. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu sản xuất hiện đại, các thành viên HTX được đào tạo, trang bị đầy đủ kỹ thuật canh tác mới.

Để đảm bảo chất lượng nông sản, HTX RAT Tân Đông luôn quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP.

Để bảo đảm cân đối giữa cung và cầu, cán bộ điều hành HTX dựa vào yêu cầu của đối tác để điều chỉnh quy trình xuống giống cho hợp lý. Trong nửa đầu năm 2018, HTX đã sản xuất và tiêu thụ gần 200 tấn rau, củ, quả.

Hỗ trợ đất xây dựng trụ sở cho các HTX

Theo Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Đinh Tấn Hoàng, điều đáng lo hiện nay là những HTX mới thành lập đang gặp nhiều khó khăn.

HTX thành lập từ mong muốn của những người có nhu cầu chứ thật sự chưa được Nhà nước giúp nhiều.

Để tháo gỡ khó khăn, trước hết địa phương sẽ cố gắng tạo quỹ đất, thậm chí huyện đã dùng ngân sách để mua đất hỗ trợ các HTX.

Huyện đã mua 1.000 m2 đất và giao cho HTX RAT Thạnh Hưng để xây dựng trụ sở. Trong thời gian tới, địa phương sẽ cố gắng giúp các HTX có trụ sở làm việc.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Đinh Tấn Hoàng, quan điểm của địa phương là phát triển HTX để có nền tảng xây dựng nông thôn mới chứ không phải vì xây dựng nông thôn mới mà phát triển HTX.

Đây là quan điểm rất rõ ràng của huyện. Đến nay, hầu hết các xã ở huyện đều có HTX và không có HTX hoạt động theo hình thức.

Theo HTX RAT Tân Đông, hiện các đối tác của HTX là Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh, Công ty Ống thép dầu khí PVC Kiểng Phước, Công ty Dịch vụ thương mại Mỹ Châu...

Nhờ ký hợp đồng tiêu thụ với nhiều doanh nghiệp, HTX cùng lĩnh vực nên HTX RAT Tân Đông đã bao tiêu được sản phẩm cho thành viên với giá cao hơn giá thị trường.

Sắp tới, HTX dự kiến mở sạp bán RAT cho người dân địa phương sử dụng, thành lập trại chăn nuôi cung cấp thịt cho bếp ăn ở các công ty.

Theo Giám đốc HTX RAT Tân Đông Trần Văn Bương, ngoài những đối tác  trên, HTX vừa ký với các đối tác 3 hợp đồng mới về tiêu thụ rau của HTX.

Yêu cầu của đối tác là rau phải được sản xuất theo hướng hữu cơ. Do đó, HTX đang chuẩn bị nguồn lực đầu tư nhà lưới khép kín để trồng rau theo yêu cầu của đối tác.

Hiện nay, HTX đã liên kết được với nhiều đơn vị cung ứng nên sản lượng rau đảm bảo đủ cung cấp cho đối tác. Dù vậy, HTX rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.

NHÌN TỪ CÁCH LÀM CỦA HUYỆN GÒ CÔNG TÂY

Theo đánh giá của Liên minh HTX Tiền Giang, huyện Gò Công Tây là địa phương phát triển kinh tế tập thể tốt nhất trên địa bàn tỉnh.

Nhiều HTX trên địa bàn huyện hoạt động có hiệu quả, có mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như: Thạnh Hưng, Hòa Thạnh, Phú Quới…

Có một điều rất đặc biệt ở huyện Gò Công Tây mà chúng tôi rất ấn tượng là sự liên kết, hỗ trợ nhau giữa các HTX. Cụ thể, huyện Gò Công Tây có nhiều HTX sản xuất RAT cung cấp cho các doanh nghiệp, siêu thị trong cả nước.

Nhờ vậy, các HTX đã phát huy được vai trò cầu nối giữa nhà nông và doanh nghiệp, giải quyết được “điểm nghẽn” trong tiêu thụ nông sản.

Dù mới thành lập nhưng HTX RAT Hòa Thạnh (xã Bình Tân) từng bước khẳng định thương hiệu và mở rộng sản xuất. Hiện HTX đang phân phối RAT cho Siêu thị Bách Hóa Xanh và một số doanh nghiệp khác.

Giám đốc HTX RAT Hòa Thạnh Nguyễn Thanh Quang cho biết, HTX đang có 5,5 ha sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP.

Có thể nói, khi mới thành lập HTX gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, HTX đã nhận được sự hỗ trợ lớn của địa phương và các HTX bạn từ đầu ra cho đến kỹ thuật. Khi HTX thiếu nguồn hàng để cung cấp cho đối tác, các HTX khác sẵn sàng hỗ trợ và ngược lại.

“Không dừng lại ở phạm vi trong huyện, nhiều HTX khác ở vùng Gò Công như HTX RAT Gò Công, HTX RAT Tân Đông cũng liên kết rất chặt chẽ với HTX RAT Hòa Thạnh trong việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, HTX RAT Hòa Thạnh còn liên kết với một số tổ hợp tác trên địa bàn huyện mở rộng diện tích sản xuất” - Giám đốc HTX RAT Hòa Thạnh Nguyễn Thanh Quang chia sẻ thêm.

Còn Giám đốc HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Trường Phát Đồng Thị Thu Hoài cho biết, từ khi thành lập cho đến nay, HTX luôn được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương. Chính quyền các cấp luôn gần gũi, lắng nghe và cố gắng tạo mọi điều kiện để HTX phát triển.

Theo UBND huyện Gò Công Tây, hiện địa phương có 18 HTX, chủ yếu là HTX nông nghiệp (16 HTX). Các HTX này đều hoạt động khá tốt, có liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Để có được điều đó, huyện Gò Công Tây đã tăng cường lực lượng để hỗ trợ các HTX khi nhận được ý tưởng thành lập cho đến khi ra mắt và các hoạt động sau đó.

Địa phương hỗ trợ các HTX bằng cách kết nối với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Hằng năm, địa phương đều có buổi làm việc với các HTX, tổ chức đoàn khảo sát để thăm, nắm tình hình hoạt động.

Một điều đặc biệt nữa mà huyện Gò Công Tây làm được trong phát triển kinh tế tập thể là luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến của HTX.

Hằng tháng, địa phương đều tổ chức “Cà phê doanh nghiệp” vào đầu tháng để lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp. Ngoài các doanh nghiệp, địa phương còn mời những HTX, đặc biệt là các HTX nông nghiệp đến để nắm bắt tình hình hoạt động.

Từ đó, giữa chính quyền và các HTX thêm gần gũi, gắn kết; đồng thời, lắng nghe những khó khăn của HTX để có chỉ đạo, giải quyết kịp thời.

M. THÀNH - Q. TUẤN (còn tiếp)

.
.
.